.

Nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh

.

Những năm qua, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tìm kiếm nguồn tài trợ, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố đã giúp những nạn nhân chất độc da cam có điều kiện sống tốt hơn.

Những nạn nhân chất  độc da cam có điều kiện sống tốt hơn nhờ Hội Nạn nhân chất độc da cam khéo làm dân vận.
Những nạn nhân chất độc da cam có điều kiện sống tốt hơn nhờ Hội Nạn nhân chất độc da cam khéo làm dân vận.

Một buổi sáng thứ bảy, ông Harold Chan Soo York, du khách người nước ngoài đến với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố (viết tắt là Hội NNCĐDC) bày tỏ nguyện vọng được chia sẻ nỗi bất hạnh của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin và mong muốn được trực tiếp đến từng nhà để thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh, điều kiện sống của các nạn nhân da cam.

Nghe vị khách nước ngoài trình bày, Hội NNCĐDC không chần chừ, liền dẫn ông đi thăm 10 gia đình hiện có nạn nhân chất độc da cam ở huyện Hòa Vang. Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội NNCĐDC thành phố, tâm sự: “Bất cứ ai đến với Hội NNCĐDC, chúng tôi đều tiếp đón trọng thị và vui vẻ với mong muốn ngày càng có nhiều người hiểu rõ, cảm thông và chia sẻ hơn với những nạn nhân chất độc da cam”.

Trong chuyến hành trình một ngày ấy, cán bộ, nhân viên của Hội NNCĐDC đã kể cho người khách này nghe về những câu chuyện phía sau thảm họa da cam, về những chương trình, hoạt động sắp đến của Hội. “Thấy vị khách xúc động, nặng lòng với nỗi đau da cam, chúng tôi mời ông hôm sau, hôm sau nữa đi cùng để tham dự các buổi lễ bàn giao bò, heo cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam. Thông qua đó, chúng tôi giới thiệu ông làm quen, kết nối với các tổ chức nước ngoài đang song hành với Hội NNCĐDC giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân da cam để ông hiểu hơn về những việc làm Hội đang thực hiện”, bà Hiền kể lại.

Nhờ sự vận động khéo léo của Hội NNCĐDC, ông Harold Chan Soo York đã dành tặng chiếc máy MRI (máy chụp cộng hưởng từ) và một số thiết bị y tế trị giá hơn 37 tỷ đồng để điều trị miễn phí cho nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, người nghèo. Không những vậy, ông còn hỗ trợ kinh phí gần 1,4 tỷ đồng để xây dựng khu nhà nội trú dành cho nạn nhân da cam bất động tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang; chi gần 36.000 USD/năm để duy trì hoạt động của khu nội trú này.

Ngoài những tổ chức, cá nhân tự nguyện tìm đến với Hội và để có được kinh phí, những công trình, dự án dành riêng cho nạn nhân da cam, các cán bộ, hội viên của Hội NNCĐDC đã không quản ngại đường xa để kết nối những mảnh đời bất hạnh với các mạnh thường quân; tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, trên diễn đàn, tại buổi hội nghị, ở những chương trình văn nghệ để kêu gọi cộng đồng cùng sẻ chia với nỗi đau da cam.

Bà Nguyễn Thị Hiền cho biết: “Những năm qua, công tác dân vận của Hội NNCĐDC chủ yếu tập trung vào việc xác lập niềm tin, kết nối các nhà tài trợ đến với những con người thật, mời họ cùng tham gia những công việc thật. Do đó, dân vận trong công tác gây quỹ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam không chỉ đòi hỏi sự nhiệt tình mà còn yêu cầu cao đức tính nhẫn nại, kiên trì”.

Với sự nhiệt tâm, những thành viên của Hội NNCĐDC kiên trì thực hiện “sứ mệnh” của mình. Quả ngọt từ công tác dân vận là 1.310 nạn nhân chất độc da cam được trợ dưỡng thường xuyên; hơn 150 em là nạn nhân chất độc da cam, trẻ khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ NNCĐDC; gần 92 ngôi nhà tình thương cho gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn được xây mới và sửa chữa.

Ngoài ra, gần 4.000 trẻ khuyết tật và trẻ bị nghi phơi nhiễm chất độc dioxin được hỗ trợ khám, chữa bệnh miễn phí; gần 300 gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn tại các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang được hỗ trợ vốn để sản xuất chăn nuôi bò, heo… Có thể thấy, nhờ khéo tuyên truyền, vận động, Hội NNCĐDC thành phố đã góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tác hại, hậu quả của chất độc da cam; qua đó, tạo sự cảm thông, chia sẻ của xã hội, thúc đẩy và nhân rộng phong trào chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam.

Bài và ảnh: NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.