Ngày 26-2, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và các cuộc họp liên quan bước vào ngày làm việc thứ chín.
Trong ngày, các đại biểu tiếp tục tham dự các cuộc họp về Đối tác chính sách về an ninh lương thực (PPFS); Nhóm công tác về nghề cá và đại dương (OFWG); Ủy ban Kinh tế (EC)-Đối thoại về mua sắm chính phủ; Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI); Ủy ban quản lý ngân sách; Nhóm công tác về luật và chính sách cạnh tranh (CPLG).
Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năm 2017 và các cuộc họp liên quan, ngày 25-2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chủ trì Diễn đàn đối tác chính sách về an ninh lương thực (PPFS).
Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Chủ tịch Diễn đàn đối tác chính sách về an ninh lương thực cho biết trong Năm APEC 2017, chủ đề an ninh lương thực thích ứng với biến đổi khí hậu được chọn là một trong bốn chủ đề ưu tiên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương do Việt Nam đề xuất. Vì vậy, các nội dung thảo luận tại Diễn đàn đối tác chính sách về an ninh lương thực rất quan trọng.
Tại Diễn đàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra 3 sáng kiến gồm: kế hoạch hành động để thực hiện khung chiến lược của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương về phát triển đô thị-nông thôn nhằm tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng bền vững; kế hoạch hành động để thực hiện Chương trình APEC về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu; và tuyên bố Cần Thơ về tăng cường phát triển bền vững và an ninh lượng thực thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, Bộ cũng đưa ra hai đề xuất gồm: phát triển kinh doanh nông nghiệp để hỗ trợ chuyển đổi lao động nông thôn tại các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương; và thích ứng biến đổi khí hậu: tác động tới Chiến lược an ninh lương thực.
B.T