Chính trị - Xã hội
Nền tảng để xây dựng thành phố an bình
Có thể nói, sau 2 năm Đà Nẵng triển khai thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị” đã khắc họa một bức tranh nhiều màu sắc cho thành phố đang thay da đổi thịt hằng ngày. Đây cũng là nền tảng quan trọng để xây dựng thành phố an bình trong tương lai không xa.
Sau 2 năm triển khai thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị” đã khắc họa bức tranh nhiều màu sắc cho thành phố đang thay da đổi thịt hằng ngày. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Những thành quả sau 2 năm thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, đó là an ninh trật tự được duy trì ổn định, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí; cảnh quan đô thị đã và đang tiếp tục được chú trọng đầu tư, góp phần cải thiện môi trường cho người dân.
Đó là lĩnh vực môi trường có những chuyển biến rõ nét, được người dân và du khách đánh giá cao; tình trạng người lang thang xin ăn, chèo kéo khách du lịch hầu như được kiểm soát chặt chẽ. Đó là việc đầu tư cho văn hóa được quan tâm đúng mực với nhiều công trình văn hóa lớn được xây dựng, hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm…
Đặc biệt thành công là sự chuyển biến khá rõ nét trong người dân thành phố về ý thức chấp hành các quy định về nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.
Dần hướng đến văn hóa “sạch”
Hiểu một cách nôm na rằng, văn hóa thành phố ngày càng “sạch”. Sạch từ ngõ phố, sạch trên từng con đường, từng cây cỏ. Trong những dịp lễ hội, chỉ sau một đêm đường phố lại trở nên sạch bóng khiến du khách đều ngợi khen.
Giới kiến trúc đánh giá kiến trúc Đà Nẵng sạch, chú trọng về mặt công năng, không quá “diêm dúa” về mặt hình thức, một phong cách kiến trúc hiếm thấy trong thời kỳ “trăm hoa đua nở” như hiện nay, được đặt tên là “phong cách kiến trúc Đà Nẵng”.
Giới kinh doanh cho rằng, công chức của thành phố Đà Nẵng là “sạch” nhất, ít có chuyện vòi vĩnh, gây khó dễ doanh nghiệp. Hiếm thấy nơi nào chiến sĩ công an cặm cụi bật nắp cống, lấy chiếc điện thoại bị rơi cho du khách hay hì hục đẩy một chiếc xe hỏng máy giúp người dân qua đường…
Khách phương xa lạc lối hỏi đường đều nhận được nụ cười niềm nở và chỉ dẫn tận tình, có người còn lấy xe chở đến tận nơi cần đến… Tất cả những hình ảnh giản đơn, dung dị ấy tạo nên một văn hóa cộng đồng sạch sẽ.
Tuy nhiên, đôi khi chính sự “sạch sẽ” quá ấy chưa hẳn là tốt. Những thảm cỏ sạch lá là nguyên nhân gây thiếu chất mùn nuôi dưỡng và giữ ẩm cho cây, cây cối cắt tỉa sạch sẽ, trồng ngay ngắn, thẳng tắp, là nguyên nhân thiếu vắng loài chim về trú ngụ, vỉa hè sạch cỏ dại nhờ giải pháp trải lớp vữa trước khi lát gạch là nguyên nhân nước mưa không có cơ hội thấm vào đất, gây ngập úng cục bộ và khô cạn nguồn nước ngầm.
Kiến trúc Đà Nẵng sạch nhưng thiếu điểm nhấn, các điểm nhấn kiến trúc đã được phê duyệt bằng một quyết định hẳn hoi cần thiết phải được xem xét lại bởi điểm nhấn không có nghĩa chỉ là kiến trúc nhà cao tầng. Những người sống với hoài niệm thường nói “Đà Nẵng là thành phố không có quá khứ”, quá ít những “nơi chốn” còn lại bởi tất cả đều quá mới.
Tôi tự hào trước những đổi thay nhưng vẫn tiếc nuối những khu phố Tây trên các tuyến Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo; vẫn không thể nào quên hình ảnh những làng chài gắn liền với cái tên Nại Hiên, Thanh Khê đậm chất văn hóa làng biển hay làng hoa Phước Mỹ, làng đá Non Nước… Tất cả mang lại thật nhiều cảm xúc mỗi khi nghĩ về nó.
Rồi đây, cũng có thể tiếp tục trong công cuộc chỉnh trang, người Đà Nẵng sẽ không còn thấy chợ Hàn tấp nập, sầm uất một thời gắn liền với địa danh Hàn phố…
Bài học kinh nghiệm từ các nước như Singapore, Hong Kong, hay thành phố Thẩm Quyến (Trung Quốc) dù rất hiện đại, sầm uất nhưng người ta vẫn giữ lại khu phố cũ lụp xụp, hay Thượng Hải (Trung Quốc) đã biến khu nhà kiểu chia lô thành trung tâm dịch vụ cao cấp ngay giữa lòng trung tâm thành phố.
Người ta lưu giữ hình ảnh xưa như một minh chứng của lịch sử phát triển của thành phố với niềm tự hào, lịch sử thành phố là những trang sách dần mở trong hành trình khám phá, sẽ tạo niềm cảm hứng cho du khách cũng như lưu giữ những hoài niệm cho những con người sinh ra và lớn lên tại chính thành phố mà họ đang sống.
Thật may mắn khi thành phố quyết giữ lại chiếc cầu Nguyễn Văn Trỗi như một chứng tích cho lịch sử, hay đầu tư xây dựng Thư viện Khoa học tổng hợp tại đúng vị trí vốn là của nó mà lắm lúc người ta bảo lãng phí bởi đây là “khu đất vàng”.
Mới đây là nỗ lực khôi phục nguyên trạng di tích Thành Điện Hải dù biết rằng đầu tư cho việc này tiêu tốn nguồn ngân sách không nhỏ, hay ý tưởng biến tòa nhà 42 Bạch Đằng hơn 100 tuổi, xưa là Tòa thị chính thời Pháp thuộc, nay là cơ quan HĐND thành phố - một công trình tiêu biểu đại diện cho kiến trúc Đông Dương hiếm hoi còn sót lại sẽ trở thành Bảo tàng lịch sử cho thành phố, một quyết sách đột phá mà lâu nay giới chuyên môn hằng ấp ủ.
Tất cả những việc làm ấy góp phần tạo nên chiếc cầu nối cho Đà Nẵng xưa và nay, một trang văn hóa mới mở ra phù hợp với thời đại mới nhưng vẫn giữ được “bản lề” để con cháu mai sau không lạc lối và trăn trở tự hỏi “hồi xa xưa, thành phố mình từng có gì?”.
Cần xem tuồng cổ là kiểu nghệ thuật uyên bác, kinh điển và là đặc sản dành riêng cho những người am hiểu nghệ thuật. Trong ảnh: Biểu diễn nghệ thuật tuồng cổ phục vụ du khách tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Ảnh: TÚ PHƯƠNG |
Bảo tồn văn hóa cho mai sau
Vẫn khao khát về một thành phố năng động mỗi ngày nhưng luôn song hành việc duy trì được nét “bản lề”, nét xưa, cụ thể hơn là sự lưu giữ văn hóa theo thời gian, người viết mạnh dạn đề xuất một số ý kiến cá nhân như sau:
Một là, khôi phục văn hóa bản địa đặc trưng. Lễ hội cầu ngư Đà Nẵng và nghệ thuật bài chòi dân gian thành phố được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là nỗ lực lớn của ngành văn hóa. Tuy nhiên, để lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể này, cần khôi phục không gian vật chất cho nó, cụ thể là một sân lễ hội xứng tầm gắn với đình làng và các hoạt động đặc trưng khác, việc ngăn đường để tổ chức lễ hội như hiện nay là một việc làm tạm bợ, cần sớm khắc phục.
Ngoài ra, tổ chức không gian làng nghề đá Non Nước cần được nghiên cứu cẩn trọng, với kiểu quy hoạch chia lô, “nhốt” các cơ sở sản xuất vào các khu đất kích thước 5 x 20m, tách biệt với nơi giới thiệu trưng bày sản phẩm như hiện nay thì không thể gọi là không gian làng nghề.
Hai là, nâng tầm sản phẩm văn hóa, cụ thể là cần thiết tổ chức một chương trình nghệ thuật tạp kỹ có chất lượng cao, có thể tận Cung Thể thao Tiên Sơn hiện nay để tổ chức. Ngoài ra, nên trả lại vị trí xứng tầm cho nghệ thuật tuồng cổ, cần xem loại hình này là kiểu nghệ thuật uyên bác, kinh điển, là đặc sản dành riêng cho những người am hiểu nghệ thuật. Ý tưởng đưa tuồng xuống phố tuy độc đáo nhưng cần được cân nhắc, người ta không biểu diễn nhạc kịch ngoài đường phố và nghệ thuật tuồng cổ phải là một loại hình nghệ thuật sang trọng.
Ba là, phát huy hiệu quả không gian vỉa hè đô thị. Có thể nói, văn hóa vỉa hè là một đặc trưng của các đô thị Việt Nam, nhất là đối với Đà Nẵng - nơi con người vốn thích hòa đồng thiên nhiên; vỉa hè không chỉ là thành phần của giao thông mà còn là một không gian văn hóa cộng đồng khá đặc trưng, góp phần tạo không khí phồn hoa đô thị.
Tuy nhiên, không gian vỉa hè hiện nay dành phần lớn để đậu đỗ xe máy hay tình trạng kinh doanh lấn chiếm phần đường dành cho người đi bộ tạo nên sự nhếch nhác, gây mất mỹ quan đô thị, nhất là các tuyến cảnh quan khu vực trung tâm.
Do đó, cần có những quy tắc bảo đảm khoa học, phát huy giá trị không gian vỉa hè nhưng phải bảo đảm trật tự, nền nếp tiệm cận đến văn minh của đô thị hiện đại; bãi đỗ xe tập trung là giải pháp khả dụng; tăng cường tiện ích cho người đi bộ, nâng cấp cảnh quan (cây xanh, bồn hoa, thùng rác, chỗ nghỉ chân, vật liệu lát nền, tiện ích cho người già…) là những giải pháp nên sớm được triển khai.
Sau 20 năm xây dựng, bộ mặt cảnh quan đô thị Đà Nẵng thật sự khởi sắc. Người dân Đà Nẵng có thể khẳng định một cách đầy tự hào với bè bạn trong và ngoài nước rằng, Đà Nẵng thực sự là thành phố đáng sống.
Cùng với những giải pháp đột phá, quyết liệt mà thành phố đang nỗ lực triển khai sau 2 năm thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị” đã tạo nên nền tảng quan trọng cho chúng ta tiếp tục xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố an bình trong tương lai không xa.
Dẫu biết rằng, phát triển kinh tế và gìn giữ giá trị văn hóa bản địa luôn là hai mặt đối nghịch nhưng nếu chúng ta biết trân trọng quá khứ, cùng với những khát vọng và tầm nhìn xa, chúng ta sẽ xây dựng Đà Nẵng với thương hiệu mới, thành phố với nét riêng, nếu không nói là độc nhất vô nhị của Việt Nam.
TÔ HÙNG