.

Theo chân thợ điện ngày Tết

.

ĐNĐT - Đà Nẵng đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 trong tiết trời mưa - nắng thất thường. Hòa vào dòng người tất bật ngược xuôi là những anh thợ điện trong bộ đồng phục màu vàng nổi bật, hối hả chạy đua cùng thời gian để nguồn điện nhà nhà tỏa sáng...

Thợ điện
Những người thợ điện mải theo công việc từ chỗ này sang chỗ khác mà thời khắc Giao thừa đến lúc nào không hay

Những ngày cuối cùng của năm Bính Thân, chúng tôi theo chân các thợ điện thuộc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng đi sửa chữa những sự cố về điện. Thông tin từ tổng đài 19001909 liên tục nhận phản ánh của các khách hàng khi mất điện bởi nhiều nguyên nhân.

Trong 3 ngày từ 28 đến đêm 30 tháng chạp, có mặt tại Đội trực xử lý sự cố Điện lực Liên Chiểu, chúng tôi ghi nhận hàng chục trường hợp báo mất điện từ người dân mỗi ngày.

Khi thì ở phường Hòa Minh, khi thì Hòa Khánh Bắc, hay các xã Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Ninh... tiếp nối những tốp thợ vừa sửa xong trở về lại tiếp tục tốp thợ khác lên đường đến các địa chỉ báo tin. Cứ mỗi lần nhận nhiệm vụ phân công, tổ trực phụ trách gồm hai người lại nhanh chân thu xếp đồ nghề và tức tốc phóng xe đi như một sự mặc định tìm đến các địa chỉ cần giúp đỡ. Có khách hàng báo qua tổng đài, có khách hàng đến trực tiếp trụ sở điện lực để báo tin.

Chạy hộc tốc từ địa chỉ nhà dân ở xã Hòa Ninh về điểm trực, hai anh thợ điện trẻ nở nụ cười tươi rói trên khuôn mặt thấm đẫm nước mưa với đồng nghiệp. Khi chúng tôi chưa kịp hỏi tên, nhóm thợ đã vội vã rời đi khi vừa được bộ phận trực điện thoại báo có một nhà dân trên đường Nguyễn Như Hạnh (quận Liên Chiểu) mất điện.

Anh Hiệu, nhân viên trực sự cố chia sẻ: "Những năm trước phụ tải đêm 30 tăng đột ngột so với ngày thường do nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao. Ngày cuối cùng của năm, các hộ gia đình nhà nào cũng dùng nhiều thiết bị với quan niệm phải dọn dẹp chu đáo để đón năm mới. Điều này cũng dẫn tới những sự cố điện".

Mặc cho cơn mưa nặng hạt với cái lạnh khó chịu, ê kíp hai thợ khác vừa đặt ổ bánh mì còn ăn dở, xách đồ nghề, vù xe theo hướng đèo Hải Vân. Với đặc thù ở địa bàn Liên Chiểu là quận ngoại thành, có 3 khu công nghiệp lớn là Hòa Khánh, Liên Chiểu và Thanh Vinh - nơi tập trung trên 200 nhà máy, xí nghiệp công nghiệp của thành phố Đà Nẵng với 61.500 khách hàng nên việc tiêu thụ điện không ngừng gia tăng.

Hải Châu là quận có số dân thuộc loại đông nhất nhì thành phố, vì thế phụ tải điện hằng ngày rất lớn. Dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ điện tăng gấp nhiều lần bình thường cũng là một trong những lý do khiến nguồn điện bất ổn. Theo chân các thợ điện của Điện lực Hải Châu, chúng tôi mới cảm nhận hết nỗi vất vả của người làm nghề trước áp lực công việc.

Bên cạnh điện thoại tổng đài báo về các điện lực quận huyện, điện thoại cầm tay của các ca trực chính cũng liên hồi đổ chuông. Tất cả các cuộc gọi về trong những ngày này hầu hết từ phía các khách hàng gia đình với nguồn điện bị sự cố. Trên cuốn sổ nhật ký của phòng, chúng tôi nhẩm thấy số các cuộc gọi chia đều cho các ca trực trong ngày.

Có mặt chưa đầy 15 phút, sau khi đã hoàn tất việc sửa điện cho một nhà dân tại số nhà 26, đường Đinh Công Tráng, phường Thuận Phước, nhóm thợ điện Hà Phi Hùng (54 tuổi) và Đinh Hoài Thanh (35 tuổi) lại tất tả rời đi. Điểm đến tiếp theo sau cuộc điện thoại cầm tay của anh Hùng báo tại số nhà K90/2, đường Trần Phú bị mất điện. Khoác tấm áo mưa tiện lợi, hai con người một chiếc xe máy vù đi trong đêm tối. Với một số thao tác chuẩn, thoáng trong phút chốc, hệ thống điện ngôi nhà trong căn hẻm vừa tối om đã bừng lên ánh điện sáng lung linh.

Hàng chục địa chỉ "tối điện" mỗi ngày đòi hòi người thợ điện phải di chuyển liên tục. Áp lực công việc dồn dập, có ca đi cả trăm kilomet là bình thường. Nhiều người tâm sự rằng, có khi mải theo công việc từ chỗ này sang chỗ khác mà thời khắc Giao thừa đến lúc nào không hay. Không ít anh em treo mình bên trụ điện đến khi xuống đất mới biết vừa đón Giao thừa trên cái cây không nở hoa đó.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm nay, tại các đơn vị điện lực hầu như lực lượng trực đêm 30 Tết gần như 100% quân số, từ lãnh đạo, chỉ huy bộ phận cho tới thợ xử lý trực tiếp.

Tết cũng chính là thời điểm người thợ điện có những ngày làm việc căng thẳng nhất và trách nhiệm cao nhất. Mỗi ngày tại các điện lực, việc trực xử lý sự cố được chia làm 3 ca trong 24 giờ đồng hồ. Có ngày cao điểm 1 ca 2 người phải "chạy sô" tới 40 địa chỉ, trong khi mỗi địa chỉ lại nằm ở khoảng cách xa nhau.

“Nếu ví von thợ điện cũng "chạy sô" như ca sĩ thì quả là chẳng hề sai với cái nghề mệnh danh là "nhanh như điện" này", anh Thành, một thợ điện trẻ tâm sự.

Đêm Giao thừa, khi nhiều gia đình quây quần bên gia đình với mâm cơm đầm ấm thì các anh em trong ngành điện lực vắng mặt trong giờ phút thiêng liêng vốn là chuyện đã thành thông lệ.

Trong ca trực của mình khi được hỏi cảm giác như thế nào khi thời khắc giao thừa lại phải rong ruổi trên đường đến các điểm khắc phục sự cố, anh Huỳnh Ngọc Tú (một thợ điện vào nghề đã 15 năm) nói: "Cảm giác chạnh lòng là có, nhưng cũng chỉ thoáng qua thôi. Mình đã chọn nghề mà. Đâu chỉ riêng mình, hàng chục, hàng trăm đồng nghiệp như mình vẫn đang âm thầm làm nhiệm vụ. Miễn sao công việc của mình đem lại niềm vui cho mọi nhà..."

Có đến trực tiếp các khu vực hiện trường mới thấy hết trách nhiệm và sự tận tâm tận lực của người thợ điện. Các anh không chỉ đến để sửa chữa, mà còn hướng dẫn cặn kẽ, khuyến nghị khách hàng sử dụng điện đúng cách, tiết kiệm điện và bảo đảm an toàn như việc dùng điện của chính mình.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.