Cách đây khoảng 3 năm, chị Lê Thị K., nhân viên Công ty TNHH Công nghệ xanh An Thành, trong một chuyến xe từ Đà Nẵng trở về quê ở Quảng Ngãi đã phải xuống xe để vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (tỉnh Quảng Nam) vì hít quá nhiều khói thuốc trên xe.
Theo chị K., triệu chứng ban đầu là khó thở; sau đó, chân và tay co rút. Khi chuyển về điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, chị được các bác sĩ cho biết, với tiền sử bệnh hen, việc hít quá nhiều khói thuốc trên ô-tô rất độc hại vì có phân tử khí tinh xâm nhập sâu vào phổi nên khá khó khăn trong công tác điều trị.
Sau lần đó, chị không dám đi xe khách nữa, lần nào về quê chị cũng chỉ đi một phương tiện duy nhất là xe máy.
Không riêng trường hợp chị K., hiện nay, nhiều hành khách, nhất hành phụ nữ và trẻ em, khi đi xe khách đều phải hít khói thuốc. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hiền, gia đình có một cơ sở bán vải ở thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) nên hầu như tuần nào bà cũng đi về vài lần bằng xe buýt tuyến Đà Nẵng - Hội An. Lần nào cũng vậy, có người hút thuốc trên xe thì khi về nhà, bà Hiền phải uống thuốc. Bây giờ, hễ bước lên xe buýt, bà phải đeo khẩu trang và đề nghị được ngồi cạnh cửa sổ.
Đó chỉ là những tuyến đường ngắn, với những hành khách phải hít khói thuốc lá thụ động trên những chuyến xe đường dài thì đó là cả quá trình chịu đựng ghê gớm. Không ít người do không chịu được khói thuốc đã yêu cầu người hút tắt ngay thuốc lá, nếu họ vẫn tiếp tục hút thì nhờ phụ xe và tài xế lên tiếng.
Thế nhưng, một thực tế là trên những chuyến xe đường dài, chính tài xế và phụ xe lại là những người hút thuốc nhiều nhất. Theo tâm sự của nhiều tài xế, lái xe đường dài khá căng thẳng, nhất là vào ban đêm rất dễ buồn ngủ, nếu có điếu thuốc thì sẽ tỉnh táo hơn.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một giám đốc công ty vận tải hành khách chia sẻ: Lâu nay, vấn đề chúng tôi quan tâm nhất là yêu cầu tài xế phải lái xe an toàn; bên cạnh đó là yêu cầu tài xế và phụ xe về thái độ phục vụ, không được lòng vòng đón khách, chở quá số người quy định..., chứ hoàn toàn không chú ý đến việc tài xế và phụ xe có hút thuốc trên xe hay không.
Khoản 3, điều 11, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá quy định rất rõ: “Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô-tô, tàu bay, tàu điện”. Mới đây, tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã đưa ra mức xử phạt khá nặng cho hành vi hút thuốc và vứt tàn thuốc lá không đúng nơi quy định. Mặc dù từ Luật đến Nghị định đều ghi rất rõ như vậy nhưng một thực tế là khói thuốc lá vẫn mù mịt trên những chuyến xe khắp ngả đường của đất nước.
Đến lúc các cơ quan chức năng xử phạt hành vi này nhằm trả lại bầu không khí trong lành trên những chuyến xe khách.
THANH VÂN