UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch kiểm soát tải trọng xe lưu động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2017 nhằm kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hành vi chở hàng quá tải trọng. Từ đó góp phần làm giảm tai nạn giao thông, nguy cơ gây mất trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
UBND thành phố quy định Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động (KTTTXLĐ) hoạt động 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả các ngày nghỉ và ngày lễ (trừ trường hợp có văn bản chấp thuận của UBND thành phố).
Trong trường hợp vì lý do sự cố kỹ thuật hoặc thiên tai, Trạm KTTTXLĐ phải dừng hoạt động, Trưởng Trạm phải có văn bản báo cáo ngay cho Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Công an thành phố và UBND thành phố (có thể báo cáo trước qua điện thoại, email, fax). Thời gian báo cáo không được chậm quá một giờ kể từ khi Trạm KTTTXLĐ ngừng hoạt động.
Trạm dừng phương tiện (trừ xe quân sự chở vũ khí, phương tiện, khí tài phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh) có dấu hiệu vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng. Yêu cầu lái xe đưa xe vào nơi quy định để kiểm tra tải trọng và khổ giới hạn (theo giấy đăng ký xe hoặc giấy chứng nhận kiếm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, tải trọng cầu đường bộ), kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải và người điều khiển phương tiện theo quy định (đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm, giấy phép lái xe, phù hiệu và thiết bị giám sát hành trình xe container, các điều kiện bảo đảm an toàn kỹ thuật xe...), kiểm tra giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ theo quy định.
Lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được phát hiện qua kiểm tra. Trường hợp vượt quá thẩm quyền thì chuyển hồ sơ vụ việc đến cấp có thẩm quyền để xem xét, xử lý.
Đình chỉ lưu hành phương tiện, tạm giữ các giấy tờ liên quan đến phương tiện và người lái theo thẩm quyền (trường hợp cần thiết có thể tạm giữ phương tiện) cho đến khi người vi phạm thực hiện xong việc nộp phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Buộc hạ phần hàng hóa quá tải, tháo dỡ phần quá khổ có sự giám sát của cơ quan chức năng đối với các phương tiện vi phạm. Yêu cầu chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện, lái xe phải thực hiện việc hạ tải, tháo dỡ phần quá khổ và tự chịu trách nhiệm trông giữ, bảo quản phương tiện, hàng hóa.
Lực lượng tham gia phối hợp tại Trạm KTTTXLĐ gồm: Thanh tra Sở Giao thông vận tải; Cảnh sát Giao thông Công an thành phố, Cảnh sát trật tự Công an thành phố, lực lượng Kiểm soát quân sự…
Theo Danang.gov.vn