Chính trị - Xã hội

Xây dựng hầm qua sông Hàn: Vì một thành phố phát triển bền vững, văn minh, hiện đại

07:56, 13/01/2017 (GMT+7)

Thời gian vừa qua, trong dư luận và trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều ý kiến trái chiều về việc đầu tư xây dựng công trình hầm qua sông Hàn. Để có cái nhìn khách quan và đầy đủ hơn, Sở Giao thông vận tải (GTVT) xin thông tin và làm rõ một số nội dung liên quan về quá trình chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng công trình vượt sông Hàn, thành phố Đà Nẵng như sau:

Nhu cầu đi lại của người dân qua sông Hàn ngày càng tăng cao. Trong ảnh: Cầu Sông Hàn luôn đông đúc người qua lại trong giờ cao điểm (ảnh chụp trước lúc điều chỉnh phân luồng giao thông thi công phía tây cầu Sông Hàn).  Ảnh: ĐẮC MẠNH
Nhu cầu đi lại của người dân qua sông Hàn ngày càng tăng cao. Trong ảnh: Cầu Sông Hàn luôn đông đúc người qua lại trong giờ cao điểm (ảnh chụp trước lúc điều chỉnh phân luồng giao thông thi công phía tây cầu Sông Hàn). Ảnh: ĐẮC MẠNH

Về sự cần thiết phải đầu tư công trình vượt sông Hàn

- Về mặt tổng thể

Hiện nay, tốc độ đô thị hóa khu vực phía đông của thành phố đang diễn ra tương đối nhanh chóng với hàng loạt các khu dân cư, chung cư, dẫn đến nhu cầu đi lại giao thương của người dân ở đây qua sông Hàn ngày càng tăng cao; cùng với sự phát triển nhanh trên lĩnh vực du lịch, tốc độ tăng trưởng phương tiện xe cơ giới trong những năm gần đây (ô-tô tăng gần 12%/năm, xe máy tăng gần 8%/năm) đã bắt đầu gây áp lực lên hạ tầng giao thông thành phố, đặc biệt là tại các trục dọc có công trình vượt sông (khu vực cầu Rồng, cầu Sông Hàn) và các trục đường ngang kết nối.

Với định hướng phát triển mạnh về du lịch và dịch vụ thương mại trong thời gian đến, lượng người và phương tiện qua lại giữa hai bờ sông Hàn dự báo sẽ ngày càng gia tăng. Thành phố đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp về tổ chức giao thông; cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông nhưng đó chỉ là những giải pháp ngắn hạn. Cần phải có những giải pháp mang tính chiến lược, “dài hơi” hơn để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông một cách bền vững.

Thời gian vừa qua, thành phố Đà Nẵng chọn phát triển hạ tầng giao thông làm “khâu đột phá”, tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Thực tế chứng minh đó là quyết định đúng đắn.

Nếu hạ tầng giao thông không đi trước một bước thì ùn tắc giao thông sẽ không chỉ diễn ra cục bộ ở một số vị trí vào giờ cao điểm như hiện nay, mà có thể sẽ là một “vấn nạn”, “điểm nghẽn” cho sự phát triển kinh tế - xã hội như một số thành phố lớn của nước ta đang từng ngày phải đối mặt.

Trong khi đó, để đầu tư xây dựng một công trình vượt sông, thời gian nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư và thi công xây dựng hoàn thành phải kéo dài từ 7 đến 10 năm. Do vậy, việc nghiên cứu triển khai dự án đầu tư công trình vượt sông Hàn vào thời điểm này là hợp lý và kịp thời.

Nếu chuẩn bị tốt tất cả các công việc từ chủ trương tháng 10-2015 và báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận thì cũng đến năm 2018 mới có thể khởi công xây dựng được công trình.

- Xét ở góc độ quy hoạch giao thông đô thị

Về phía đông, khu vực phía đông bắc quận Sơn Trà đến nay vẫn còn là vùng đất tiềm năng cần được khai thác. Trong khi đó, trục giao thông Vương Thừa Vũ, Trần Thánh Tông, Vân Đồn đã hình thành khá lâu nhưng chưa thể phát huy vai trò của mình. Khoảng cách trục ngang theo hướng đông - tây (về phía biển) từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Lê Đức Thọ khá lớn (khoảng 4km).

Trong khi đó, về phía tây sông Hàn, khu vực nhà ga hiện tại sẽ được quy hoạch tái thiết thành khu trung tâm thương mại, dịch vụ; là đầu mối giao thông kết nối vận tải công cộng, dự kiến bắt đầu triển khai năm 2018. Lúc đó, trục đường Đống Đa sẽ là tuyến giao thông quan trọng để kết nối với trục dọc Trần Phú, 3 Tháng 2, Bạch Đằng - Như Nguyệt.

Việc kết nối trục đường Đống Đa với trục đường Vân Đồn sẽ tạo thành một trục ngang hoàn chỉnh theo hướng đông tây; vừa bảo đảm khoảng cách hợp lý giữa các trục giao thông, kết nối tổng thể hệ thống đường ven biển hoàn chỉnh, góp phần hoàn chỉnh tổ chức giao thông đô thị trong tương lai; vừa phát huy tối đa hiệu quả các công trình giao thông đã được đầu tư xây dựng; khai thác và phát huy tối đa vùng đất đông bắc và tiềm năng du lịch biển của thành phố như trục đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, v.v..., góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía đông bắc thành phố (bao gồm cả khu vực phía đông và phía tây sông Hàn) một cách cân bằng, hài hòa với các khu vực phía đông của thành phố.

Mặt bằng tổng thể hầm qua sông Hàn.
Mặt bằng tổng thể hầm qua sông Hàn.

Quá trình lựa chọn hướng tuyến và phương án vượt sông Hàn

Trên cơ sở quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lãnh đạo thành phố đã thống nhất chủ trương và chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Sở Xây dựng cùng các ban, ngành liên quan triển khai nghiên cứu đầu tư công trình giao thông vượt sông Hàn khu vực giữa cầu Sông Hàn và cầu Thuận Phước tại Thông báo số 200/TB-UBND ngày 19-10-2015.

Qua khảo sát thực tế, phân tích hiện trạng dân cư cũng như hệ thống giao thông khu vực; đối chiếu với quy hoạch chung cũng như quy hoạch chi tiết của thành phố Đà Nẵng đã và đang triển khai thực hiện, các cơ quan, đơn vị có chức năng đã tổ chức nhiều cuộc họp, bàn bạc, đề xuất nhiều hướng tuyến khác nhau kết nối giữa hai bờ sông cũng như loại hình công trình vượt sông Hàn (về hướng tuyến có 5 phương án tuyến đề xuất: (1) nối từ nút Đống Đa - 3 Tháng 2 chạy dọc theo đường Như Nguyệt đi qua sông kết nối qua đường Vân Đồn; (2) nối từ đoạn cuối đường Đống Đa qua khu dân cư thuộc phường Thuận Phước, đường 3 Tháng 2, đường Như Nguyệt đi qua sông kết nối với đường Vân Đồn), (3) nối từ nút Đống Đa - 3 Tháng 2 đi qua sông kết nối với đường Nguyễn Thị Định; (4) nối từ Trần Quý Cáp đi qua sông kết nối với đường Nguyễn Thị Định; (5) nối từ nút Đống Đa - đường 3 Tháng 2 đi qua sông kết nối với đường Vân Đồn; cùng với đó là phương án cầu vượt và hầm chui).

Tại cuộc họp báo cáo Thường trực UBND thành phố ngày 22-12-2015, lãnh đạo UBND thành phố đã thống nhất chọn phương án tuyến nối từ nút Đống Đa - 3 Tháng 2 chạy dọc theo đường Như Nguyệt kết nối qua đường Vân Đồn bằng công trình hầm với mục tiêu hạn chế tối đa giải tỏa, ảnh hưởng đến người dân; bảo đảm cảnh quan hai bờ sông Hàn (Thông báo 03/TB-VP ngày 4-1-2016); đồng thời giao Sở GTVT nghiên cứu thêm về giải pháp kết cấu, nút giao thông hai đầu công trình, công tác khai thác vận hành, duy tu để báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến chỉ đạo.

Ngày 8-1-2016, sau khi nghe Thường trực UBND thành phố báo cáo, Ban Thường vụ Thành ủy đã cơ bản thống nhất chủ trương đầu tư công trình vượt sông theo phương án nêu trên. Lãnh đạo thành phố cũng giao Sở GTVT phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, có kế hoạch thi tuyển phương án cũng như tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, hiệp hội và cơ quan liên quan về phương án thiết kế công trình qua sông Hàn để có giải pháp tối ưu.

Sở GTVT cũng đã tổ chức đoàn công tác vào làm việc với Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn để tìm hiểu về quá trình triển khai dự án và vận hành, khai thác hầm Thủ Thiêm; đồng thời cũng đã có Công văn 734/SGTVT-GĐ&QLCL ngày 26-2-2016 gửi Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật (KHKT) thành phố Đà Nẵng để chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, các hiệp hội.

Sau buổi tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, các hiệp hội và đơn vị liên quan về công trình vượt sông Hàn vào ngày 19-3-2016, Liên hiệp các Hội KHKT thành phố đã tổng hợp các ý kiến và báo cáo kết quả với lãnh đạo thành phố.

Sở GTVT đã có Văn bản số 1512/SGTVT-GĐ&QLCL ngày 15-4-2016 giải trình làm rõ một số nội dung liên quan đến các ý kiến góp ý của Liên hiệp các Hội KHKT và Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố.

Phương án đầu tư công trình giao thông vượt sông Hàn được tư vấn tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện bổ sung theo các ý kiến góp ý của các chuyên gia và các hiệp hội của thành phố.

Qua buổi họp nghe báo cáo ngày 27-4-2016, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực UBND thành phố đã thống nhất giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành các bước chuẩn bị đầu tư, thăm dò địa chất, khái toán kinh phí đầu tư bảo đảm tính khả thi về giải pháp kết cấu, biện pháp tổ chức thi công, công tác quản lý vận hành khai thác, duy tu bảo dưỡng, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, cho ý kiến trong tháng 6-2016.

Tại cuộc họp ngày 22-6-2016, sau khi nghe đơn vị tư vấn báo cáo phương án, ý kiến của lãnh đạo UBND thành phố, các sở, ngành liên quan, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương cho tổ chức thi tuyển quốc tế công trình giao thông vượt sông Hàn để lựa chọn phương án tối ưu. Có 11 công ty tư vấn thiết kế có uy tín trong nước và quốc tế liên danh, liên kết thành 6 đơn vị tham gia dự thi.

Qua kết quả báo cáo các phương án dự thi vào ngày 25-9-2016, chưa có phương án nào được đề xuất một cách hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu đề ra về tổ chức giao thông, kiến trúc đặc sắc, không gian, cảnh quan...

Tuy nhiên, đa số các thành viên Hội đồng thi tuyển đã kiến nghị thành phố lựa chọn phương án hầm để đầu tư xây dựng, mặc dù chi phí xây dựng, vận hành khai thác cao hơn so với phương án cầu. Bởi lẽ, về mặt không gian, cảnh quan đô thị, bảo đảm hài hòa giữa xây dựng công trình với việc giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo các điều kiện tự nhiên đặc trưng của khu vực với hình ảnh “sông - núi - biển” liền kề với nhau.

Giải pháp này sẽ giữ được khoảng không gian mặt nước hiện trạng từ cầu Sông Hàn về phía biển, với một phạm vi đủ rộng cho việc tổ chức các lễ hội, hoạt động du lịch trên sông nước; du lịch bằng thuyền buồm...

Về mặt quy hoạch, việc khai thác không gian ngầm phục vụ cho giao thông đô thị là xu thế tất yếu đối với một đô thị hiện đại. Phát huy tối đa hiệu quả cảng Sông Hàn cũng như phát triển các bến du thuyền đã được quy hoạch đoạn giữa cầu Sông Hàn và cầu Thuận Phước, các tàu du lịch cỡ lớn (chiều cao dưới 27m), các du thuyền vào ra cập bến trong trung tâm thành phố di chuyển thuận lợi, tô thêm vẻ đẹp của dòng sông Hàn.

Chỉnh trang lại đô thị khu vực dân cư phía tây đông đúc đường kiệt, hẻm nhỏ không đủ điều kiện nâng cấp hoàn thiện hạ tầng đô thị. Tạo điều kiện thuận lợi cho người lưu thông an toàn, thông suốt trong tất cả thời gian, nhất là trong điều kiện thời tiết bất lợi (mưa to, gió lớn). Bảo đảm được tất cả mọi vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh cho một thành phố văn minh và hiện đại.

Tại cuộc họp ngày 18-10-2016, tập thể lãnh đạo thành phố đã thống nhất lựa chọn phương án đầu tư xây dựng công trình hầm qua sông Hàn, vì đây là phương án có nhiều ưu điểm hơn, cũng là phương án có tính chất lâu dài, đồng thời không phá vỡ cảnh quan sông Hàn khu vực này.

Trên cơ sở nghiên cứu hoàn thiện các phương án hầm, tại cuộc họp báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy ngày 27-12-2016, qua phân tích ưu nhược điểm của 2 phương án tuyến, ý kiến tham gia của các sở, ngành liên quan và tập thể lãnh đạo UBND thành phố, tập thể Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất lựa chọn phương án tuyến hầm đi thẳng.

Mặc dù việc triển khai khó khăn hơn (do phải giải tỏa khoảng 210 hộ dân), kinh phí tốn kém hơn nhưng đây là phương án bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn giao thông, thuận tiện cho việc tổ chức giao thông và kết nối giao thông công cộng; đồng thời cũng là cơ hội để thành phố chỉnh trang đô thị khu vực dân cư phía bờ tây (có mật độ đông đúc, nhưng đường kiệt, hẻm nhỏ, hạ tầng đô thị xuống cấp) góp phần làm diện mạo  thành phố khang trang, hiện đại hơn.

Giải pháp về mặt kỹ thuật đối với công trình hầm

Hiện nay, trắc dọc tuyến đã được điều chỉnh (độ dốc dọc trong đoạn hầm kín là 2%, đối với đoạn hầm hở hai đầu độ dốc dọc không quá 4%) để bảo đảm an toàn giao thông, tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành. Mặt cắt ngang tuyến và hầm bảo đảm 6 làn xe lưu thông.

Ngoài ra, đối với các ý kiến góp ý về mặt chuyên môn khác của các nhà khoa học, các hội nghề nghiệp, thành phố ghi nhận và sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan, mời chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu, tính toán chi tiết trong quá lập dự án nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi và các bước tiếp theo để lựa chọn phương án hợp lý, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong quá trình khai thác sau này.

Như vậy, có thể nói rằng, qua hơn 1 năm, thành phố đã triển khai nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng để quyết định được chủ trương lựa chọn đầu tư công trình hầm qua sông Hàn.

Lãnh đạo thành phố đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, lắng nghe, ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp khác nhau; xem xét, bàn bạc, thảo luận rất kỹ về quy hoạch kết nối, thời điểm đầu tư, giải pháp thực hiện; cân nhắc nhiều phương án đầu tư xây dựng mới đi đến quyết định chủ trương đầu tư xây dựng và chọn phương án công trình hầm vượt sông Hàn.

LÊ VĂN TRUNG

Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng

.