Chính trị - Xã hội
Giám sát để bảo đảm phát triển đô thị theo chiều sâu
Năm 2017, lần đầu tiên Thường trực HĐND thành phố triển khai giám sát chuyên đề “Công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. “Để chỉ ra được những bất cập và có kiến nghị chính xác làm chuyển biến công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị đòi hỏi rất cao về chất lượng hoạt động giám sát. Biết rằng đây là vấn đề khó, lần đầu tiên làm nhưng Thường trực HĐND thành phố đặt quyết tâm phải làm được”, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố, Phó đoàn giám sát Tô Văn Hùng khẳng định.
Giám sát chuyên đề nhằm đưa ra những kiến nghị giải quyết bất cập trong quản lý quy hoạch đô thị. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
* Vì sao Thường trực HĐND thành phố lại chọn vấn đề công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị để giám sát chuyên đề, thưa ông?
- Sau 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, chúng ta gặt hái nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội, trong đó phải kể đến sự thành công trong công tác quy hoạch, đây là nền tảng rất quan trọng góp phần cho những thành tựu đó.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy còn khá nhiều bất cập, nhất là chiến lược phát triển đô thị được cụ thể hóa bằng các đề án quy hoạch ngành, đồ án quy hoạch chi tiết có tình trạng mất kiểm soát, thiếu khớp nối mang tính hệ thống giữa các lĩnh vực; điều này sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ đồ án quy hoạch chung.
Đặc biệt, qua giám sát thực tế, chúng tôi nhận thấy Đà Nẵng hiện còn khá nhiều tồn tại như: việc lập quy hoạch chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về lấy ý kiến nhân dân; nhiều đồ án quy hoạch chi tiết phải chỉnh sửa nhiều lần do không đảm bảo chất lượng, thiếu tính dự báo, tính đồng bộ, tính khả thi... làm ảnh hưởng đến tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt đồ án; nguy cơ ùn tắc giao thông, thiếu công viên cây xanh, thiếu nhà trẻ, trường học; nhiều khu dân cư vẫn còn tình trạng ngập úng do hạ tầng kỹ thuật không đạt chuẩn mà nguyên nhân là việc tuân thủ các quy chuẩn, quy phạm trong quá trình triển khai các đồ án quy hoạch chưa bảo đảm.
Bên cạnh đó, sau 20 năm xây dựng, đô thị Đà Nẵng mặc dầu được đánh giá là phát triển vượt bậc cả về quy mô lẫn chất lượng, nhưng trước những đòi hỏi không ngừng của thực tiễn, đô thị không chỉ dừng lại ở việc phát triển theo chiều rộng, mà phải phát triển chiều sâu, nghĩa là chất lượng cuộc sống, cảnh quan, môi trường và tiện nghi đô thị phải được chú trọng…
Thường trực HĐND thành phố chọn vấn đề công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị để giám sát chuyên đề là quyết định rất kịp thời, được cân nhắc rất kỹ và cấp thiết trong tình hình hiện nay.
* Quy hoạch là vấn đề rất rộng và thành phố đã thực hiện quy hoạch chung đã tròn 20 năm, vậy phạm vi của cuộc giám sát chuyên đề này đến đâu, phương thức giám sát như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi xác định rất rõ phạm vi giám sát, cụ thể tập trung vào những vấn đề chính như sau: Việc triển khai quy hoạch chung được phê duyệt tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; quá trình triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch ngành/lĩnh vực; việc triển khai thực hiện các dự án; quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch; công tác khớp nối quy hoạch và quản lý sau quy hoạch.
Về phương thức giám sát, chúng tôi dựa trên các phương thức cơ bản đảm bảo tính khoa học, cụ thể: phương thức trực tiếp là kiểm tra thực tế, rà soát, tham chiếu với các quy chuẩn quy phạm hiện hành đối với một số đồ án quy hoạch chi tiết; phương thức gián tiếp là phân tích, đánh giá các báo cáo; tổ chức các hội thảo chuyên đề, phỏng vấn, điều tra xã hội học…
* Trong dự kiến thành viên của Đoàn giám sát chỉ có 2 người có chuyên môn liên quan đến quy hoạch, kiến trúc. Vậy làm sao để cuộc giám sát này đạt được hiệu quả cao, chỉ ra những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị?
- Cần khẳng định lại rằng, chúng tôi thực hiện nhiệm vụ giám sát công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị chứ không thực hiện công tác chuyên môn quy hoạch đô thị. Bên cạnh đó, như chúng ta đã biết, thực hiện quy hoạch đô thị không chỉ có các kiến trúc sư, kỹ sư mà rất cần đến các chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội…
Đoàn giám sát chúng tôi ngoài 2 thành viên thuộc Ban Đô thị có chuyên môn về lĩnh vực đô thị, các thành viên còn lại hoàn toàn phù hợp với chức năng giám sát các lĩnh vực khác, nhất là có sự tham gia của các Chủ tịch HĐND quận, huyện bảo đảm tính sâu sát trong đánh giá. Đồng thời, chúng tôi chủ động mời nhiều chuyên gia khác, do đó tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra.
* Tại cuộc họp triển khai kế hoạch giám sát vừa qua có ý kiến cho rằng khi quy hoạch thì công khai nhưng khi điều chỉnh quy hoạch thì không ai được biết. Cuộc giám sát lần này có chỉ ra những điều chỉnh thiếu công khai này không?
- Tôi nhắc lại, nội dung giám sát chuyên đề lần này là công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch. Đây là một trong những nội dung mà chúng tôi sẽ làm, trong đó chú trọng tính công khai và minh bạch các quy trình, quy chế quản lý và các thủ tục hành chính trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị nhằm thực hành dân chủ và nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch.
Ngoài ra, Đoàn giám sát sẽ chú trọng giám sát quá trình triển khai các dự án quy hoạch, có hay không tình trạng nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thực hiện công vụ ở các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực quản lý đô thị của thành phố và UBND các cấp.
Nếu phát hiện ra các tồn tại, nhất định sẽ được chúng tôi kiến nghị, yêu cầu xử lý trách nhiệm một cách cụ thể và sớm có biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
* Quốc hội đang thảo luận xây dựng Luật Quy hoạch và có bàn về xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể xây dựng ra những sản phẩm quy hoạch không tốt, gây hại cho nền kinh tế. Quy hoạch tốt rồi nhưng lại để diễn ra tình trạng băm nát, “lái” quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện. Vậy mục tiêu Nghị quyết về giám sát chuyên đề của HĐND thành phố sẽ điều chỉnh những bất cập gì trong công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị của thành phố?
- Bất cập gì, bất cập ở đâu, có tiêu cực hay không trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch, trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào, chúng tôi sẽ có báo cáo cụ thể sau khi kết thúc quá trình giám sát theo kế hoạch đã đề ra và sẽ công bố trong kỳ họp HĐND thành phố giữa năm 2017.
Quá trình giám sát nếu phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, Thường trực HĐND thành phố cũng có thể tiếp tục triển khai chuyên đề giám sát khác nhằm đạt được mục tiêu đề ra là chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác quản lý quy hoạch của thành phố trong thời gian đến.
* Cảm ơn ông!
SƠN TRUNG thực hiện