Ngày 22-2, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo
lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Quy hoạch.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, các nội dung của dự thảo Luật Quy hoạch phải phù hợp, thống nhất với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong cùng giai đoạn phát triển; nội dung quy hoạch thời kỳ sau phải kế thừa những nội dung còn phù hợp của quy hoạch thời kỳ trước; nội dung của từng loại quy hoạch phải thống nhất, liên kết với nhau và được thể hiện trên hệ thống sơ đồ, bản đồ quy hoạch.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, quy hoạch sử dụng đất là việc tìm phương án sử dụng đất tốt nhất để thể hiện nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không phải để thỏa mãn nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực như Việt Nam đang làm hiện nay. Như vậy, quy hoạch sử dụng đất phải được xây dựng đồng thời với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Còn theo PGS.TS - kiến trúc sư Trần Trọng Hanh, định nghĩa quy hoạch nên làm chính xác lại: “Quy hoạch là việc phân bổ, tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, dân cư, kết cấu hạ tầng xã hội và kỹ thuật, sử dụng hợp lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, an ninh, quốc phòng trên phạm vi các cấp lãnh thổ cá nước, vùng, tỉnh và đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững do Nhà nước đặt ra ở thời kỳ xác định”.
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, sau một thời gian dài, Việt Nam không có các văn bản pháp luật riêng về biển. Đến nay, chúng ta vẫn còn 15 bộ, ngành có thẩm quyền theo nhiệm vụ phân công về quản lý biển, đảo. Tuy nhiên, chưa có cơ quan quản lý tập hợp và thống nhất quản lý Nhà nước về biển. Do đó, chúng ta cần có một quy hoạch tổng thể.
Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, quy hoạch là một công cụ hết sức quan trọng của Nhà nước. Dự án Luật Quy hoạch ra đời nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động quy hoạch trên cơ sở khắc phục các tồn tại, yếu kém của hoạt động quy hoạch và đổi mới phương pháp, nội dung quy hoạch để đáp ứng được các yêu cầu, thách thức trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, dự án Luật Quy hoạch sẽ góp phần thay đổi phương thức quản lý Nhà nước theo hướng Nhà nước kiến tạo và phục vụ. Theo đó, Nhà nước chỉ quy hoạch những ngành hạ tầng thiết yếu trên cơ sở tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường.
TTXVN