Chính trị - Xã hội
Người có lòng tự trọng không đi xin bằng khen
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng trung ương đã nhấn mạnh điều này khi chủ trì hội nghị ngày 23-2 tổng kết năm 2016 và phương hướng năm 2017 của Hội đồng.
Thủ tướng nói rằng khen thưởng nên hướng vào người lao động, đồng bào vùng sâu, vùng xa, đừng khen lãnh đạo nhiều quá (trong ảnh: Thủ tướng gặp gỡ công nhân nông nghiệp tại Hà Nam) - Ảnh: Tuổi trẻ |
Người tốt không đi xin được khen mà phải tìm đến họ
Định hướng nhiệm vụ năm 2017 trong bối cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng nêu rõ: Tinh thần mà Hội đồng đặt ra là “càng khó khăn thì càng phải thi đua” với mục tiêu là hoàn thành toàn diện nhiệm vụ, kế hoạch kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước năm 2017.
Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về TĐKT.
Các phong trào thi đua phải có mục tiêu thiết thực, cụ thể, “đừng có hô hào suông mà phải gắn với thực tiễn cuộc sống”. “Làm sao chấm dứt hình thức, đi vào thực chất là vấn đề đặt ra rất lớn”, Thủ tướng nói.
Cùng với các đợt phát động thi đua chung, cần phát động phong trào thi đua theo chuyên đề; tiếp tục đổi mới toàn diện, sáng tạo trong tổ chức các phong trào thi đua.
Khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, tác động đến đời sống người dân làm thước đo khen thưởng. Phải hướng vào công nhân, người sản xuất, lao động trực tiếp.
Nhấn mạnh việc chủ động tìm kiếm, phát hiện người tốt, việc tốt, Thủ tướng nói: “Người tốt thì họ có lòng tự trọng, không đi xin được khen mà chính chúng ta phải đến tìm họ để khen, biểu dương kịp thời với hình thức thích hợp”.
Có hình khen thưởng vinh danh nhà khoa học nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phát triển khoa học công nghệ; lao động giỏi, lao động sáng tạo, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Với mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, theo Thủ tướng, phải đặt vấn đề chú trọng khen thưởng, tôn vinh doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội, cho cộng đồng, giải quyết việc làm, đặc biệt là khuyến khích khởi nghiệp, nhất là trong lớp trẻ, thanh niên nông thôn.
TĐKT cũng phải chú trọng hơn nữa vào tôn vinh giá trị nhân văn, văn minh tiến bộ, kể cả việc bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống người nghèo, người khuyết tật, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai. “Kinh tế thị trường chứ không phải xã hội thị trường, không phải chạy theo đồng tiền mà cái chính là bảo đảm giá trị nhân văn của con người, kính già yêu trẻ, quan tâm người nghèo, vùng khó khăn…Chúng ta nói đến tăng trưởng bao trùm trong phát triển chứ không phải tăng trưởng dành cho một bộ phận. Người dân được gì mới là quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu TĐKT gắn với nâng cao đạo đức, thái độ trách nhiệm thực thi công vụ bởi “nhân dân đang mong chờ việc này rất lớn”.
“Khi ông có chức, có quyền rồi thì thái độ dễ thay đổi lắm. Người xưa có câu “Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng” rồi. Cần khắc phục cái này để nhân dân tin yêu đội ngũ chúng ta, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở. Môi trường đầu tư có thay đổi hay không chính là do hệ thống của chúng ta”.
Thủ tướng yêu cầu tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, pháp luật về TĐKT, chú trọng chất lượng, thực chất, chống tình trạng lan tràn, hình thức. Khen thưởng nhiều nhưng kết quả công việc trong ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương vẫn chuyển biến chậm, hiệu quả thấp là không thể chấp nhận được.
Nội dung TĐKT bám sát, gắn chặt hơn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã và xây dựng văn hóa. Gắn với thành tích giải quyết các vấn đề lớn, bức xúc, cấp thiết của xã hội, cộng đồng, lĩnh vực, ngành; với những sáng kiến tốt, phục vụ tận tâm người dân, doanh nghiệp.
TĐKT gắn với kết quả thực hiện công tác, nhiệm vụ được giao. TĐKT phải công khai minh bạch, không làm tốt sẽ phát sinh mâu thuẫn nội bộ.
Nhấn mạnh vai trò công tác tuyên truyền, Thủ tướng nêu rõ, phải có chương trình đồng bộ trong tôn vinh, nhân rộng, tạo sức lan tỏa toàn xã hội về gương người tốt, việc tốt, phong trào tốt. Báo chí từ Trung ương đến địa phương phải dành một thời lượng cần thiết cho vấn đề này. Ban TĐKT các cấp chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông.
Trong năm nay là năm kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, Thủ tướng yêu cầu, phải giải quyết dứt điểm việc phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và khen thưởng thành tích kháng chiến. Tổ chức tốt Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc.Sau khi nghe các ý kiến thành viên Hội đồng, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) là không chỉ tôn vinh những cá nhân tốt, cách làm hay mà còn là một thiết chế tinh thần quan trọng, góp phần cùng thiết chế pháp luật để quản lý xã hội. Chúng ta xây dựng xã hội văn minh tiến bộ thì phải có pháp luật tốt, thể chế tốt, đồng thời cũng cần có các cuộc vận động đề cao giá trị đạo đức, chuẩn mực văn minh tiến bộ, trong đó công tác TĐKT có vai trò rất lớn.
Còn tình trạng “đã phát nhưng chưa động”
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra các mặt tồn tại, bất cập của công tác TĐKT như “người ta hay nói và thực tế vẫn còn là nhiều nơi “đã phát nhưng chưa động”, hoặc chưa động nhiều”; hình thức còn nặng hơn nội dung ở một số nơi; có trường hợp khen chưa sát, chưa đúng.
“Tôi lấy ví dụ về vấn đề mà dư luận đang xôn xao, là giải thưởng nhà nước trong lĩnh vực văn học, cho giới văn nghệ sĩ. Có câu hỏi rất lớn là tại sao Xuân Quỳnh, Thu Bồn chưa được khen? Do thủ tục, cách làm hay do chủ quan của bộ phận làm TĐKT?”, Thủ tướng nói và cho biết đã yêu cầu Bộ VHTT&DL báo cáo Chủ tịch nước, Thủ tướng về vấn đề này.
Công tác tuyên truyền về người tốt, việc tốt, tấm gương tốt, cách làm tốt, sáng tạo mới chưa đúng mức, giới thiệu cho công chúng còn ít.
Kinh nghiệm rút ra là gì? Thủ tướng cho rằng, để phong trào thi đua tiếp tục phát triển sâu rộng thì cần phải đa dạng hình thức, có nhiều đổi mới, sáng tạo; tiêu chí và nội dung thi đua rõ ràng, cụ thể, thiết thực.
“Điều đặc biệt, muốn thành công, một kinh nghiệm lớn là phát huy vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể”, Thủ tướng nói.
“Nếu chúng ta không đổi mới tốt, không lo làm ăn, không hội nhập tốt, nếu không có người tốt và cách làm tốt thì đất nước khó thành công”, Thủ tướng nói.
Nhìn lại kết quả công tác TĐKT năm 2016, Thủ tướng nêu ra 6 thành công và một số tồn tại, kinh nghiệm để làm tốt hơn trong năm 2017.
Theo Chinhphu.vn