Chính trị - Xã hội
Cuộc đổi đời kỳ diệu
Hai mươi năm xây dựng và phát triển kể từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, những xóm nhà chồ bên bờ đông sông Hàn đã “biến” thành những khu phố khang trang, sầm uất.
Nơi đây, hàng trăm “cư dân nhà chồ” kiếm sống vất vả qua ngày đã trở thành những chủ nhân của những tàu lớn đánh bắt xa bờ; hàng ngàn trẻ em có nguy cơ thất học trở thành sinh viên, kỹ sư, bác sĩ... Cuộc đổi đời kỳ diệu ấy bắt nguồn từ chủ trương quy hoạch, chỉnh trang đô thị và những chính sách hỗ trợ của thành phố.
Thuyền trưởng Phan Văn Mẫn trên tàu cá của anh. |
Từ căn nhà chồ chơi vơi trên nước…
Gia đình anh Phan Văn Mẫn ở tổ 150 phường Nại Hiên Đông và gia đình anh Đặng Văn Mầy ở tổ 36 phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) là hai hộ tiêu biểu trong số những hộ dân được đổi đời ấy. Anh Phan Văn Mẫn, 49 tuổi, sinh trưởng ở vùng đất Nại Hưng (phường Nại Hiên Đông) trong một gia đình nhiều đời làm nghề biển và kết hôn với chị Lê Thị Mến-cô gái ở cùng phường-vào năm 1988. Cậu con trai Phan Văn Can chào đời trong căn nhà chồ xập xệ ở mép sông, nối với bờ bằng những cây gỗ khẳng khiu.
Chàng trai Phan Văn Mẫn làm biển từ lúc 14 tuổi và sau khi cưới vợ cũng tiếp tục “đi bạn” cho các chủ tàu. Hằng ngày, chị Mến trông giữ cậu con trai hay đùa nghịch. Chị vừa nấu cơm vừa liếc mắt nhìn, nơm nớp lo sợ con té ngã. Đã hai lần cậu mải đuổi quả bóng lăn, rơi tòm xuống sông. May mà cả hai lần chị Mến đều nhào theo cứu kịp! Không có nước sạch.
Không có công trình phụ. Nước sông dưới sàn nhà xách lên để đun nấu, tắm giặt, sinh hoạt. Rác thải hằng ngày cũng bỏ xuống ngay dưới sàn nhà! Rồi bèo cỏ, rác rưởi, xác súc vật từ đâu trôi tới tấp dưới nhà, bốc mùi hôi nồng nặc và lắm lúc cả gia đình bị nước ăn chân, ghẻ lở, ngứa ngáy khắp người.
Kinh sợ nhất là những lúc mưa bão, phía trên thì mái tôn khua rầm rầm, gió lùa hun hút, nghe rợn cả người. Còn bên dưới sóng đập ầm ào, làm cho căn nhà nhỏ cứ chao qua chao lại, tưởng như sinh mạng của cả gia đình đang treo trên miệng tử thần!
Còn anh Đặng Văn Mầy, 53 tuổi, lớn lên ở làng chài An Hóa (phường An Hải Tây), có vợ năm 1984 và cuộc sống cũng gian nan như thế. Hai đứa con Đặng Thị Tuyết và Đặng Văn Mây lần lượt ra đời trong căn nhà chồ chơi vơi trên sông nước.
Nhà của vợ chồng anh Mầy cách bờ sông hơn 200 mét, khi thủy triều xuống phải lội qua bùn nước lõm bõm để vào bờ, còn khi thủy triều lên thì chiếc thúng chai là phương tiện duy nhất để nối với nhịp sống của đất liền.
Trong những ngày nước lớn, chị Đặng Thị Bê, vợ anh Mầy, lấy thúng chở hai con vào bờ để đi học, đến khi bãi trường, chị lại chèo thúng vào bờ đón con. Nhiều lần các cháu sẩy tay, làm rơi vở xuống sông và sau đó phải thức trắng đêm để chép lại bài. Nghèo khó, khổ cực như vậy nên trẻ em lớn lên lại nối nghiệp sông biển và trú ngụ trong những căn nhà chồ tạm bợ…
Từ ở nhà chồ, gia đình anh Đặng Văn Mầy đã có ngôi nhà 3 tầng khang trang. Ảnh: LÊ VĂN THƠM |
Đến những chủ tàu vươn khơi đánh bắt xa bờ
Sau khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (năm 1997), lãnh đạo thành phố đã đề ra chủ trương giải tỏa các xóm nhà chồ ven sông Hàn và xây dựng khu vực phía đông sông Hàn trở thành những khu đô thị mới.
Bà con được bố trí đất ở, hỗ trợ tiền thuê nhà, miễn giảm tiền sử dụng đất để tạo lập cuộc sống mới, đồng thời được tập huấn kỹ thuật khai thác và cho vay vốn ưu đãi để cải hoán, nâng cấp, đóng mới tàu thuyền. Cùng với đó, ngư dân còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu, hỗ trợ nhiên liệu, phương tiện thông tin…
Năm 1999, gia đình anh Mẫn được thành phố bố trí một lô đất rộng 90m2 trên đường Nguyễn Thị Ba (phường Nại Hiên Đông) để làm nhà ở. Tiếp đó, vợ chồng anh dành dụm, mua được một chiếc tàu nhỏ, hành nghề câu giàn tầng.
Anh Mẫn vừa giỏi làm biển, vừa học được nhiều kiến thức mới nên việc khai thác, đánh bắt đạt hiệu quả cao. Lúc này, con đã lớn, chị Mến có thời gian làm nghề buôn bán cá. Hai vợ chồng cùng nỗ lực phấn đấu vươn lên, từng bước hoán đổi, nâng cấp tàu. Đến năm 2005, anh chị đã đầu tư đóng tàu công suất lớn, chuyên đánh bắt xa bờ, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động. Trên tàu có các thiết bị hiện đại như máy định vị, máy thông tin, máy quay tời…
Hằng năm, tàu anh Mẫn thường xuyên khai thác tại ngư trường bắc Hoàng Sa bằng loại hình lưới vây. Những năm gần đây, dù bị tàu Trung Quốc ngăn cản, phá hoại, nhưng anh vẫn kiên cường bám ngư trường Hoàng Sa để khai thác, vì đây là ngư trường truyền thống của Việt Nam.
“Vùng biển Hoàng Sa nhiều tôm cá và gia đình tôi đã nhiều đời làm nghề tại đây, dù tàu Trung Quốc có phá hoại thế nào, tôi vẫn quyết bám ngư trường này để khai thác”, anh Mẫn khẳng định. Chăm chỉ lao động và khéo chắt chiu dành dụm, vợ chồng anh Mẫn đã xây được ngôi nhà hai tầng khang trang (năm 2008). Hai người con lớn của anh đã lập gia đình riêng và có việc làm ổn định trên đất liền. Còn cậu con út cường tráng, vạm vỡ, luôn sát cánh bên bố vươn khơi bám biển.
Ngày đó, gia đình anh Mầy cũng được thành phố bố trí một lô đất rộng 100m2 tại khu vực An Thuần (phường An Hải Tây). Vợ chồng anh làm thủ tục vay 200 triệu đồng cùng với khoản tiền dành dụm, mua được một chiếc tàu 33CV, hành nghề giã cào gọng.
Chị Bê lo liệu việc tiêu thụ sản phẩm, kết hợp kinh doanh hải sản. Hai năm sau, anh chị mua thêm một chiếc tàu, chuyển sang làm giã cào đôi, rồi lần lượt đóng mới 2 tàu 66CV để vươn khơi đánh bắt xa bờ. Đến năm 2003, anh chị lại hoán đổi thành hai tàu 270CV và liên tục bám biển khai thác. Tiếp đó, nhờ chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn của Nhà nước cùng với nguồn tích lũy, anh chị đã đóng mới hai tàu lớn, công suất 730CV và 750CV, hành nghề lưới chuồn.
Năm 2016, anh mua thêm một chiếc tàu 780CV, giá 1,2 tỷ đồng, cũng làm nghề lưới chuồn. Ba chiếc tàu của anh Mầy đều có những thiết bị đánh bắt hiện đại, với tổng số 27 thuyền viên. Hằng tháng, mỗi tàu đi từ 1-2 chuyến biển, trừ phí tổn, tổng thu nhập của chủ tàu và các thuyền viên khoảng 90 triệu đồng/chuyến.
Vợ chồng anh Mầy đã mua đất và xây dựng ngôi nhà 3 tầng khang trang trên đường Trần Hưng Đạo (phường An Hải Tây). Tuyến đường này đông dân, nhiều khách du lịch, buôn bán thịnh vượng. Chị Bê đã mở quán cà-phê trà sữa tại nhà với 3 nhân viên phục vụ, sớm chiều luôn đắt khách.
Vợ chồng anh Mầy thường xuyên quan tâm việc học tập của các con. Anh thường khuyên nhủ con: “Ba mẹ đặt tên các con là Tuyết, Mây, Sương, Gió, Bão chính là mong các con phải học giỏi để có trình độ và có khả năng phán đoán đúng thời tiết. Có trình độ, các con mới có tương lai tươi sáng và có phán đoán đúng thời tiết thì người ngư dân mới đánh bắt được nhiều tôm cá”.
Sau khi chuyển lên ở trên đất liền, các con của anh Mầy có điều kiện học tập thuận lợi và đã đạt nhiều kết quả xuất sắc. Cậu bé Mây ngày nào hay sẩy tay rơi vở xuống nước, bây giờ đã tốt nghiệp đại học. Vừa ra trường, Mây được hai cơ quan tuyển dụng và chàng kỹ sư trẻ với tấm bằng đỏ đã trở thành cán bộ của Công ty Viễn thông Viettel.
Người con trai thứ Đặng Văn Gió và cậu con út Đặng Văn Bão đều tốt nghiệp đại học, trở thành chủ doanh nghiệp, tạo việc làm thường xuyên cho 24 lao động. Hai cô gái Đặng Thị Tuyết và Đặng Thị Sương học hết trung học phổ thông, được tuyển dụng làm công nhân tại Khu Công nghiệp An Đồn.
Trao đổi về cuộc đời mình, anh Mầy khẳng định: “Từ những người ở nhà chồ chơi vơi trên sông, bây giờ có nhà tầng khang trang giữa phố phường sầm uất, con cái được học hành chu đáo, cùng với bao đổi thay về chất lượng cuộc sống, ngư dân chúng tôi luôn hiểu rằng, sự đổi thay ấy bắt nguồn từ chủ trương quy hoạch, chỉnh trang đô thị và những chính sách hỗ trợ của thành phố”.
LÊ VĂN THƠM