Chính trị - Xã hội
Mì Quảng 5.000 đồng
Thương hiệu mì Quảng 5.000 đồng đến với khách không chỉ vì giá rẻ mà còn là tấm lòng của những chủ quán trong từng tô mì.
Ở huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam), không xa lạ với hai quán mì Quảng giá 5.000 đồng. Một quán ở xã Quế Thuận, một quán ở Thị trấn Đông Phú. Cả hai quán này đều không có biển hiệu, không có tên quán, chỉ đề dòng chữ “Mì Quảng bình dân” phía trước.
Tô mì ngon không phải ở giá cả mà ở tấm lòng
Từ TP Đà Nẵng men theo Quốc lộ 1A rồi rẽ lên đường ĐT 611 vào huyện lỵ Quế Sơn, đến địa phận xã Quế Thuận sẽ thấy cổng chào dẫn vào thôn Phước Thượng, chỉ vài chục mét là bắt gặp quán mì Quảng nhỏ nằm ngay bên đường. Gọi quán cho sang chứ thực ra đó là gian chái nhỏ được xây dựng từ mấy chục năm trước. Quán kê vẻn vẹn 3 bộ bàn inox lớn cho khách ngồi, bên trong là gian tráng mì của bà chủ tên Nguyễn Thị Mười (SN 1967).
Bà Mười đang tráng mì |
Bà Mười cho biết từ khi kết duyên với chồng tên Trần Đình Ánh (SN 1965), vợ chồng bà bắt đầu mưu sinh bằng nghề bán mì Quảng. Bà Mười cũng không nhớ tô mì được bán đầu tiên giá bao nhiêu tiền chỉ biết rằng giá bán của bà chỉ bằng một nửa so với tô mì bình dân bên ngoài thị trường. Giá 5.000 đồng bắt đầu cách đây khoảng 5 năm rồi và bây giờ quán vẫn giữ nguyên giá. Mỗi ngày, quán mở cửa đón khách từ 7 giờ sáng cho đến chiều tối và lúc nào cũng tấp nập người ra vào.
Để làm nên tô mì, vợ chồng bà Mười phải thức dậy lúc 3h sáng, hì hụi làm tất cả nguyên liệu, ngâm gạo, xay bột, tráng mì, làm gà, rau sống, nấu nước nhưn (hay còn gọi là nước lèo), rang đậu phộng…
Tô mì Quảng có giá 5.000 đồng của bà Mười |
Tô mì bà Mười quyến rũ thực khách không chỉ ở giá rẻ mà còn ở hương vị thật dân dã đậm đà. Theo bà Mười, để làm nên tô mì ngon trước hết phải là chất lượng sợi mì. Mì được tráng bằng gạo quê mà phải là gạo cứng.
“Gạo nấu cơm không ngon mới làm được mì ngon. Bởi sợi mì thành phẩm phải dai dai, ăn nghe sần sật thì mới đúng điệu. Sợi mì mà mềm mềm, dẻo dẻo thì không ai ăn cả”, bà Mười nói.
Mỗi ngày bà Mười tráng 100 lon gạo tương đương với 1 tạ mì, còn ông Ánh thì nấu 3 nồi nhưn với 18 con gà ta. Quán nhỏ ở vùng quê nhưng ngày nào cũng hết sạch lượng mì lớn như thế.
Ông Ánh thì cho rằng nước nhưn ngon phải qua nhiều công đoạn, trước hết là ướp thị gà cho ngấm gia vị rồi xào qua một lần. Sau đó đổ nước vào nấu cho thịt gà chín mềm rồi vớt gà ra, nước để dùng làm nước lèo còn gà thì tiếp tục ướp gia vị thêm một lần nữa rồi um với nước dừa cho thấm. Rau sống ăn kèm cũng được chế biến theo cách dân dã từ chuối cây xắt mỏng trộn thêm rau thơm.
Cách phục vụ khách hàng của vợ chồng ông Mười cũng rất chân thật. “Nếu mà gặp mùa gà đắt đỏ thì mỗi tô mình bớt lại một cục thịt, nếu ớt tăng giá thì mình mang ra ít ớt. Khách hàng có biết cũng vui vẻ thông cảm chứ còn nâng giá tô mì thì không còn giá trị nữa” – Ông Ánh thực thà chia sẻ. Theo bà Mười, tô mì 5.000 đồng không phải ngon ở giá cả mà ngon ở tấm lòng của người bán.
Người khác thuê quán cũng phải cam kết bán 5.000 đồng
Từ quán mì bà Mười, đi thẳng theo đường ĐT611 khoảng gần 10km nữa sẽ gặp quán mì mà ai nấy cũng đều gọi là quán mì bà A. Bà A là tên thường gọi của mẹ ruột bà Huỳnh Thị Hương (SN 1960, hiện là chủ quán mì bà A). Theo lời của bà Hương, bà A mở quán bán mì Quảng từ năm 1970. Quán mở bán ban đầu chủ yếu cho những người bán hàng rong từ miền xuôi lên các xã miền núi thuộc vùng Tây Quế Sơn ngày trước, nay là huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Bà Hương đang chan nước nhưn cho tô mì |
Chính vì thế bà A lấy giá rất rẻ, ban đầu chỉ từ 1 xu, 2 xu đến 1.000 đồng, 2.000 đồng và đến bây giờ khi quán được chuyển sang cho con gái, bà Hương giữ quan điểm bán hàng của mẹ và lấy giá 5.000 đồng một tô.
Bà Hương cho rằng quán không có bí kíp gì trong việc chế biến mì Quảng cả, chỉ biết rằng tất cả các công đoạn làm ra mì cho đến nước nhưn đều do tự tay bà làm nên.
“Tráng mì thì hầu hết người phụ nữ nào ở vùng quê xứ Quảng Nam ni cũng biết hết. Còn nấu nhưn thì dễ ợt thôi. Mình cứ nấu như rứa còn ngon hay không thì tùy vào khẩu vị của khách” – bà Hương cười hiền.
Tô mì của bà Hương cũng có giá 5.000 đồng |
Bà Hương cho biết, bà có 3 người con trai nên chắc chắn nghề bán mì Quảng không thể truyền cho ai được nữa. “Thương hiệu mì bà A chắc có thể sẽ không còn sau khi tôi mất đi. Tôi sẽ kiếm người thuê lại nhà tôi để bán mì Quảng nhưng phải là 5.000 đồng, giá khác tôi sẽ không cho” – bà Hương khẳng định.
Theo bà Hương, nghề bán mì của bà và mẹ bà cốt là để mưu sinh, để phục vụ cho những người nghèo mưu sinh bằng những nghề vất vả.
“Nếu nói không có lãi gì thì tôi bán để làm gì, nhưng chủ yếu là lấy công làm lời. Mình bỏ công ra hơn một ngày và cũng vất vả lắm bởi làm ra tô mì Quảng cần sự tỉ mỉ. Nhưng vui vì mình phục vụ được cho hàng trăm người. Họ ăn rồi có người khen ngon, có người nói cũng được và giá rẻ, ai cũng ăn được và ăn cho no bụng”, bà Hương tâm sự.
Theo Dân trí