Chính trị - Xã hội
Quay lại con đường sáng
Năm 2016, qua thí điểm giúp đỡ 100 thanh-thiếu niên (TTN) sử dụng trái phép chất ma túy, đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng ghi nhận có 73 em tiến bộ, dần từ bỏ con đường nghiện ngập, quay lại trường lớp hoặc tìm được công việc ổn định.
Thành Đoàn Đà Nẵng khen thưởng những thanh-thiếu niên có tiến bộ trong hành trình vượt qua sự cám dỗ của ma túy. |
Chuyển biến đáng khích lệ
Năm 2016, Thành Đoàn nhận cảm hóa 30 TTN, trong đó có 19 em tiến bộ. Em Q.V ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà chia sẻ, em đã vượt qua sự cám dỗ của ma túy đá gần 1 năm nay. Đó là cả quá trình đấu tranh với những cơn thèm thuốc và sự rủ rê của bạn bè xấu...
Đồng hành cùng V. suốt chặng đường ấy là anh Huỳnh Ngọc Kiều, Phó Bí thư Đoàn phường An Hải Bắc. Anh Ngọc Kiều theo sát từng cử chỉ, biểu hiện của V., tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để giúp V. dần từ bỏ thói hư, tật xấu. Biết V. thích nghề cắt tóc, anh Kiều kêu gọi sự giúp đỡ từ Đoàn cấp trên để hỗ trợ V. bộ đồ nghề. Anh Kiều còn đứng ra kêu gọi đoàn viên, thanh niên sinh sống trong khu vực đến quán V. cắt tóc và động viên, khuyến khích V. tham gia hoạt động xã hội tại địa phương.
Suốt một năm qua, cùng với Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phối hợp chặt chẽ với Công an, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, gia đình chung sức giáo dục, giúp đỡ TTN tránh xa ma túy. Nhiều mô hình hoạt động khá hiệu quả như Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, “Thắp sáng niềm tin”, mô hình “Hòm thư tố giác”, “Tìm địa chỉ đen” hoạt động trên cơ sở 4+1 (mỗi em có ít nhất 1 cán bộ Thành Đoàn, 1 cán bộ Quận Đoàn, 1 cán bộ xã/phường, 1 cán bộ Đoàn hoặc đoàn viên là Công an tại địa phương) theo dõi, giúp đỡ.
Phó Bí thư Huyện Đoàn Hòa Vang Nguyễn Văn Quyên cho biết, năm 2016, Đoàn Thanh niên huyện nhận cảm hóa 32 em, đến nay có 28 em tiến bộ, dần vượt qua sự cám dỗ của ma túy. Để có con số này, ngoài theo sát, giúp đỡ thông qua các mô hình chung, Huyện Đoàn còn nhờ những thanh niên đã tiến bộ, quyết tâm từ bỏ ma túy làm công tác động viên những người chưa tiến bộ. Hoạt động này có sự theo sát của người có trách nhiệm tại địa phương.
Còn đó những trăn trở...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến cuối năm 2016, Đà Nẵng có hơn 3.000 người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, tăng hơn 59% so với thời điểm năm 2014. Phần lớn các đối tượng bỏ học, không có nghề nghiệp ổn định, chủ yếu nằm ở độ tuổi 18-35. Từ con số này, có thể thấy, số TTN nghiện ma túy được giao cho các hội, đoàn thể cảm hóa vẫn còn rất ít và nằm trong giới hạn chưa có tiền án, tiền sự, mới bắt đầu “chơi ma túy” và thuộc nhóm “dễ” cảm hóa, thay đổi.
Đơn cử, toàn quận Thanh Khê hiện có 647 người nghiện ma túy, trong đó, số lượng được giao cho Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên giúp đỡ chỉ dừng ở con số 35. Bí thư Quận Đoàn Thanh Khê Trương Thanh Toàn cho rằng, công tác cảm hóa hiện nay chưa đi vào chiều sâu, cán bộ Đoàn chưa được trang bị phương pháp, kỹ năng tiếp cận hiệu quả nhất. Không ít trường hợp cán bộ Đoàn không thể tiếp cận được đối tượng cần cảm hóa do các em luôn có tư tưởng chống đối, tránh gặp mặt hoặc không thích bị kiểm soát. Do đó, công việc này đòi hỏi cán bộ Đoàn phải kiên trì, nắm rõ tính cách, thói quen sinh hoạt, lý lịch, hoàn cảnh gia đình, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của từng em để tìm ra phương pháp cảm hóa hiệu quả.
Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng cho hay, các em có biểu hiện tiến bộ chưa phải là chặng cuối của hành trình cảm hóa, bởi nguy cơ tái nghiện hiện vẫn luôn rình rập nên các hội, đoàn thể cần tiếp tục theo sát các em. Hiện nay, công tác cảm hóa, giáo dục TTN nghiện ma túy ở Đà Nẵng vẫn đang trong giai đoạn thí điểm, thể hiện quyết tâm của chính quyền trong việc giảm thiểu số người nghiện tại cộng đồng. Thời gian đến, Đà Nẵng cần mở lớp tập huấn kỹ năng tiếp cận, nhận diện đối tượng nghiện ma túy để hỗ trợ những hội, đoàn thể trong công tác cảm hóa, giáo dục TTN nghiện ma túy.
Mỗi thanh - thiếu niên nghiện ma túy được cho là có tiến bộ khi thường xuyên cho kết quả âm tính với ma túy trong những lần thử test và được xác nhận bởi Công an phường; đồng thời, được Đoàn Thanh niên, UBND phường (nơi đối tượng đang sinh sống) nhận xét, đánh giá tích cực về lối sống, sức khỏe, kết quả học tập hoặc tìm được việc làm ổn định, có chí cầu tiến. |
Bài và ảnh: TIỂU YẾN