Ngày 30-12-2016, UBND thành phố tổ chức hội thảo “Đà Nẵng: 20 năm xây dựng, phát triển và định hướng tương lai”. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng và Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên chủ trì hội nghị. Tham dự có nguyên lãnh đạo một số bộ, ban, ngành của Trung ương, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng qua các thời kỳ...
Đúc kết bài học trong quá trình phát triển
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí khẳng định, ngày 1-1-1997 đã trở thành một mốc lịch sử quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới của Đà Nẵng, một thành phố trẻ, năng động, giàu ý chí và khát vọng vươn lên. Nhìn lại chặng đường 20 năm qua, sự phát triển của Đà Nẵng hôm nay khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về việc tái lập thành phố trở thành đơn vị hành chính mới trực thuộc Trung ương, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.
Những thành tựu đó chính là sự kết tinh của trí tuệ, công sức, tâm huyết, sự trăn trở, phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ và nhân dân thành phố với mục tiêu chung vì tương lai tươi sáng, vì cuộc sống ấm no của nhân dân. “Qua hội thảo sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra những giải pháp đột phá thúc đẩy Đà Nẵng phát triển trong thời gian đến, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại, thực sự là thành phố động lực của khu vực miền Trung…”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng Vụ địa phương, Ban Kinh tế Trung ương, muốn Đà Nẵng “cất cánh” thì thành phố cần xác định cơ cấu kinh tế hợp lý. Ông Bình cũng đưa ra một số giải pháp cho Đà Nẵng hiện nay là nguồn lực phải thực hiện đúng theo cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng phải định hướng phát triển với tâm thế vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung, xây dựng đối tác hùng mạnh và đi lên từ sự sáng tạo và sản phẩm cụ thể. Trong khi đó, theo PGS.TS Phạm Trung Lương, mặc dù Đà Nẵng từ lâu xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế quan trọng nhưng trong thời gian qua, du lịch phát triển chưa đạt như kỳ vọng.
Hiện du lịch biển Đà Nẵng là điểm sáng của du lịch Việt Nam nhưng nhìn tổng thể, du lịch biển của Đà Nẵng vẫn còn na ná với các tỉnh duyên hải. Đà Nẵng vẫn chưa thể hiện được vai trò đầu tàu trong phát triển du lịch duyên hải miền Trung, tính liên kết vùng mới chỉ mang tính hình thức. Vì vậy, thành phố phải có sản phẩm khác biệt so với các địa phương khác và phải thể hiện cho được vai trò điều phối của vùng.
Phải có năng lực cạnh tranh toàn cầu
GS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, sự phát triển của Đà Nẵng trong 20 năm qua có sự đóng góp rất lớn của Đại học Đà Nẵng trong việc cung cấp nguồn nhân lực. Trong Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) nêu rõ sẽ phát triển Làng Đại học Đà Nẵng thành trung tâm đào tạo của cả nước. Nếu không có định hướng trong thời gian tới thì nguồn nhân lực cho doanh nghiệp sẽ bị thay đổi. Do đó, cần xác định phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyển giao công nghệ.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Đà Nẵng đóng vai trò là trung tâm phát triển của vùng duyên hải miền Trung, vừa theo nghĩa “chức năng được giao phó” và cả trong sự thừa nhận thực tế. Việc Đà Nẵng đạt được ngôi vị đó không hề “tình cờ” mà là kết quả của sự kết hợp các yếu tố đương nhiên với nỗ lực hành động chứa đầy khát vọng và tầm nhìn thời đại. Tuy nhiên, trong thế giới hội nhập và cạnh tranh đua tranh phát triển khốc liệt, khi mọi chuyện đều có thể xảy ra, cả việc “thay ngôi, đổi vị” giữa các đô thị, các trung tâm phát triển, nhiều khi rất nhanh chóng và có thể “khá dễ dàng”, vai trò đó của Đà Nẵng luôn luôn bị “đe dọa”.
Trả lời câu hỏi phải làm gì để Đà Nẵng không chỉ “tiếp tục phát triển” mà là phát triển theo đúng sứ mệnh được giao phó và trở thành một trung tâm phát triển vùng trong thế giới hiện đại, hội nhập trình độ cao và cạnh tranh khốc liệt, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Đà Nẵng phải xác lập được vị thế toàn cầu và năng lực cạnh tranh phát triển ở tầm toàn cầu. Gắn liền với tầm nhìn đó, quan điểm định hướng cách phát triển mà Đà Nẵng phải quán triệt là “tiến vượt”.
Theo cách tiếp cận này, trong giai đoạn tới, Đà Nẵng không thể chọn cách phát triển tuần tự làm chủ đạo. Nếu như vậy, Đà Nẵng sẽ tụt lại và tụt hậu xa hơn, sẽ không thể lan tỏa và dẫn dắt công cuộc phát triển vùng. Vả lại, như đã nhận định trên, chọn hình mẫu thể chế và đẳng cấp phát triển cao nhất làm đích hướng mục tiêu là phù hợp với đẳng cấp tiềm năng và lợi thế phát triển mà Đà Nẵng sở hữu, là phù hợp với logic phát triển của thời đại hội nhập toàn cầu.
ĐOÀN LƯƠNG