Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho rằng bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện sớm trên Biển Đông, số lượng hoạt động có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm trong các tháng đầu mùa mưa bão, tập trung ở khu vực Bắc Biển Đông.
(Ảnh minh họa: Đỗ Trưởng/TTXVN) |
Tuy vậy, trong 3 tháng tới, bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng ảnh hưởng đến đất liền. Trong tháng Tư và tháng Năm - những tháng chuyển mùa, nhiều khả năng các hiện tượng dông, sét, tố lốc, mưa đá sẽ xuất hiện gia tăng về tần suất trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Cũng theo trung tâm, các dự báo mới nhất của các mô hình khí hậu cũng như các trung tâm dự báo khí hậu trên thế giới cho thấy hiện tượng ENSO (sự phối hợp hoạt động giữa hai hiện tượng xảy ra ở đại dương El-Nino, La-Nina và ở khí quyển) sẽ duy trì trạng thái trung gian với xác suất khoảng 60-70% trong 3-4 tháng tới.
Sau đó, nhiệt độ mặt nước biển được dự báo sẽ tiếp tục tăng chậm, nhưng mức độ tin cậy của dự báo giảm nhanh theo thời gian trong những tháng nửa cuối mùa mưa bão 2017.
Trong tháng 1 và tháng 2/2017, đã xuất hiện nhiệt độ trung bình cao kỷ lục ở khu vực Bắc Bộ; mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm ở các tỉnh từ Trung Trung Bộ trở vào phía Nam và hiện tượng mưa trái mùa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.
Lũ trái mùa đã xuất hiện trên sông Đà, sông Thao, sông Chảy và sông Gâm. Triều cường xuất hiện theo chu kỳ vào cuối năm 2016, đầu năm 2017 tại ven biển miền Trung và Nam Bộ, xuất hiện sóng lớn do không khí lạnh, bão và áp thấp nhiệt đới.
Dự báo từ tháng Ba đến tháng Năm, nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, lượng mưa có khả năng thiếu hụt ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Mùa mưa có khả năng đến muộn hơn ở Bắc Bộ và đến sớm hơn ở phía Nam; bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện sớm trên Biển Đông và số lượng hoạt động nhiều hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt ở khu vực Bắc Biển Đông trong những tháng đầu mùa mưa bão năm 2017.
Lượng dòng chảy trên các sông khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm.
Riêng trên sông Thao, hạ lưu sông Lô, các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Nam Bình Thuận thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Lũ tiểu mãn trên thượng lưu sông Hồng-Thái Bình, sông Mã có khả năng xuất hiện muộn với đỉnh lũ nhỏ hơn trung bình nhiều năm.
Có thể xuất hiện tình trạng thiếu nước và khô hạn cục bộ ở khu vực Đông Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai, Đắk Lắk. Tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2017 ở khu vực Nam Bộ tương đương năm 2013-2014 và không gay gắt như năm 2016.
Nhiệt độ trung bình trong 3 tháng tới trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1 độ C. Không khí lạnh trong tháng 3 và tháng 4/2017 vẫn tác động đến khu vực phía Bắc nhưng cường độ yếu và tần suất thấp hơn trung bình nhiều năm. Nắng nóng tại các khu vực trên toàn quốc có xu hướng xuất hiện muộn và có khả năng không kéo dài và không gay gắt.
Cụ thể là lượng mưa từ tháng Ba đến tháng Năm ở khu vực Bắc Bộ lượng phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-30% cùng thời kỳ. Mùa mưa tại khu vực Bắc Bộ có khả năng đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Khu vực Trung Bộ lượng mưa tại khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%; lượng mưa tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ có khả năng cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng xuất hiện những đợt mưa rào trái mùa, do vậy lượng mưa trong tháng có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng đến sớm, do vậy từ nửa cuối tháng Tư, lượng mưa có xu hướng tăng dần và tổng lượng mưa tháng Tư và tháng Năm có khả năng cao hơn từ 15-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Cũng từ tháng Ba đến tháng Năm, nguồn dòng chảy tiếp tục thiếu hụt trên sông Thao và sông Lô từ 10-20%; trên sông Đà, sông Chảy và sông Gâm cao hơn trung bình nhiều năm từ 5-20%. Trên các sông ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, lượng dòng chảy phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 5-45%.
Đặc biệt, lượng dòng chảy trên các sông ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Trà Khúc (Quảng Ngãi), Sông Ba (Phú Yên) cao hơn trung bình nhiều năm trên 80%. Riêng các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa và Nam Bình Thuận thiếu hụt từ 10-40%. Lượng dòng chảy trên các trạm chính sông Mekong từ nay cho hết tháng 5 có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm từ 5-15% và cao hơn mùa khô năm 2016 từ 20-30%, tương đương mùa khô năm 2014.
Mực nước thấp nhất cùng kỳ có khả năng tiếp tục xuất hiện trong tháng Ba, tháng TƯ tại trạm Tuyên Quang trên sông Lô, trạm Lý Nhân trên sông Mã. Trong tháng Năm, lũ tiểu mãn trên sông Đà, sông Thao, sông Lô, sông Cầu, Thương, Lục Nam, sông Mã có khả năng xuất hiện muộn với đỉnh lũ nhỏ hơn trung bình nhiều năm.
Trên sông Mekong, mực nước trung, thượng lưu ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-0,5m; hạ lưu xấp xỉ trung bình nhiều năm. Tại đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước biến đổi theo triều ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,2-0,35m và cao hơn cùng kỳ năm 2016 từ 0,1-0,2m.
Tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2017 ở khu vực Nam Bộ không gay gắt như năm 2016 và tương đương năm 2013-2014. Độ mặn lớn nhất mùa khô năm 2017 có khả năng xuất hiện vào tháng 3, riêng vùng bán đảo Cà Mau xuất hiện vào cuối tháng Tư, đầu tháng Năm.
Dao động mực nước biển chủ yếu chịu chi phối của thủy triều với biên độ triều ở mức trung bình nhiều năm của thời kỳ. Ít có khả năng xuất hiện nước dâng do bão và gió mùa.
Trường sóng trên biển vùng ven bờ lặng hơn so với các tháng cuối và đầu năm do không khí lạnh có cường độ yếu. Khoảng tháng Năm, sóng lớn có thể xuất hiện trên khu vực Bắc Biển Đông do tác động của bão đầu mùa và vùng biển Tây Nam do hoạt động sớm của gió mùa Tây Nam.
Theo Vietnam+