Với phương châm gắn kết chương trình “Thành phố 4 an”, chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có” với các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, phát động các phong trào thi đua yêu nước, tổ chức tuyên truyền sâu rộng chương trình “Thành phố 4 an” đến toàn thể đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương này.
Mặt trận góp phần tích cực vào tuyên truyền, vận động thực hiện “Thành phố 4 an”; trong đó có an toàn giao thông. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Trong những năm qua, chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có” huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, đem lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân thành phố Đà Nẵng và được cả nước biết đến như một điểm sáng.
Ngày 30-11-2016, Thành ủy ra Quyết định số 2526-QĐ/TU ban hành Đề án thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 (An toàn thực phẩm, An ninh trật tự, An toàn giao thông và An sinh xã hội).
Đây là chủ trương đậm tính nhân văn, rất hợp lòng dân và đáp ứng sự mong đợi, kỳ vọng của nhân dân thành phố. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận thành phố khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ, chủ động phối hợp, vận động các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, dân tộc thiểu số, tôn giáo, kiều bào... góp phần thực hiện thành công chương trình “Thành phố 4 an”.
Với phương châm gắn kết chương trình “Thành phố 4 an”, chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có” với các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, phát động các phong trào thi đua yêu nước, tổ chức tuyên truyền sâu rộng chương trình “Thành phố 4 an” đến toàn thể đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương này.
Trên lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự, Mặt trận các cấp tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, chủ động nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động làm mất an ninh trật tự tại khu dân cư, làm tốt công tác quản lý cư trú ở địa bàn dân cư, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Duy trì và nhân rộng các mô hình “Tổ dân phố, thôn không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Tộc họ không có người vi phạm pháp luật”, “Khu liền kề, chung cư văn hóa”, “Mỗi sinh viên, công nhân tạm trú là một công dân tại khu dân cư”, “Cụm dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy”, “Tổ xe thồ tự quản”, “Câu lạc bộ sau cai”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Giáo họ không có người vi phạm an ninh trật tự”... Các mô hình này đã và đang phát huy tác dụng, huy động được sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn khu dân cư.
Mặt trận và các tổ chức thành viên thường xuyên vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đẩy mạnh, đổi mới các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông. Vận động nhân dân thực hiện văn hóa giao thông, không lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; vận động nhân dân tháo dỡ lều quán, bảng hiệu lấn chiếm hành lang lộ giới.
Thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông; gắn tiêu chí xây dựng gia đình, khu dân cư bảo đảm an toàn trật tự giao thông với tiêu chuẩn xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”; phát động, hướng dẫn, tổ chức để nhân dân và các khu dân cư ký cam kết “Khu dân cư, gia đình bảo đảm trật tự an toàn giao thông”.
Chủ tịch UBMTTQVN thành phố Đặng Thị Kim Liên thăm hỏi, động viên và tặng quà cho bà con người Hoa tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Đối với an toàn thực phẩm (ATTP), Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và UBND thành phố ký kết Chương trình phối hợp “Vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020”. Mục đích của chương trình nhằm vận động mỗi cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và toàn xã hội nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tạo chuyển biến căn bản trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở hình thành nếp sống văn hóa: Nông dân Việt Nam là người sản xuất thực phẩm an toàn, người Việt Nam tiêu dùng thực phẩm phải an toàn, góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Trong chương trình vận động, giám sát về ATTP, Mặt trận sẽ tập trung vào việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, để người sản xuất thấy được họ vừa là người làm ra thực phẩm nhưng cũng vừa là người tiêu dùng. Đây là cách để Mặt trận đồng hành với các cơ quan quản lý Nhà nước trong cuộc chiến với thực phẩm bẩn. Mặt trận các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo đảm ATTP; phát động phong trào “Khu dân cư nói không với thực phẩm bẩn”; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi không sử dụng chất cấm, không sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y không rõ nguồn gốc, xuất xứ và ngoài danh mục cho phép.
Xây dựng và nhân rộng mô hình các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; Tổ chức giám sát chấp hành pháp luật ATTP; Phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP; Tổ chức tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị, phát giác của nhân dân đối với hành vi vi phạm ATTP.
Các Ban công tác Mặt trận khu dân cư và các tổ chức đoàn thể nắm danh sách các hộ gia đình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh thực phẩm để theo dõi, giám sát, đặc biệt là vận động nhân dân ngay tại khu dân cư giám sát phát hiện, lên án và phát giác kịp thời những hộ gia đình có hành vi sản xuất, chế biến thực phẩm không an toàn. Từ năm 2017, các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới’ “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị” phải bảo đảm tiêu chí “không vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Đối với công tác an sinh xã hội (ASXH), Mặt trận và các tổ chức thành viên tiếp tục vận động toàn xã hội đóng góp vào Quỹ “Vì người nghèo”. Từ nguồn quỹ này, Mặt trận các cấp tập trung hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; sửa chữa, xây mới nhà gia đình chính sách; hỗ trợ khám, chữa bệnh, học sinh con hộ nghèo có điều kiện đến trường; hỗ trợ giúp trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh có điều kiện phẩu thuật; tiếp sức học sinh có nguy cơ bỏ học tiếp tục đến trường; giúp đỡ hộ nghèo phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống... góp phần to lớn cùng với Đảng bộ, chính quyền giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội của thành phố.
Năm 2016 là năm đầu tiên thành phố thực hiện Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, theo đó mức chuẩn nghèo mới 1.300.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị và 1.100.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn.
Với mức chuẩn nghèo này, toàn thành phố có 23.276 hộ nghèo cần được hỗ trợ và tiếp cận các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Trong năm 2016, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp thành phố vận động được hơn 31 tỷ đồng, từ đó hỗ trợ xây mới và sửa chữa được 607 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, 65 nhà gia đình chính sách; hỗ trợ cho 136 người, khám chữa bệnh, 698 hộ nghèo phát triển sản xuất, 1.185 em học sinh con hộ nghèo; ngoài ra còn giúp trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh có điều kiện phẩu thuật, tiếp sức cho hàng trăm học sinh, sinh viên đến trường.
Ngoài ra, Mặt trận các cấp còn vận động nhân dân thực hiện công tác bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh; vận động các tôn giáo cùng chung tay bảo vệ môi trường. Duy trì và nhân rộng các mô hình như: “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Khu dân cư thân thiện môi trường”, “Tuyến đường văn minh”, “Tổ dân phố, thôn không rác”, mô hình “3 giảm trong việc tang”...
Những nỗ lực của các cấp Mặt trận thành phố trong thời gian qua đã góp phần nâng cao dân sinh, dân trí, dân chủ ngay tại địa bàn khu dân cư, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thành phố; phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được đẩy mạnh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, chính trị ổn định; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân thành phố được củng cố, mở rộng; sự đồng thuận xã hội ngày càng tăng, mối quan hệ, gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng, chính quyền ngày càng bền chặt.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, các cấp Mặt trận thành phố tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” gắn với chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố đạt được mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng “giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại”.
Đặng Thị Kim Liên
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng