.
Quyết định 35 của UBND thành phố chính thức có hiệu lực

Siết chặt quản lý nguồn gốc thực phẩm

.

Ngày 3-1, tại âu thuyền, cảng cá Thọ Quang và chợ đầu mối Hòa Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng trực tiếp kiểm tra việc triển khai Quyết định 35 của UBND thành phố về việc quản lý nguồn gốc, xuất xứ đối với các loại nông-lâm-thủy sản trên địa bàn thành phố.

Quyết định 35 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, thể hiện nỗ lực rất lớn của thành phố Đà Nẵng trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng (thứ ba từ trái) kiểm tra chất lượng các mặt hàng nông sản tại chợ đầu mối Hòa Cường.  Ảnh: Phan Chung
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng (thứ ba từ trái) kiểm tra chất lượng các mặt hàng nông sản tại chợ đầu mối Hòa Cường. Ảnh: Phan Chung

Người bán, mua thêm tự tin

Ông Phạm Bá Hùng, Phó ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho biết, việc thực hiện Quyết định 35 của thành phố về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của các loại hải sản được đơn vị triển khai từ những ngày cuối tháng 12-2016. Công  tác tuyên truyền, lắp đặt panô hướng dẫn, tập huấn cho người lao động được thực hiện đầy đủ.

“Sau 3 ngày triển khai, đã có 198 lượt chủ hàng, phương tiện thực hiện kê khai nguồn gốc, xuất xứ với tổng sản lượng thủy sản được khai báo là 533 tấn. Các chủ hàng đều chấp hành nghiêm túc quy định này”, ông Hùng cho biết.

Vừa trở về từ vùng biển Trường Sa, ngư dân Trần Ngọc Mai (quê Bình Định), chủ tàu cá BĐ 43602 chia sẻ, việc thực hiện thủ tục kê khai này khá mới mẻ đối với ông và Đà Nẵng là địa phương duy nhất hiện nay áp dụng chính sách này. Tuy nhiên, việc làm này không gây khó dễ hay mất nhiều thời gian mà mang lại những lợi ích nhất định.

“Nếu đăng ký kê khai thì chất lượng, niềm tin về hải sản do mình đánh bắt sẽ cao hơn, bởi các đầu nậu và người tiêu dùng biết rõ sản phẩm đó được đánh bắt ở vùng biển nào. Khi thông tin rõ ràng, họ sẽ mạnh dạn thu mua, việc giao dịch cũng trở nên thuận lợi hơn”, ông Mai cho biết.

Theo Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, do đặc thù chủ tàu cá, người buôn bán và các chủ phương tiện là những người lao động bình dân nên việc hướng dẫn, đăng ký kê khai thỉnh thoảng vẫn gặp phải sự e dè, khó hiểu.

Tuy nhiên, khi hiểu rõ mục đích của việc làm này, mọi người đều vui vẻ chấp hành. Hiện đơn vị đã cấp 24 mẫu kê khai cho các chủ hàng hoạt động thường xuyên, giúp họ chủ động hơn trong việc khai báo nguồn hàng nhập vào mỗi ngày.

Các tiểu thương chợ đầu mối Hòa Cường đều cam kết kê khai nguồn gốc thực phẩm.
Các tiểu thương chợ đầu mối Hòa Cường đều cam kết kê khai nguồn gốc thực phẩm.

Kết nối với nhiều địa phương

Với sản lượng khoảng 300 tấn rau-củ-quả mỗi ngày, việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nông sản tại chợ đầu mối Hòa Cường là hết sức quan trọng và cần thiết. Theo ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng Ban quản lý chợ đầu mối Hòa Cường, 277 tiểu thương tại chợ đã được tập huấn và ký cam kết kê khai nguồn gốc, xuất xứ. “Hiện có 133 camera được lắp đặt tại đây. Sắp tới đơn vị sẽ lắp đặt thêm hệ thống camera vừa bảo đảm việc quản lý nguồn gốc, chất lượng hàng hóa vào chợ, vừa góp phần bảo đảm an ninh trật tự”,  ông Anh cho biết.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản, kiểm tra chất tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong các mặt hàng nông sản lâu nay là nhiệm vụ rất khó khăn, đặc biệt ở khâu xử lý, vì nguồn gốc xuất xứ chưa được kê khai rõ ràng. Việc áp dụng Quyết định 35 giúp cơ quan quản lý phân biệt, loại trừ những cơ sở sản xuất, phân phối hàng nông sản không đạt chất lượng.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng, sẽ có rất nhiều việc phải làm khi thực hiện Quyết định 35, nhưng đổi lại, nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu người dân sẽ được kiểm soát tốt hơn.

“Đề nghị các sở, ngành và ban quản lý các chợ, âu thuyền đẩy mạnh việc tuyên truyền, tiếp tục hướng dẫn, hoàn chỉnh quy trình nhập, bán các mặt hàng nông-lâm-thủy sản. Đồng thời các bộ phận liên quan phải thực hiện việc kê khai nghiêm túc, thường xuyên, tuyệt đối không được bỏ sót mặt hàng nào, bởi đây là nguồn thực phẩm chính cung cấp cho toàn thành phố nên càng phải được kiểm tra kỹ lưỡng”, ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chia sẻ thêm, việc triển khai nhiệm vụ này sẽ góp phần liên kết với các địa phương trong kiểm soát tốt chất lượng thực phẩm. Lâu nay, nhiệm vụ này chỉ được thực hiện một phía nên chỉ quản lý được phần ngọn của chuỗi thực phẩm. Giờ đây, nếu Đà Nẵng phát hiện thực phẩm không đạt chất lượng sẽ có cơ sở phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước của địa phương cung cấp để đưa ra biện pháp cụ thể xử lý những cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm bẩn đó.

Cấm kinh doanh nếu vi phạm về ATVSTP

Ngày 2-11-2016, Chủ tịch UBND thành phố ban hành Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND quy định về quản lý ATVSTP đối với các sản phẩm nông-lâm-thủy sản đã qua chế biến không bao gói sẵn và sản phẩm rau-củ-quả, thủy sản tiêu thụ tại thành phố Đà Nẵng.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Theo đó, các chủ hộ kinh doanh các mặt hàng nông-lâm-thủy sản phải xuất trình chứng từ về nguồn gốc hoặc nộp bảng kê khai cho cơ quan quản lý. Việc làm này giúp truy xuất nguồn gốc thực phẩm và gắn trách nhiệm của người sản xuất vào sản phẩm. Sẽ có những chế tài nghiêm khắc hơn để thực hiện nhiệm vụ này, thậm chí, nếu vi phạm mà không khắc phục, sửa chữa, khi cơ quan quản lý Nhà nước phát hiện lần thứ hai sẽ không cho kinh doanh ở các chợ nữa.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.