Chính trị - Xã hội

Xây dựng Thanh Khê thành trung tâm dịch vụ - thương mại

08:02, 20/01/2017 (GMT+7)

Từ những khó khăn ban đầu những ngày mới thành lập, trên cơ sở chiến lược phát triển của thành phố, với những thuận lợi về vị trí và lợi thế so sánh, quận Thanh Khê đã sớm có những bước bứt phá về chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn để vươn lên thành trung tâm thương mại – dịch vụ của thành phố.

Trải qua 20 năm, công tác chỉnh trang đô thị đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của Thanh Khê. Ảnh: Bảo An
Trải qua 20 năm, công tác chỉnh trang đô thị đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của Thanh Khê. Ảnh: Bảo An

Kinh tế của quận tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng thương mại – dịch vụ, giảm tỷ trọng công nghiệp và thủy sản và luôn duy trì nhịp độ tăng trưởng cao. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thanh Khê hoàn toàn phù hợp và đạt hiệu quả đáng khích lệ như: giá trị dịch vụ - thương mại tăng mạnh từ mức 2.834 tỷ đồng năm 1997 lên 25.802 tỷ đồng năm 2016; thu ngân sách năm sau luôn cao hơn năm trước, tốc độ  tăng bình quân 13%/năm.

Điều đáng mừng, dù định hướng tỷ trọng khai thác thủy, hải sản giảm, song quận đã có chính sách phù hợp để hỗ trợ ngư dân và bản thân ngư dân cũng đã nghĩ ra phương thức làm ăn mới, quy mô. Hiệu quả hơn, năng lực đánh bắt tàu thuyền tăng, công suất tàu bình quân lại tăng dần qua các năm, từ 137CV/tàu năm 2006 tăng lên 287CV/tàu năm 2016.

Một điểm đáng ghi nhận trong 20 năm qua của Thanh Khê là công tác chỉnh trang đô thị. Còn nhớ trước đây, nơi đây là khu vực ngoại ô của đơn vị hành chính thành phố Đà Nẵng (cũ), thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Vào thời điểm năm 1997, khi thành phố Đà Nẵng được chia tách trực thuộc Trung ương, quận Thanh Khê cũng được thành lập mới. Hệ thống giao thông trên địa bàn chỉ có một số tuyến đường chính và hệ thống các tuyến đường phố nhỏ đã có từ rất lâu, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đồng bộ, sơ sài.

Các khu dân cư đô thị chưa được phát triển, vẫn còn một phần diện tích là đất ao hồ, trồng cây nông nghiệp, hệ thống cây xanh đô thị chưa được đầu tư trồng mới và chăm sóc, phần lớn là số cây đã tồn tại qua nhiều năm trước đó.

Trải qua 20 năm, công tác chỉnh trang đô thị đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của Thanh Khê, nhiều khu dân cư mới và hiện đại được hình thành, nhiều tuyến đường chính được mở rộng, nâng cấp, mạng lưới giao thông nội thị được phát triển, hạ tầng kỹ thuật đô thị kèm theo được đầu tư hiện đại.

Các công viên, vườn dạo, mạng lưới cây xanh cũng được quan tâm phát triển về số lượng và mang tính thẩm mỹ cao tạo nên bộ mặt mới về cảnh quan đô thị, phù hợp với sự phát triển chung của xã hội.

Cùng với sự chỉ đạo phát triển kinh tế, hạ tầng cơ sở, lãnh đạo quận đã chăm lo thực hiện chính sách an sinh xã hội khá tốt. Các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, thiếu niên hư, đối tượng mắc tệ nạn xã hội, những người mãn hạn tù… luôn nhận được sự giúp đỡ có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và cộng đồng dân cư.

Đáng chú ý, chương trình mục tiêu giảm nghèo được tập trung thực hiện quyết liệt, thông qua các giải pháp hỗ trợ vốn, phương tiện sinh kế, hướng dẫn cách làm ăn… Đến giữa năm 2015, quận không còn hộ nghèo theo chuẩn của thành phố. 20 năm qua, toàn quận xóa được 14.253 hộ nghèo, góp phần làm cho đời sống của đại bộ phận nhân dân từng bước được cải  thiện.

Chương  trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có” của thành phố được duy trì thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó Thanh Khê cụ thể hóa mục tiêu “3 giảm”: giảm tai nạn, tệ nạn xã hội; giảm nghèo; giảm người thất nghiệp.

Môi trường văn hóa và ý thức của người dân về nếp sống văn hóa, văn minh đô thị có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục – đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên. Công tác phòng chống tệ nạn xã hội, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Các tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền từ quận, phường đến tổ dân phố hoạt động có hiệu quả. Mặt trận và các đoàn thể hoạt động theo hướng gần dân và động viên sự tham gia tích cực của nhân dân vào các phong trào hoạt động của quận, tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

Tôi cho rằng, định hướng phát triển xây dựng Thanh Khê trở thành trung tâm dịch vụ - thương mại của cả thành phố như hiện nay là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, địa bàn Thanh Khê có đặc điểm “đất chật, người đông”, thực trạng đô thị cũ kỹ, nhiều đường kiệt, hẻm.

Vì thế, để tạo được đột phá phát triển dịch vụ - thương mại, quận Thanh Khê phải giải bài toán cải tạo đô thị cũ. Quận cần nghiên cứu xây dựng đề án vận động nhân dân tham gia cải tạo những khu dân cư cũ chật hẹp, xuống cấp thành chung cư.

Bên cạnh đó, phải có lộ trình di dời hết các cơ sở tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, các nhà máy tập trung về Khu công nghiệp Hòa Cầm; nghiên cứu phát triển du lịch và dịch vụ trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành; thu hút được các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu trên các tuyến đường chuyên doanh; sắp xếp, quy  hoạch, chỉnh trang để tạo ra thương hiệu của từng tuyến phố.

Tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ - thương mại nhưng quận cũng cần quan tâm đến phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chú ý phát triển các ngành sản xuất tiêu dùng. Riêng đối với lĩnh vực đánh bắt hải sản, tiếp tục tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển, giữ vững ngư trường bằng cách đầu tư đóng mới các tàu có công suất lớn, ngư cụ và phương tiện liên lạc hiện đại. Bởi mỗi một chiếc tàu ra khơi không chỉ làm nhiệm vụ đánh bắt, mưu sinh mà còn tham gia tích cực trong việc bảo vệ an ninh, đấu tranh giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trải qua 20 năm, công tác chỉnh trang đô thị đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của Thanh Khê. Ảnh: Bình An
Trải qua 20 năm, công tác chỉnh trang đô thị đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của Thanh Khê. Ảnh: Bình An

Cần quan tâm chú trọng phát triển kinh tế đi đôi với việc nâng cao thu nhập người dân, đáp ứng tốt nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần người dân. Theo đó, quận Thanh Khê cần chú trọng triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 về phát triển văn hóa gắn với thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Năm văn hóa, văn minh đô thị”.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng cuộc vận động thực hiện chương trình xây dựng thành phố “5 không, 3 có”.

Một điều nữa cần chú ý là quận phải coi trọng nhiệm vụ củng cố an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội nhằm bảo đảm môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng phường lành mạnh, không có tệ nạn xã hội…

Đồng thời, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy của hệ thống chính trị từ quận đến tổ dân phố, sâu sát cơ sở để nắm bắt những vấn đề trọng tâm, bức xúc ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; xây dựng và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các cấp.

Đối với công tác xây dựng Đảng, trước hết phải xây dựng nội bộ đoàn kết, nhất trí, xem đó là tiền đề bảo đảm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của quận. Đảng bộ phải làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt; làm tốt công tác phát triển đảng viên; tăng cường công tác quần chúng của Đảng.

Các tổ chức Đảng từ quận đến cơ sở phải lấy công tác vận động quần chúng làm nhiệm vụ thường xuyên trong hoạt động thực tiễn; phải tạo ra phong trào quần chúng rộng rãi để thực hiện có kết quả công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế trên địa bàn.

Tôi tin rằng với mục tiêu và định hướng chiến lược cụ thể, với sức mạnh nội lực kết hợp tận dụng triệt để những lợi thế đang có của địa phương và sự hỗ trợ tích cực của thành phố và Trung ương, quận Thanh Khê sẽ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững và ổn định, góp phần vào thành quả chung xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, văn minh..

Huỳnh Đức Thơ

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng

.