.

Chuyện Tết của những tài xế đường dài

.

ĐNĐT - Tết là mùa vận tải hành khách và hàng hóa sôi động nhất trong năm, chính vì thế các bác tài phải chấp nhận làm việc xuyên Tết, đón Tết trên đường. 

Nhiều nhà xe xuất hành từ ngày mồng 1, mồng 2 Tết
Nhiều nhà xe xuất hành từ ngày mồng 1, mồng 2 Tết

Anh Phùng Văn Quyết (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), tài xế xe container chuyên chở hàng đi Lạng Sơn chia sẻ, ngày mồng 1 Tết năm nay được xem là ngày đẹp nên chủ hàng yêu cầu anh xuất hành cho chuyến hàng đầu tiên.

Do đó, ngay sau khi cúng bữa cơm đầu năm, anh chạy ngay lên Gia Lai bốc trái cây để kịp giao hàng cho phía đối tác Trung Quốc vào ngày mồng 3 Tết. Cũng theo anh Quyết, nghề tài xế kiếm tiền dễ nhất là vào những dịp Tết đến xuân về, hàng nhiều chạy không xuể và chủ hàng cũng "bo" thoải mái cho cánh tài xế.

Những ngày đầu năm mới, đường vắng hoe nhưng việc chạy xe đường dài lại nguy hiểm bởi các bác tài thường hay ngủ gật. Là người trong nghề nên những câu chuyện thương tâm, quy luật khắc nghiệt của nghề tài xế, theo anh Quyết, là không giấy bút nào kể hết... 

Anh Trần Văn Mịch (48 tuổi, trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) làm tài xế cho một doanh nghiệp chuyên chạy tuyến Thái Bình – Đăk Lăk trải lòng: "Tôi gắn bó với nghề chạy xe đã hơn 10 năm. Chạy những ngày cao điểm Tết từ tháng 12 đến mồng 10 âm lịch có thể nuôi con ăn học cả năm. Không chạy thì tiếc lắm. Vì khó khăn nên cũng ham làm, đổi lại là nỗi buồn vì chưa có Tết nào được quây quần cùng vợ con".

Theo giới tài xế, mùa Tết nhiều người chấp nhận vắt sức chạy liên tục, không nghỉ ngơi bởi công tài xế được trả gấp 3 lần bình thường. Vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều người đành chấp nhận không có Tết.

Chị Nguyễn Thị Khánh Linh, vợ một tài xế chạy xe khách tuyến Đà Nẵng - Thanh Hóa nói rằng, lấy chồng làm nghề lái xe, chưa đêm nào chị có thể yên giấc trọn vẹn khi ngày ngày báo, đài đưa tin về các vụ tai nạn giao thông. Cứ mỗi lần chồng, khởi hành, chị lại thấp thỏm lo âu, niềm hạnh phúc của chị là sự trở về bình an của anh sau mỗi chuyến xe.

Với những người còn trẻ, cuộc đời sau tay lái là những nốt nhạc vui vẻ, phóng khoáng, tự do khi được trải nghiệm những điều mới mẻ trong các chuyến hành trình dọc Tổ quốc.

Còn với người lớn tuổi, đằng sau chiếc vô lăng là cả những nỗi niềm đầy trăn trở, âu lo. Rồi đây, một khi đã quá tuổi làm xế, họ biết làm gì cho phù hợp? Bên cạnh đó, làm nghề này, phần lớn các tài xê thường đối mặt với thương tích do tai nạn, bệnh đau dạ dày, bệnh đau cột sống dai dẳng... Bởi vậy, các bác tài luôn thường trực tâm lý tranh thủ làm nhiều để kiếm tiền, và khi kiếm được rồi, họ phải hết sức tiết kiệm, dè sẻn để đến lúc giải nghệ còn có chút vốn liếng ổn định cuộc sống.

Tiết kiệm là vậy, nhưng khi gặp những hoàn cảnh éo le, đáng thương thì người tài xế lại thường không căn ke chuyện tiền bạc. Như đêm 29, 30 Tết vừa rồi, sau khi hoàn tất việc đưa công nhân khu công nghiệp Hòa Khánh về quê ăn Tết, các bác tài lại rảo quanh khu vực Liên Chiểu để đón những người lỡ xe cuối cùng trước phút Giao thừa và thực hiện những chuyến xe đường ngắn miễn phí từ Đà Nẵng ra Huế, Quảng Trị.

Phút nghỉ ngơi chờ đón người nhà tại đường tránh Nam Hải Vân hôm mồng 2 Tết, chúng tôi có dịp tiếp cận với nhiều tài xế xe tải, xe container đường dài. Tại đây, trong lúc giải lao để bơm lốp và tranh thủ mua chút đồ ăn mang theo, các bác tài trải lòng với nhau chuyện Tết.

Có anh buồn chuyện gia đình, người thân bị bệnh hiểm nghèo không có tiền để chữa trị; có anh mách nhau những vị thuốc chữa bệnh kinh niên của người tài xế; có anh tâm sự chuyện vợ sắp chuyển dạ đứa con đầu lòng mà vẫn quyết tâm lái nốt chuyến hàng này để có tiền cho vợ đi sinh...

Trong không khí rộn ràng của ngày xuân, đâu đó trên khắp các nẻo đường, những bác tài vẫn vui vẻ, dù mỗi người đều có nỗi niềm riêng được giấu kín để công việc của năm mới được hanh thông.

DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.