Chính trị - Xã hội

Sáng mãi tình đồng đội

21:56, 18/02/2017 (GMT+7)

Thời kháng chiến, chị cùng đồng đội làm nên danh tiếng “Tiểu đoàn Bà Thao” với bao kỳ tích vang lừng. Thời bình, một mình chị vận động kinh phí xây dựng 27 ngôi nhà nghĩa tình đồng đội, sửa chữa 11 nhà và hỗ trợ hàng ngàn suất gạo, tiền, quà, quần áo, vật dụng gia đình cho những đồng đội cũ nghèo khó. Chị là Phạm Thị Thao, 70 tuổi, ở phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu, Đà Nẵng), Anh hùng LLVTND.

Chị Thao (thứ hai, phải sang) tại buổi bàn giao nhà tình nghĩa. 						Ảnh: LÊ VĂN THƠM
Chị Thao (thứ hai, phải sang) tại buổi bàn giao nhà tình nghĩa. Ảnh: LÊ VĂN THƠM

Đồng đội che chở cho mình được sống

Sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng trên vùng cát Non Nước, chị Thao tham gia kháng chiến khi còn tuổi thiếu niên. 17 tuổi, chị trở thành chiến sĩ của Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) Quảng Đà. Năm 1969, chị được giao làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Vận tải 232 (Quân khu 5) với nhiệm vụ vận chuyển hàng từ hậu cứ ra phía trước và chuyển thương binh từ các tuyến trước trở về.

Hồi ấy, giữa đạn bom ác liệt, cả tiểu đoàn hết lòng thương yêu nhau, san sẻ cho nhau từng viên thuốc, cọng rau và hát vang các bài ca cách mạng để động viên nhau vượt qua mọi khó khăn thử thách. Chị Thao nhớ mãi hình ảnh đồng chí Trần Thị Lâu, Chính trị viên phó Đại đội 3, hy sinh năm 1972 khi vận chuyển hàng qua sông Nước Chè (huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam). Hôm đó, giữa mùa lũ, nước sông chảy xiết, Trần Thị Lâu xung phong lội qua sông để buộc dây sang bờ bên kia cho đơn vị bám dây lội qua. Giữa sông, gặp cơn lũ mạnh, chị Lâu đã bị nước cuốn trôi. Đến khi nước rút, đồng đội mới tìm thấy thi thể chị bên một tảng đá, gùi hàng vẫn còn đeo trên vai!

Dẫu cuộc sống hôm nay đã nhiều thay đổi, nhưng sự hy sinh của đồng đội vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm người tiểu đoàn trưởng năm xưa. “Chỉ một lần chuyển hàng đến Quế Sơn (Quảng Nam) đã có 6 đồng chí hy sinh và 9 đồng chí bị thương”, chị Thao bùi ngùi. Chuyến hàng ấy, chị cùng 15 chị em mang thuốc men, dụng cụ y tế từ trạm trung chuyển Đại Lộc xuống vùng ranh Quế Sơn, dọc đường bị địch pháo kích liên tục. Nghĩ đến hàng trăm thương binh đang cần thuốc, các chị liều mình băng qua những trọng điểm bắn phá của địch, đưa được hàng đến nơi. Nhưng trên đường về, máy bay địch bắn trúng đội hình. 15 đồng đội hy sinh và bị thương. Duy nhất mình chị còn lành lặn. Mãi đến tận giờ, chị vẫn còn nguyên ý nghĩ: 15 đồng đội ấy đã che chở cho mình được sống!

Những giấc mơ có thật giữa đời

Sau ngày đất nước thống nhất, hàng ngàn TNXP và Cựu chiến binh (CCB) Tiểu đoàn 232 trở về quê, bươn chải kiếm sống bằng các nghề lao động phổ thông, làm ruộng hoặc buôn bán nhỏ và ít có cơ hội xây dựng gia đình. Nhiều chị đơn độc suốt đời. Không ít chị kịp níu lại khoảnh khắc làm mẹ, một mình nuôi con trong nhọc nhằn, thiếu thốn và bao điều tiếng nặng nề. Có chị sống trong căn nhà xập xệ. Có chị ở nhờ nhà người khác. Bao nhiêu chị triền miên thiếu ăn, thiếu mặc…

Sâu nặng nghĩa tình với đồng đội cũ, chị Thao dành sự quan tâm đặc biệt cho những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Trên cương vị Chủ tịch Hội Cựu TNXP thành phố Đà Nẵng, chị đã vận động kinh phí xây dựng được 27 ngôi nhà nghĩa tình đồng đội (nếu đồng đội là con đối tượng chính sách thì gọi là nhà tình nghĩa), hỗ trợ sửa chữa 11 nhà và vận động hàng ngàn suất gạo, tiền, quà, quần áo, vật dụng gia đình, giúp đỡ những đồng đội cũ nghèo khó. Hành trình ấy vẫn đang tiếp tục và đã khắc ghi trong chị bao dấu ấn sâu sắc. Đơn cử như chị Lê Thị Khương, một chiến sĩ của Tiểu đoàn 232, sau 1975 về lại quê ở phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn). Một mình nuôi con và ở nhờ trong nhà người chị ruột. Con trai lớn lên có vợ lại tiếp tục ở nhà thuê. Khó khăn trăm bề. Chị Khương không thể ngờ có ngày cả mẹ con, bà cháu được tề tựu trong ngôi nhà nghĩa tình đồng đội do chị Thao vận động kinh phí xây dựng. Tại buổi bàn giao nhà, chị Khương ôm chầm người chỉ huy năm xưa, nghẹn ngào trong niềm vui như giấc mơ có thật giữa đời.  

Từ vùng núi Đại Lộc (Quảng Nam), chị Huỳnh Thị Thuyền (trước ở Đại đội 3, Tiểu đoàn 232) tìm đến nhà chị Thao sau bao năm xa cách. Cuộc gặp gỡ đã khiến chị Thao bật khóc khi biết sau chiến tranh, chị Thuyền đành cam phận làm người phụ nữ đơn thân nuôi con, trú ngụ trong căn nhà lụp xụp, sớm chiều làm rẫy đắp đổi qua ngày. Chị Thao đã đến tận nơi thăm mẹ con chị Thuyền, trằn trọc trắng đêm trước hoàn cảnh của người đồng đội cũ. Ngay sau đó, chị Thao tìm gặp lãnh đạo Bệnh viện Quân y 17, vận động kinh phí xây nhà cho chị Thuyền, và 2 tháng sau, người hội viên nghèo đã được trao tặng ngôi nhà mới khang trang.  

Hoàn cảnh của chị Bùi Thị Kim Hữu ở phường Cẩm Phô (Hội An, Quảng Nam) càng khiến chị Thao xót xa hơn. Chị Hữu trước ở Đại đội 1 (Tiểu đoàn 232), trở về đời thường cũng “tự túc” một đứa con để hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ. Không ngờ, con sinh ra bị ảnh hưởng chất độc da cam rất nặng. Hai mẹ con chị Hữu ở trong một túp lều dột nát, trống trơ… Chị Thao đã vận động Cục Hậu cần (Quân khu 5) ủng hộ 50 triệu đồng để xây nhà nghĩa tình đồng đội tặng chị Hữu, đồng thời vận động hỗ trợ chị Hữu nhiều vật dụng gia đình. Kể từ đó, cuộc sống của gia đình chị Hữu như sang một trang mới. Trao đổi với tác giả bài viết, chị Hữu khẳng định: “Nhờ có chị Thao, mẹ con tôi mới có nhà ở đàng hoàng như thế này!”.

Chuyện chị Thao xin tiền xây nhà cho CCB Lê Thị Phúc ở xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) đã khá lâu mà đến nay nhiều người vẫn còn cảm kích. Hôm đó, chị Thao đến Công ty Quản lý các chợ Đà Nẵng vận động kinh phí làm nhà cho chị Phúc. Giám đốc đi vắng, phó giám đốc đang bận họp. Chị Thao nhờ anh bảo vệ vào “nói khó” với phó giám đốc là “có bà Thao hồi trước ở Tiểu đoàn 232 xin gặp vài phút”. Anh bảo vệ vào một lát, trở ra nói với chị: “Phó giám đốc bảo, ai chứ bà Thao thì mời vào”. Người phó giám đốc phân trần về những khó khăn, những nguyên tắc, bản thân không đủ thẩm quyền… Rồi, những lần hẹn. Và, sự vận động kiên trì... Cuối cùng, Công ty Quản lý các chợ Đà Nẵng đã ủng hộ đủ kinh phí xây nhà, một số tiểu thương còn ủng hộ thêm và ngôi nhà hoàn thành vượt cả dự kiến. Chị Phúc không có lương hưu lại hay đau ốm, bán rau hành ở chợ Túy Loan, lời lãi chỉ mong mua đủ gạo. Ngày nhận ngôi nhà nghĩa tình đồng đội, cả gia đình người CCB nghèo đều rưng rưng nước mắt...

Còn sức khỏe, còn tiếp tục

Mỗi mái ấm nghĩa tình kết thêm bao tin yêu, gửi gắm từ đồng đội. Chị Thao luôn trân trọng những đơn vị, cá nhân đã đồng hành trên hành trình giúp đỡ hội viên nghèo và luôn nỗ lực phấn đấu nhằm bù đắp phần nào những thiệt thòi, mất mát mà chị em đã từng gánh chịu. Chị đã vận động các bệnh viện và các cơ quan liên quan giúp đỡ, tổ chức phẫu thuật, điều trị bệnh tim mạch cho 1.455 lượt hội viên khó khăn, với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng. Chị cho biết, trên 30% hội viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ họ chủ yếu bằng cách vận động kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà, tặng phương tiện nghe nhìn, vật dụng sinh hoạt gia đình, khám, chữa bệnh miễn phí…

Mới đây, chị Thao vận động Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam ủng hộ 120 triệu đồng để xây dựng 2 nhà nghĩa tình đồng đội tặng hội viên Ngô Thị Hộp ở phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) và hội viên Trần Văn Liêu ở phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu). Chị cũng vừa vận động các doanh nghiệp tặng 30 sổ tiết kiệm cho hội viên khó khăn, mỗi sổ 5 triệu đồng.

Đặc biệt, chị Thao cùng với Ban Thường vụ Hội Cựu TNXP thành phố nhiều lần trở về các chiến trường xưa để tìm kiếm hài cốt đồng đội và đã tìm được 21 hài cốt. Từng trường hợp, chị Thao nhiệt tình phối hợp với các cơ quan chức năng đưa về cải táng tại nghĩa trang liệt sĩ hoặc nghĩa trang gia tộc theo nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ.    

Người Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 232 năm xưa đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ngày ngày tất bật với các hoạt động nghĩa tình đồng đội. Trong số 1.193 hội viên Cựu TNXP và gần 400 CCB Tiểu đoàn 232, chị đã chọn ra gần 100 trường hợp cần giúp đỡ và mỗi lần làm được một ngôi nhà hoặc trao tặng một món quà cho đồng đội cũ, chị lại thấy lòng mình tràn ngập niềm vui. “Hễ còn sức khỏe, còn đi lại được, thì mình vẫn còn cố gắng giúp đỡ hội viên và tiếp tục các hoạt động nghĩa tình đồng đội!”, chị Thao tâm sự.

Chồng chị Thao, anh Phạm Văn Tường, một cán bộ tập kết, ra miền Bắc học tập, trở thành kỹ sư cơ khí, tham gia xây dựng hậu phương lớn, đến năm 1973 được điều vào chiến trường Khu 5. Hai người gặp nhau trong lý tưởng cách mạng và nên nghĩa vợ chồng sau ngày đất nước thống nhất. Các con của anh chị đều học giỏi và thành đạt. Những năm qua, chồng và các con luôn hết lòng ủng hộ chị Thao trong mọi hoạt động, tiếp thêm sức mạnh cho chị trên hành trình nghĩa tình đồng đội.

LÊ VĂN THƠM

.