Chính trị - Xã hội
Quy mô dân số đáp ứng sự phát triển
* Đà Nẵng bảo đảm quy mô 1,4 triệu người vào năm 2020
Ngày 4-1-2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 119-KL/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), trong đó xác định rõ: “Trong giai đoạn tới, Việt Nam phải chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số theo định hướng giải quyết tốt quan hệ dân số và phát triển”. Văn bản này đánh dấu sự chuyển biến có tính bước ngoặc trong định hướng chính sách dân số của Đảng ta.
Hội thi Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi Đà Nẵng. |
Ngoài các vấn đề như: già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc người cao tuổi..., Việt Nam còn đang đối mặt với tình trạng di dân tự do. Di cư có tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế, tạo thu nhập cao cho người di cư, tạo sự phát triển đồng đều giữa các khu vực, hoàn thiện hạ tầng thiết yếu, có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư đối với khu vực kinh tế kém phát triển hơn... Tuy nhiên, di cư cũng là thách thức không nhỏ đối với các vấn đề kinh tế - xã hội nên cần điều chỉnh các dòng di cư, phân bổ hợp lý.
Thành phố Đà Nẵng đã xây dựng đề án “Phân bổ dân cư trên địa bàn thành phố” với mục tiêu cụ thể nhằm định hướng bố trí dân cư phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thành phố, thu hút người tài đến làm việc và góp phần hạn chế người nhập cư không có công việc ổn định, giảm tải dân số cho các quận trung tâm...
Tập trung vấn đề giải quyết mật độ dân số trong chính sách quy hoạch đô thị là hết sức cần thiết, có tầm quan trọng đặc biệt trong mối liên quan tổng thể giữa chính sách dân số và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Mật độ dân số Đà Nẵng đứng ở vị trí 13 trên toàn quốc, trong khi diện tích xếp thứ 59 và có sự chênh lệch khá lớn giữa các quận, huyện. Hơn 4/5 dân số tập trung trên một diện tích bằng 1/4 diện tích toàn thành phố. Trong đó, quận Thanh Khê và quận Hải Châu chiếm 41,1% dân số thành phố nhưng diện tích đất chỉ chiếm 3,1% diện tích toàn thành phố. Đây là tình trạng phân bổ dân cư không đồng đều, chênh lệch về mật độ dân số và cơ cấu dân số mất cân đối giữa các địa phương.
Nhằm đáp ứng yêu cầu về dân số cho một thành phố trực thuộc Trung ương, từ năm 2009 đến nay, Đà Nẵng đã và đang duy trì mức sinh thay thế (số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ khoảng 2,06 con năm 2016), ước tính tổng số nhân khẩu cuối năm 2016 là 1.038.430 người.
Tỷ lệ tăng dân số duy trì ở mức 1,1 - 1,3% trong 10 năm qua. Đồng thời, chất lượng dân số từng bước được cải thiện rõ rệt: tuổi thọ bình quân của người dân là 75,6 tuổi. Tỷ lệ nhập cư vào Đà Nẵng ngày càng gia tăng.
Bên cạnh những thành tựu, công tác DS-KHHGĐ của thành phố cũng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức: một số cấp ủy Đảng, chính quyền và một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.
Quy mô dân số giữa các quận, huyện còn chênh lệch và mật độ dân cư một số phường thuộc quận trung tâm thành phố còn cao. Tỷ lệ nhập cư ngày càng gia tăng và một số chỉ tiêu thiên niên kỷ về dân số, y tế và xã hội chưa đạt như mong muốn.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ lẫn tinh thần, với nhiều chính sách và chương trình cụ thể. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, thực hiện tốt chương trình “Thành phố 4 an”; đồng thời, duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý. Tập trung chỉ đạo để giảm sinh ở những địa phương có mức sinh còn cao, thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp và bảo đảm quy mô dân số 1,4 triệu người vào năm 2020, tạo cơ sở vững chắc để tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức 2 triệu người từ giữa thế kỷ XXI.
Tăng cường đầu tư nguồn lực của địa phương cho lĩnh vực dân số và phát triển. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho dân số và phát triển. Đặc biệt, chuyển trọng tâm chính sách DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển để giải quyết toàn diện các vấn đề dân số về quy mô, cơ cấu, phân bổ, nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố.
Bài và ảnh: MAI HOA