Chưa đầy 10 tháng nữa, APEC 2017 sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng. Đây là một sự kiện lớn của Việt Nam, là cột mốc lịch sử của Đà Nẵng trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội. Ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới Đinh Dậu 2017, không khí đón APEC đã ngập tràn Đà Nẵng ...
Thành phố APEC
Ngày mùng năm âm lịch (1-2-2017), trên một số trục đường lớn của Đà Nẵng-nơi có dự án chỉnh trang đô thị, đào hầm chui tại các nút giao thông trọng yếu - đã dựng rào, ngăn đường, triển khai thi công. Đây là một trong những nỗ lực của chính quyền Đà Nẵng trong cuộc "chạy nước rút" chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật và những điều kiện thiết yếu đáp ứng cho việc tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC tại TP. Đà Nẵng diễn ra tháng 11-2017.
Để đủ điều kiện tổ chức cho sự kiện trọng đại này, ngay từ 2014, Đà Nẵng đã khởi động công tác chuẩn bị cho vai trò là thành phố APEC 2017. Việc tích cực hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng, chỉnh trang đô thị, mở rộng sân bay, xây nhà hội nghị, triển khai công tác tuyên truyền quảng bá, các kế hoạch đào tạo nguồn lực con người và bảo đảm an ninh, y tế, lễ tân, hậu cần đã đồng loạt triển khai...
Nhưng thực tế, những hoạt động chuẩn bị "nước rút" nói trên chỉ là những "điều kiện cần", bề nổi để hoàn thiện, còn "điều kiện đủ" để Nhà nước mạnh dạn chọn Đà Nẵng đăng cai sự kiện này là cả quá trình kiến thiết Đà Nẵng trong nhiều năm gần đây.
Đà Nẵng thanh bình trong mắt mọi du khách. Ảnh: Hải Sơn |
Hình ảnh nhận diện của Đà Nẵng
Sức lan tỏa của đô thị Đà Nẵng đã vượt ra tầm quốc tế, được biết đến với các thương hiệu riêng như “thành phố đáng sống”, “thành phố môi trường”, “thành phố phong cảnh châu Á”, “thành phố lễ hội, sự kiện”... Đà Nẵng bây giờ thuận lợi cả về hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, dịch vụ, du lịch phát triển... lẫn những kinh nghiệm tổ chức những sự kiện quốc tế lớn, xứng đáng để Việt Nam lựa chọn đăng cai sự kiện APEC 2017.
Dẫu vậy, với người dân Đà Nẵng, niềm tự hào khi giới thiệu: "Tôi là người Đà Nẵng" không chỉ xuất phát từ tiện ích của những hạ tầng kỹ thuật, một TP hiện đại, mà là một hình ảnh Đà Nẵng văn minh, thân thiện. Mọi cư xử của quan chức nhà nước đến người dân thường đều thể hiện tính nhân văn, thân thiện, hòa đồng.
Từ những chủ trương lớn của địa phương: Như xây dựng một TP mà mọi công dân đều có nhà ở, có việc làm ổn định, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, một TP không có người lang thang xin ăn, không có giết người cướp của, không có người nghiện trong cộng đồng, không có người thất học, người mù chữ... cho đến việc chỉnh sửa, xây dựng những hành vi nhỏ như việc ứng xử với môi trường, với khách du lịch, với cả người vi phạm trật tự giao thông.
Người Đà Nẵng đang phấn đấu xây dựng một Đà Nẵng an toàn giao thông, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội.
Bây giờ, đến với Đà Nẵng, du khách trong và ngoài nước cảm phục, tin yêu lực lượng cảnh sát giao thông. Hành xử nhân văn, thân thiện, có văn hóa của CSGT khiến mọi người tự giác, chấp hành nghiêm luật lệ giao thông, minh chứng là Tết 2017, toàn TP không xảy ra một vụ tai nạn giao thông làm chết người. Người dân miền Trung yên tâm đến các bệnh viện ở Đà Nẵng vì không bị phân biệt đối xử, không bị sách nhiễu bởi tệ "phong bì", quà cáp cho bác sĩ...
Để có được thành quả này, lãnh đạo Đà Nẵng các thế hệ đều quan tâm xây dựng một Đà Nẵng-đầu tàu kinh tế- xã hội của miền Trung bắt đầu từ những việc nhỏ: Từ những quan tâm miễn phí cho bệnh nhân ung thư, miễn tiền gửi xe tại các bệnh viện cho nhân dân, đi vi hành để bắt tận tay những cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn cho đến việc nghiêm trị các cán bộ nhũng nhiễu dân, có biểu hiện tiêu cực...
Một ví dụ cụ thể: Trước đêm giao thừa 2017, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đội mưa, thăm các hộ bán hoa Xuân để chia sẻ với người nông dân nghèo trong lúc cận Tết mà mưa vẫn dầm dề, hoa bán ế, để kêu gọi giảm thuê mặt bằng cho người bán hoa, kêu gọi người dân TP mua hoa ủng hộ người nghèo...
Đà Nẵng luôn chú tâm, đầu tư cho giáo dục văn hóa, lịch sử và nhân cách cho thế hệ trẻ. Ảnh: T.Hải |
Xây dựng hình ảnh Đà Nẵng đã trở thành ý thức của từng người dân đến lãnh đạo TP: Bỏ ra ngân sách lớn, quyết tâm phục dựng lại di tích Thành Điện Hải-một hành động đánh giá là "lưu giữ ký ức" cho Đà Nẵng, "hy sinh" một khoảng thu ngân sách lớn để dành khu đất vàng, nhà làm việc của HĐND TP, làm bảo tàng, dành "đất vàng" cho phát triển văn hóa, lịch sử, cho mục đích công cộng, cùng với TT-Huế, quyết bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Hải Vân quan... mà theo cách nói của nhà giáo Huỳnh Văn Hoa: "Quan tâm đến văn hóa, lịch sử là cách đầu tư có hiệu quả nhất cho việc giáo dục nhân cách con người, đầu tư cho tương lai".
Rồi việc Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đã chọn 1 tác phẩm "Gia đình gà" của một học sinh lớp 2 đoạt giải trong cuộc thi vẽ tranh cấp TP để làm bưu thiệp chúc mừng Xuân 2017... Hay việc Thành ủy Đà Nẵng chọn vọoc chà vá chân nâu ”- tại bán đảo Sơn Trà – một loại linh trưởng thuộc loại quý hiếm, có tên trong “danh sách đỏ thế giới” để làm hình ảnh nhận diện Đà Nẵng nhân sự kiện APEC 2017.
Việc chọn “nữ hoàng” của các loài linh trưởng để làm biểu tượng mới của Đà Nẵng không chỉ thể hiện quyết tâm bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ hệ sinh thái độc đáo ở Sơn Trà, mà còn tỏ rõ thái độ ứng xử nhân văn, có trách nhiệm đối với môi trường. Hình ảnh này đưa ra một thông điệp: “Người Đà Nẵng thân thiện, nhân ái và sống hòa đồng với vạn vật” .
Vận hội mới
Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra vào tháng 11.2017, trong đó sự kiện quan trọng nhất là Hội nghị Cấp cao với sự tham dự của các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên và hàng nghìn đại biểu chính thức, phóng viên báo chí nước ngoài và các nhà doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao, tại Đà Nẵng cũng sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp, Đối thoại của lãnh đạo Cấp cao với các nhà lãnh đạo ABAC và Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế. Việc lựa chọn Đà Nẵng để tổ chức Tuần lễ Cấp cao của nền kinh tế chủ nhà đăng cai APEC góp phần quyết định sự thành công tuyệt đối của chuỗi sự kiện trọng tâm này nói riêng và toàn bộ hoạt động của Diễn đàn nói chung.
Để đáp ứng các yêu cầu cao cho sự kiện này, Đà Nẵng phải bảo đảm cơ sở hạ tầng hiện đại và phát triển, giao thông thuận tiện, cơ sở lưu trú và dịch vụ phong phú, đạt chuẩn, đồng thời đảm bảo an ninh an toàn và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết: "Với quy mô và tầm quan trọng của Tuần lễ Cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn APEC, sự kiện kinh tế lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có thể nói Đà Nẵng đang chạm tới một cơ hội chiến lược để khẳng định vai trò và vị thế của mình trong nước và quốc tế.
Có một điều chắc chắn rằng, cơ hội này không phải lẽ đương nhiên, mà chính là thành quả từ những chính sách bứt phá của thành phố trong hơn hai thập kỷ qua. Việc thực hiện linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương; khai thác hiệu quả tiềm năng, nguồn lực của địa phương; triển khai nhiều chính sách đúng đắn, hợp lòng dân đã tạo bước đệm để Đà Nẵng đẩy nhanh nhịp độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đà Nẵng đã và đang chuyển dịch tích cực cơ cấu kinh tế và trọng tâm thu hút đầu tư sang các ngành dịch vụ, du lịch, tăng trưởng xanh, công nghiệp công nghệ cao, có nhiều đột phá trong công tác quy hoạch và phát triển hạ tầng đô thị. Đà Nẵng tự hào 6 lần dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và 3 năm liên tiếp giữ vị trí quán quân từ 2013-2015".
Ông Thơ khẳng định, đây sẽ là một cơ hội lớn để Đà Nẵng thể hiện cho thế giới thấy tiềm năng của TP như một cửa ngõ trung tâm quan trọng cho du lịch và đầu tư. Các vị khách quốc tế sẽ được tận mắt chứng kiến sự năng động, đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng, cũng như thưởng thức vẻ đẹp tự nhiên và con người Đà Nẵng.
Mặc dù vậy, để vị thế của Đà Nẵng có thể sánh ngang với các thành phố đăng cai Tuần lễ Cấp cao APEC từ trước đến nay, cần có những chính sách chiến lược để tận dụng tối đa lợi thế từ bước ngoặt này, đồng thời mở ra một chương mới cho tương lai phát triển của Đà Nẵng.
Chỉ trong vòng 20 năm chia tách tỉnh, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, quy mô dân số tăng gần gấp đôi, xấp xỉ 1 triệu dân. Diện tích TP mở rộng từ 5.000ha lên thành 25.000ha, tăng đến 25 lần. Đặc biệt, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng gấp 6 lần so với thời điểm 1997. Từ một đô thị nghèo nàng, mờ nhạt trên bản đồ miền Trung, đến nay, Đà Nẵng được biết đến như một đầu tàu kinh tế của cả khu vực |
Theo Thanh Hải (Lao động)