.

Người viết nên câu chuyện Đà Nẵng

.

Người viết nên câu chuyện Đà Nẵng thời hiện đại là ai, bây giờ hỏi, nhiều người sẽ nói ngay một cái tên: Nguyễn Bá Thanh!

Cầu Rồng giải quyết được bài toán giao thông hiệu quả, với kiểu dáng độc đáo và thú vị nhất. Trong ảnh: Khánh thành cầu Rồng ngày 29-3-2013.
Cầu Rồng giải quyết được bài toán giao thông hiệu quả, với kiểu dáng độc đáo và thú vị nhất. Trong ảnh: Khánh thành cầu Rồng ngày 29-3-2013.

Tiểu thuyết Câu chuyện Đà Nẵng của nhà văn Thái Bá Lợi ra mắt hồi giữa năm 2016 đang có nhiều người tìm đọc. Trong đó, nhân vật chính Ba Danh mang đậm bóng dáng ông Bá Thanh.

Tôi hỏi ông nhà văn chỉ một câu: “Đà Nẵng trước và sau ông Nguyễn Bá Thanh, là gì?…”. Ông Thái Bá Lợi đáp ngay không cần suy nghĩ: “Trước ông Nguyễn Bá Thanh Đà Nẵng là một đơn vị cấp huyện, còn sau là một thành phố. Trong tiểu thuyết Câu chuyện Đà Nẵng, tôi đã đưa chi tiết 20 năm kể từ ngày thống nhất đến năm 1996, toàn bộ ngân sách của Đà Nẵng chỉ bằng ngân sách của Công ty Vệ sinh Hải Phòng. Còn bây giờ nhìn vào cơ ngơi thành phố thế này, chắc không cần nói gì thêm”.

Rồi ông nhà văn dòng họ Thái Bá gốc Nghệ sống và gắn bó với Đà Nẵng suốt hơn 40 năm qua, thủng thẳng tiếp lời: “Có một ý này tôi vừa chợt nghĩ ra. Trước ông Bá Thanh, tính cách người Đà Nẵng thiên về tính cách của người Quảng Nam, cả về ưu lẫn khuyết. Còn bây giờ tính cách người Đà Nẵng đã khác.

Ngoài Quảng tính, còn là tập hợp của nhiều tính cách từ nhiều vùng đất đến đây định cư, lập nghiệp. Và cả “quốc tế tính” nữa. Tôi cho là mới 20 năm đã thay chuyển làm phong phú một “vùng tính cách” như thế là nhanh, nhiều nơi kéo dài cả trăm năm. Tôi hay ngồi nhậu vỉa hè với mấy người anh đang làm việc tại Đà Nẵng. Họ rất thích thú với nơi này. Tôi hay gọi đùa đó là những công dân “chất lượng cao”. Ngay cả con cái của tôi cũng rời TP. Hồ Chí Minh về Đà Nẵng làm việc, dù lương chỉ bằng 1/3 so với trong kia”.

Tôi muốn bổ sung thêm một ý nữa, thêm vào ý của ông nhà văn, đó là trong và sau thời ông Nguyễn Bá Thanh, bắt đầu xuất hiện ở tầm quốc gia và cả quốc tế một khái niệm: “Cảm hứng Đà Nẵng”!

Dù diện tích không thể “nở” ra thêm được nữa và dân số cũng chỉ nhỉnh hơn con số 1 triệu người một chút, không “thấm” gì so với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và vài tỉnh rộng đất đông dân khác, nhưng Đà Nẵng vào tầm một thập niên trở lại đây đã đàng hoàng tự tin với danh hiệu “thành phố lớn”. Danh hiệu không phải Đà Nẵng tự phong cho mình. Chữ “Lớn” thiên về tầm vóc của tư duy và hành động. Với những quyết sách tiên phong, táo bạo, những chủ trương thực sự trong dân, vì dân, thuộc về dân…

Có thể nói cảm hứng Đà Nẵng được khơi nguồn và song hành cùng với “cảm hứng Nguyễn Bá Thanh”. Tất nhiên bên ông luôn có sự đồng tâm hiệp lực của các đồng chí, đồng đội. Nhưng sinh thời, “nhất cử nhất động”, mỗi hành động, câu nói của ông Nguyễn Bá Thanh, với cánh báo chí cả nước đều là tin “hot”.

Những cuộc cờ bên sông Hàn, những lần đi xe ôm với tâm thế lặng lẽ quan sát, lắng nghe. Kiểm tra quyết sách của mình. Sau ngoài những cuộc đối thoại với hàng ngàn con người, rất nhiều khi tôi bắt gặp ông trầm tư một mình với điếu thuốc.

“Anh Bá Thanh không có “quân sư”. Anh thành công vì chịu khó lắng nghe, nghe nhiều, hỏi nhiều nhưng sau đó là quyết đoán. Ý tưởng có sẵn trong đầu rồi anh đi hỏi xem phải làm thế nào. Anh nghe nhiều chiều lắm để thấy được cái được, cái mất, cái lợi, cái hại. Cân, đo, đong, đếm xong đâu vào đấy mới bắt tay vào làm”, ông Lê Hồng Minh, nguyên thư ký của ông Thanh gắn bó với ông suốt gần 30 năm, kể lại trong một bài viết sau khi ông mất.  

Tôi nhớ những cuộc phản biện “nóng rát” từ hơn chục năm trước xung quanh chủ trương xây cầu Rồng. Cũng gần giống câu chuyện bây giờ. Dư luận cũng cho rằng “việc xây dựng thêm một cây cầu ở khu vực này không thật cần thiết, khi thành phố đang có khá nhiều cây cầu qua sông Hàn. Thành phố còn nhiều việc cần dành tiền để làm hơn, v.v…”.

Nhất là râm ran chuyện cầu mới sẽ “nhét Bảo tàng Chăm xuống gầm cầu”. Còn lãnh đạo thành phố khẳng định cần có thêm cây cầu nữa ở trung tâm thành phố, do cầu sông Hàn có dấu hiệu quá tải, chỉ cần kéo thêm vài năm nữa sẽ “tắc”. Đồng thời, cây cầu mới sẽ giúp đẩy nhanh hơn sự phát triển mọi mặt của bờ đông bên kia sông...

Chiều 21-11-2005, tại hội trường 42 Bạch Đằng, ông Thanh tổ chức cho 8 đơn vị (trong đó có Nhật Bản, Mỹ, Đức) công khai trình bày 17 phương án thi thiết kế cầu của mình. Báo chí đông đen. Ông Thanh ngồi ngay bàn đầu, chăm chú từ đầu đến cuối.

Nhìn kiểu ông đốt thuốc ngay trong phòng là biết ông “cân não” đến mức nào. Kết luận hôm ấy, ông Thanh khẳng định vẫn chưa có phương án nào nổi trội. Và ông ra đề bài mới để tiếp tục nghiên cứu thiết kế với nguyên tắc cầu mới “phải tôn vinh Bảo tàng Chăm chứ không được làm xấu đi”. Hai năm sau, với phương án thiết kế đồng code (cốt cầu được hạ xuống ngang với mặt đường Bạch Đằng), thành phố quyết định xây cầu Rồng tại vị trí hiện tại.

Quả thực, sau này tôi nghĩ ban đầu phương án đồng code ông Thanh cũng chưa lường tới. Cũng như trong suy nghĩ của cánh nhà báo và mọi người vẫn hình dung đã là cầu thì luôn phải cao lớn, phải “vươn lên” từ ngay đường dẫn. Nay “mở được”, thở phào. Cầu Rồng giải quyết được bài toán giao thông một cách hiệu quả, với kiểu dáng độc đáo thú vị nhất trong hàng chục cây cầu của Đà Nẵng, được thế giới đánh giá cao. Ông đã lắng nghe một cách khôn khéo nhưng cũng đầy bản lĩnh, quyết đoán khi ra quyết định cuối cùng.   

Cái cách tìm người, dùng người của ông nhiều lúc rất khác người. Nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Bùi Văn Tiếng kể rằng có lần trong một cuộc họp, ông được ông Thanh giao nhiệm vụ “Cứ chiều chiều, khi mọi người vào quán uống bia thì Trưởng ban Tổ chức Thành ủy phải chịu khó đi lang thang ngoài đường để tìm cán bộ…!”.

Khi thấy mọi người cười ồ, ông Thanh bèn phân tích: Đi một lần hay vài lần thì ông chưa tìm được ai, nhưng đi nhiều lần thì ông sẽ tìm được người lúc đó cũng… lang thang như ông và trông có vẻ… không bình thường. Có điều chính cái người trông “không bình thường” ấy lại là người mà chúng ta cần tìm, cần phát hiện hơn cả!

 “Cảm hứng Đà Nẵng” giờ đây vẫn đang có sức lan tỏa trên những trang báo. Mỗi việc làm của Đà Nẵng đều thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân cả nước. Chủ trương mở cổng trường ngoài giờ học; trao giấy khai sinh, hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế đến tận nhà; tặng thiệp mừng cho những cặp đôi sắp kết hôn; tăng cường đối thoại, tiếp xúc công việc của dân; cho đến những chủ trương lớn như đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cơ sở, ngành, địa phương…; và mới nhất là chủ trương lớn xây dựng thành phố “4 an”, tiếp nối thành phố “5 không, 3 có” do ông Nguyễn Bá Thanh khởi xướng trước đó.

Đôi khi chúng ta bất ngờ với những thay đổi, việc làm tưởng chừng là “nhỏ”, nhưng âm vang, hiệu quả của nó lại có sức lan tỏa.

Tôi nghĩ, mỗi thành phố luôn có một câu chuyện của mình. Cũng như mọi nơi trên thế giới này. Có sự đồng lòng chung sức chi chút gầy dựng của hàng triệu người. Nhưng một câu chuyện thú vị về một vùng đất luôn không thể thiếu người nhạc trưởng bản lĩnh và tài hoa.

Tôi cũng nghĩ, mỗi đời người cũng chỉ có thể làm được những điều hữu hạn trong thời gian đời mình. Cả những công trình tưởng chừng vĩnh cửu, qua thời gian cũng phải nhiều lần sửa chữa, trùng tu. Đó là quy luật muôn đời. Vượt được thời gian, tạo nên sức mạnh sáng tạo, chỉ có thể là việc truyền lại cảm hứng cho đời sau.

Bởi cuộc sống, như mặt sông Hàn kia, cửa biển Sơn Trà kia, lớp lớp sóng luôn chồng lên nhau, miệt mài…

Đà Nẵng, cuối năm 2016

KINH QUỐC

;
.
.
.
.
.