Chính trị - Xã hội
Mang thông điệp Việt Nam đổi mới và hội nhập mạnh mẽ ra thế giới
Chiều 21-1 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác cấp cao Việt Nam về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 47 (World Economic Forum - WEF) tại Davos, Thụy Sĩ từ ngày 17 đến 21-1 theo lời mời của Chủ tịch WEF Klaus Schwab. Đây là chuyến tham dự Hội nghị WEF đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Chính phủ và cũng là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên trong năm 2017 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ngay sau khi đến Thụy Sĩ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu chương trình làm việc khẩn trương với 40 hoạt động nối tiếp nhau, trong đó phát biểu tại 5 phiên thảo luận về các vấn đề toàn cầu, khu vực; tiến hành gặp cấp cao với nguyên thủ, Thủ tướng của 7 nước, người đứng đầu của các tổ chức quốc tế lớn, 22 cuộc tiếp xúc song phương, 2 cuộc đối thoại với các CEO, lãnh đạo các tập đoàn lớn thuộc WEF, gặp gỡ một số hãng thông tấn, báo chí quốc tế hàng đầu.
Tại Diễn đàn Hội nghị WEF năm nay với chủ đề “Lãnh đạo trách nhiệm và hành động”, Thủ tướng đã phát biểu tại các phiên họp toàn thể, đối thoại về các chủ đề chính như “Tương lai nền sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực”, “Triển vọng ASEAN sau chặng đường 50 năm thành lập và phát triển”, “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm trong một thế giới đa cực”, “Quản trị vững mạnh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, “Bản sắc ngành chế tạo: ASEAN đã trở thành một cộng đồng hay chưa?”.
Tại phiên toàn thể về vai trò ASEAN, Thủ tướng Chính phủ nêu bật các thành tựu trên chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN, đánh giá cao nguyên tắc đồng thuận và “Phương cách ASEAN” tạo nên bản sắc của ASEAN; cho rằng các nước thành viên cần hợp tác chặt chẽ thực hiện hiệu quả lộ trình Tầm nhìn 2025 của Cộng đồng Kinh tế ASEAN phát huy hợp tác nội khối, khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác nhằm tạo cơ hội thu hút đầu tư, thương mại vào khu vực; tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế khu vực do ASEAN dẫn dắt về bảo đảm an ninh, gìn giữ hòa bình, hợp tác. Khẳng định Việt Nam đóng góp quan trọng và có trách nhiệm vào củng cố đoàn kết và đồng thuận ASEAN, nỗ lực cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh.
Trong các hoạt động song phương, Thủ tướng đã gặp Tổng thống Thụy Sĩ Doris Leuthard và lãnh đạo nhiều nước tham dự hội nghị như Thủ tướng Áo Christian Kern, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Hoàng hậu Hà Lan Maxima, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Tại các cuộc gặp gỡ, hai bên đã trao đổi nhiều biện pháp, nhất trí tăng cường phối hợp triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương.
Trong khuôn khổ dự Hội nghị WEF, Thủ tướng có các tiếp xúc với lãnh đạo các tổ chức quốc tế như Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Angen Gurria. Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, vì sự thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng với Chủ tịch WEF Klaus Schwab đã chứng kiến Lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và WEF về phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai.
Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng đã gặp gỡ lãnh đạo chủ chốt của 40 tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn thuộc Top 500 tập đoàn lớn nhất thế giới về tài chính và công nghệ như Microsoft, Facebook, Alphabet (Google), Qualcom, Standard Chartered, Prudential, Alibaba, JETRO, Mitsubishi, UPS, Carlyle, Swiss Re… và có 2 cuộc đối thoại chuyên đề với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin và tài chính, trực tiếp giải đáp nhiều vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm.
Có thể nói, chuyến tham dự Hội nghị WEF lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mang tới những thông điệp mạnh mẽ về đường lối, định hướng, chính sách và quyết tâm của Việt Nam về đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020; khẳng định rõ cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng Chính phủ hành động và kiến tạo phát triển, tăng cường lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Bên cạnh đó, cũng thu hút sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các hoạt động năm Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam.
B.T