.
ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

.

Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy ban hành cuối năm 2016 về phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển huyện Hòa Vang những năm tiếp theo đã giao nhiệm vụ cho Đảng bộ, chính quyền địa phương đến năm 2020 phải bảo đảm giá trị nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế đạt 12%. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chế biến hàng nông sản. Đây là nhiệm vụ then chốt nhưng đặt ra nhiều thách thức, do vậy ngay từ bây giờ, địa phương xây dựng chương trình hành động bám sát thực tiễn để hướng đến mục tiêu phát triển nông thôn Hòa Vang giàu đẹp, bền vững.

Quy hoạch những cánh đồng mẫu lớn

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Thanh Hòa, một trong những yếu tố then chốt để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là phải có những cánh đồng mẫu lớn để doanh nghiệp và người nông dân đầu tư sản xuất quy mô hơn; bởi rất khó ứng dụng công nghệ cao khi sản xuất chỉ vài sào rau hay vài chục chậu hoa.

Nắm bắt yêu cầu đó, thành phố đã quy hoạch ở huyện Hòa Vang khoảng 250ha đất sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao. Theo Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường, song song với xây dựng nông thôn mới, từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn đã hình thành một số vùng sản xuất có ứng dụng công nghệ cao như: nhà lồng, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, bón phân hữu cơ từ nuôi cấy vi sinh, thủy canh…

Nổi bật là vùng rau an toàn Phú Sơn Nam với tổng diện tích hơn 15ha tại xã Hòa Khương. Mỗi năm vựa rau này cho năng suất bình quân 30 đến 50 tấn/vụ/ha, doanh thu 480 triệu đồng/ha, lợi nhuận từ 200 đến 250 triệu đồng/ha. Tại đây, có 3 doanh nghiệp bỏ vốn hàng tỷ đồng đầu tư hệ thống sản xuất, đóng gói hiện đại để đưa đi tiêu thụ trong và ngoài thành phố.

Anh Nguyễn Hữu Thịnh, chủ cơ sở sản xuất rau với diện tích 3ha tại khu vực này cho biết, nếu huyện tiếp tục tạo điều kiện để hình thành cánh đồng mẫu lớn, trong năm 2017, anh sẽ đầu tư hàng tỷ đồng để mở rộng sản xuất lên quy mô 10ha có ứng dụng nhà lưới, tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel.

Đầu năm 2016, tại xã Hòa Ninh, vùng trồng hoa ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư hơn 800 triệu đồng được đưa vào sản xuất thử nghiệm; doanh thu dự kiến khoảng 600 triệu đồng/năm. Đây là mô hình trồng hoa chuyên canh sản xuất hoa quanh năm tương tự các vùng trồng hoa thương phẩm ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Anh Nguyễn Ngọc Chương, chủ cơ sở này chia sẻ, nếu được giao thêm diện tích đất, anh sẽ huy động vốn để mở rộng sản xuất mỗi năm từ 15.000 đến 20.000 chậu hoa so với 10.000 chậu như hiện nay.

Tăng giá trị trên cùng diện tích đất

Theo ông Trần Văn Trường, khi doanh nghiệp tìm cơ hội sản xuất quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao thì huyện đã chủ động đối thoại, tìm hiểu tâm tư và quy mô sản xuất, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Hiện nay, đã có doanh nghiệp đầu tư vốn để trồng 10ha bưởi da xanh tại xã Hòa Ninh. Bên cạnh đó, một doanh nghiệp dược đã lựa chọn xã Hòa Phú để trồng 10ha cây dược liệu. Nếu trồng thành công, đây sẽ là những cú hích lớn để Hòa Vang tạo được thương hiệu cho một số loại hoa, rau an toàn và cây dược liệu với sản lượng lớn.

Trăn trở của chính quyền địa phương và doanh nghiệp hiện nay ngoài công nghệ đó chính là vốn và nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nói như ông Mạc Như Sỹ, một nông dân sản xuất gần 0,5ha rau ăn trái tại thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn đó là rất “khát vốn” để đầu tư mở rộng sản xuất.

Hiện nay, thu nhập của ông Sỹ đạt khoảng 5,2 triệu đồng/sào/năm. Mức doanh thu này khá cao so với trồng lúa nhưng vẫn còn thấp nếu so sánh trên cùng diện tích đất ở vùng rau Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương. Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Nguyễn Tấn Phát, vấn đề đặt ra là 36 hộ nông dân trồng rau chuyên canh tại các vùng rau Ninh An, Thạch Nham Tây, Phước Hưng Nam thuộc xã Hòa Nhơn rất cần được hỗ trợ vốn để mở rộng sản xuất lên quy mô từ 1ha đến 3ha.

“Do áp dụng công nghệ sản xuất nhà lưới và không sử dụng thuốc trừ sâu nên rau tại các vùng này sản xuất đến đâu tư thương đến lấy hàng tiêu thụ đến đó. Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng chính quyền địa phương vẫn trăn trở là làm sao tăng giá trị trên cùng một diện tích đất. Đó mới thật sự là bài toán để tăng thu nhập cho người nông dân”, ông Nguyễn Tấn Phát cho biết.

Ông Trần Văn Trường khẳng định, để triển khai hiệu quả Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, năm 2017, huyện Hòa Vang chọn chủ đề “Năm Nông nghiệp” với các kế hoạch cụ thể, trong đó chú trọng và khuyến khích ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, mang lại sản phẩm nông nghiệp sạch.

Trước mắt, địa phương quy hoạch và chuyển đổi một số vùng sản xuất không hiệu quả, năng suất thấp sang trồng các loại rau và cây ăn trái; phối hợp với thành phố để thúc đẩy kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản, bởi nếu chỉ để người nông dân sản xuất thì sẽ khó ứng dụng công nghệ cao và cho sản phẩm với số lượng lớn cung ứng ra thị trường.

Việt Dũng

;
.
.
.
.
.