"Toàn thể đồng bào, đồng chí, các cụ, các bác, các anh, các chị, các cháu thanh niên, thiếu nhi cả nước, trong những ngày vui tết, đón xuân Đinh Dậu 2017, hãy hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng…".
Đó là lời kêu gọi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại buổi lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Đinh Dậu 2017 diễn ra sáng 2/2 tại Cẩm Sơn (Cẩm Phả, Quảng Ninh).
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ôn lại, ngày 28/11/1959, với tầm nhìn chiến lược, Bác Hồ viết bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân dân, phân tích sâu sắc ý nghĩa của việc trồng cây đối với đất nước, với mỗi gia đình, mỗi người dân và kêu gọi toàn dân tham gia Tết trồng cây, một việc “tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”, “một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người, từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, từ đó đến nay, cứ mỗi độ xuân về, nhân dân ta lại nô nức tổ chức Tết trồng cây làm theo lời Bác. Tết trồng cây đã trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong những ngày vui tết, đón xuân. Phong trào trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng trong những năm qua đã được triển khai sâu rộng và hiệu quả, góp phần tích cực trong bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Chủ tịch nước nhấn mạnh ngày nay, khi trái đất có xu hướng nóng lên, biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng đang đe dọa cuộc sống của con người trên Trái Đất, phát triển kinh tế bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường và điều đó đã trở thành yêu cầu sống còn với mọi quốc gia, thì việc trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng ngày càng có ý nghĩa chiến lược to lớn và hết sức quan trọng.
"Vì vậy, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí, các cụ, các bác, các anh, các chị, các cháu thanh niên, thiếu nhi cả nước, trong những ngày vui tết, đón xuân Đinh Dậu 2017, hãy hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng; mọi người trồng cây, mọi nhà trồng cây; trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, trồng cây chắn gió, bảo vệ đê, chống xói mòn đất, chống cát bay; trồng cây trong thôn xóm, dọc đường giao thông nông thôn, vùng ven biển, biên giới, trên các hải đảo, vùng đất trống, đồi trọc,… phù hợp với điều kiện của từng nơi", Chủ tịch nước kêu gọi.
Ngoài việc trồng cây, cần nâng cao ý thức và có nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực để bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Làm tốt điều này là làm theo lời dạy của Bác, vừa góp phần phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, vừa giữ gìn môi trường sống cho muôn đời con cháu.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, năm 2016, công tác quản lý bảo vệ rừng tiếp tục chuyển biến tích cực; tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng giảm 9% so với năm 2015; các vụ cháy rừng được lực lượng chức năng phát hiện sớm, chữa cháy kịp thời, giảm thiểu thiệt hại.
Cũng trong năm 2016, cả nước đã trồng được gần 222.000 ha rừng tập trung và trên 58 triệu cây phân tán; khoán quản lý bảo vệ 6,2 triệu ha rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 360.000 ha; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 7,3 tỷ USD; chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tạo nguồn thu gần 1.300 tỷ đồng để thanh toán cho chủ rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng... Lâm nghiệp đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân và bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo Chinhphu.vn