Chính trị - Xã hội

Phát triển nền nông nghiệp đô thị

16:06, 17/02/2017 (GMT+7)

Sau 20 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, đến nay, cơ cấu kinh tế của thành phố đã chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Điều đó phù hợp với tình hình đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp.

Tuy nhiên, để có nền nông nghiệp phát triển, bên cạnh việc đầu tư có chiều sâu về khoa học kỹ thuật, cần tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp; có nghĩa rằng, nền nông nghiệp phát triển theo hướng “tăng tinh giảm thô”, “nông nghiệp đô thị” mang đậm dấu ấn của khoa học kỹ thuật tiên tiến…

Nhìn lại chặng đường phát triển nông nghiệp những năm qua của Đà Nẵng, tuy xếp vị trí cuối trong cơ cấu kinh tế của thành phố, nhưng không thể phủ nhận sự chuyển dịch theo chiều sâu cũng như sự nâng cao về giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp. Nhiều mô hình chuyên canh cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, sản xuất nấm ăn… có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao đã hình thành.

Thành phố cũng đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2016, xã cuối cùng là Hòa Bắc đã hoàn thành chuẩn xây dựng nông thôn mới. Diện mạo nông thôn đổi thay rõ nét; hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư khá đồng bộ; đường giao thông nông thôn cơ bản được bê-tông hóa, thảm nhựa; 100% hộ gia đình có điện sinh hoạt, hơn 83% hộ gia đình được dùng nước sạch.

Đời sống nông thôn, nông dân được cải thiện đáng kể. Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước miễn hoàn toàn thủy lợi phí cho nông dân…

Tuy nhiên, thực tế, nông nghiệp - nông thôn của Đà Nẵng chủ yếu tập trung ở huyện Hòa Vang. Diện tích đất tự nhiên của Hòa Vang là 73.488ha (chiếm 74,8% diện tích của Đà Nẵng), trong đó đất nông nghiệp 65.316ha, đất phi nông nghiệp 7.271ha và đất chưa sử dụng 901,7ha.

Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp Hòa Vang tăng bình quân 5,6%/năm, năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt khá, từng bước phát triển theo hướng hàng hóa phục vụ đô thị, ứng dụng công nghệ cao. Theo thống kê, toàn huyện có hơn 50 mô hình sản xuất đem lại thu nhập cao cho người dân như: mô hình trồng hoa Hòa Phước, Hòa Tiến, Hòa Ninh, Hòa Liên; mô hình trồng nấm Hòa Phong, Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Ninh; mô hình trồng thanh long ruột đỏ Hòa Phú, Hòa Sơn; mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Nhơn; mô hình nuôi trồng thủy sản Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Liên, mô hình trồng cỏ nuôi bò Hòa Phú, Hòa Bắc…

Tuy vậy, nông nghiệp Hòa Vang tăng trưởng còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng dồi dào của huyện. Số hộ giàu nhờ sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, đa số đủ ăn, thoát nghèo. Trong các mô hình nông nghiệp đang phát triển ở Hòa Vang, chỉ duy nhất mô hình liên quan đến sản xuất lúa nhưng là lúa giống.

Điều đó chứng tỏ nông dân Hòa Vang không thể làm giàu nhờ cây lúa, ngoài trường hợp cá biệt làm lúa giống có đầu tư trọng điểm của Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa Tiến 1 trong nhiều năm qua. Trong khi đó, diện tích đất trồng lúa trên địa bàn huyện còn khá nhiều, trên 2.400ha nhưng đa số manh mún, phân tán.

Năng suất lúa bình quân hằng vụ, hằng năm khá cao nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao. Bên cạnh đó, cũng như các địa phương khác, Hòa Vang còn chịu tác động của các yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ra những tổn thất lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.

Mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp 4.690ha, nhưng diện tích trồng rau thực tế đem lại hiệu quả chưa đến 100ha và cũng chỉ đáp ứng chưa tới 10% nhu cầu rau, củ, quả của thành phố. Điều đó cho thấy, tuy Hòa Vang có lợi thế trong việc cung cấp nguồn thực phẩm cho nội thị Đà Nẵng nhưng chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu thực phẩm cho thành phố. Vì thế, nông nghiệp Hòa Vang cần xây dựng theo hướng nông nghiệp đô thị, hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.

Theo đó, phải sớm hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn và ổn định, đặc biệt là chuyên canh rau, củ, quả, nấm ăn và các loại hoa; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa, kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, mạnh dạn giảm diện tích lúa, màu kém hiệu quả.

Về lâu dài, cần tập trung tăng cường đầu tư nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, đầu tư các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm có trọng tâm, trọng điểm…

Bên cạnh việc khuyến khích, vận động các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở Hòa Vang, thành phố nên sớm xây dựng và ban hành một số cơ chế, chính sách như: thúc đẩy liên kết giữa nông dân với các chủ thể khác; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản.

Với thành quả đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện vào năm 2016, hy vọng nông nghiệp Hòa Vang sẽ được đầu tư trọng tâm, có chiều sâu và mang tính đột phá để khai thác hết tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đưa nông nghiệp, nông thôn Hòa Vang phát triển bền vững.

DÂN HÙNG

.