Đến Trường Sa để bảo vệ biển, đảo là niềm mơ ước của những người lính hải quân. Có những người được phân công ra đảo, cũng có người tình nguyện. Dù bất cứ hình thức nào, với họ, ra công tác ở Trường Sa là niềm tự hào và cùng giữ lời thề sắt son bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thượng tá Vũ Duy Khánh động viên con trai Vũ Duy Anh trước giờ rời đảo vào đất liền. |
Họ là cha con và cùng nhận công tác ở Trường Sa. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, tình cảm gia đình cùng tình yêu Tổ quốc dường như quyện chặt vào nhau để họ vượt qua bao khó khăn, giữ chắc tay súng.
Người cha - người lính hết lòng vì biển, đảo
Tàu Trường Sa 571 của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân chở đoàn công tác chúng tôi cập đảo Sơn Ca vào một ngày cuối năm 2016. Ở đảo này, thật tự hào, khâm phục khi nghe và chứng kiến những câu chuyện xúc động về hai bố con cùng canh giữ hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Đó là hai cha con Thượng tá Vũ Duy Khánh, Chính trị viên đảo Sơn Ca và Vũ Duy Anh. Nhắc đến Thượng tá Khánh, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đều bày tỏ lòng yêu mến và xem anh như người anh cả của đảo.
Câu chuyện binh nghiệp được Thượng tá Khánh kể với chúng tôi bằng niềm tự hào. Sinh ra tại một vùng quê nghèo tỉnh Nam Định, từ nhỏ, anh mơ ước trở thành người lính hải quân. Ước mơ đó đã trở thành hiện thực khi anh nhận công tác tại Trung đoàn Công binh 83 đóng tại thành phố Đà Nẵng.
Năm 1994, lần đầu tiên anh được ra đảo Sinh Tồn với nhiệm vụ xây dựng đảo. Những năm đó, cuộc sống sinh hoạt trên đảo rất khó khăn, không có hệ thống liên lạc về đất liền. Tuy nhiên, vinh dự và tự hào vì được đi xây dựng đảo, Khánh đã gác lại nỗi buồn nhớ nhà, nhớ đất liền để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Sau đảo Sinh Tồn, Khánh tiếp tục đến các đảo như Nam Yết, Song Tử Tây. Từ cuối năm 2014, anh chuyển về Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và ra công tác tại đảo Sơn Ca với cương vị Chính trị viên.
Là người chỉ huy, người chú, người anh của đơn vị, Thượng tá Vũ Duy Khánh luôn là điểm tựa tinh thần cho CBCS mới ra đảo công tác. Đối với CBCS mới ra đảo có tâm trạng buồn, nhớ nhà, anh cùng chỉ huy đảo gặp gỡ, động viên.
Những dịp lễ, Tết, anh luôn gần gũi, tổ chức đón Tết để giúp CBCS vơi nỗi nhớ nhà, nhớ quê, để họ vững chắc tay súng bảo vệ biển, đảo. Mặc dù đã hết thời hạn công tác nhưng với tình yêu biển, đảo cũng như sự tín nhiệm của Vùng, Thượng tá Vũ Duy Khánh tiếp tục giữ cương vị Chính trị viên đơn vị ở đảo Sơn Ca.
Cũng như Thượng tá Vũ Duy Khánh, Trung tá Nguyễn Trọng Đường ở đảo Sơn Ca và con trai Nguyễn Thành Công là chiến sĩ đảo Nam Yết cùng thề nguyện giữ đảo tiền tiêu. Cũng là người anh, người chú ở đảo Sơn Ca, những ngày công tác trên đảo, Trung tá Nguyễn Trọng Đường ngoài nhiệm vụ được giao cũng luôn là điểm tựa tinh thần cho những CBCS trẻ để họ an tâm công tác.
“Hai bố con cùng là bộ đội hải quân, cùng giữ đảo tiền tiêu nên rất vinh dự và tự hào. Vì vậy, tôi thường xuyên động viên con mình luôn vững chắc tay súng để giữ đảo tiền tiêu của Tổ quốc”, Trung tá Nguyễn Trọng Đường chia sẻ.
Cha con là đồng chí, đồng đội
Vũ Duy Anh (SN 1997), con trai đầu của Thượng tá Vũ Duy Khánh, vinh dự được công tác với bố mình trên đảo Sơn Ca. Thuở nhỏ, cậu bé Duy Anh được nghe mẹ kể về hình ảnh người bố tham gia xây dựng các đảo ở quần đảo Trường Sa.
Những ngày bố được nghỉ phép về quê, hai anh em Duy Anh thường nhận được những món quà Trường Sa từ bố như bàng vuông, ốc biển. Chia sẻ với chúng tôi, Duy Anh nói: “Mỗi lần bố nghỉ phép về quê thì đưa chúng em đến trường học. Hình ảnh bố mang chiếc áo lính hải quân luôn thôi thúc tình yêu biển, đảo trong em. Em đã mơ ước lớn lên trở thành người lính hải quân”.
Tốt nghiệp THPT, Duy Anh tình nguyện viết đơn xin vào lính hải quân. 3 tháng huấn luyện tại Vùng 4, Duy Anh tiếp tục viết đơn tình nguyện ra đảo và may mắn trở thành đồng đội, đồng chí với bố mình trên đảo Sơn Ca.
Thượng tá Vũ Duy Khánh cho biết, hai bố con cùng là đơn vị nhưng anh luôn thể hiện là người chỉ huy nghiêm khắc. Những lúc rảnh rỗi, hai cha con mới gặp nhau để hàn huyên tâm sự. “Tôi thật vui khi cháu Duy Anh được chỉ huy đảo đánh giá rất cao. Tháng 7-2016, cháu vinh dự được kết nạp Đảng. Đây là niềm tự hào của gia đình”, Thượng tá Khánh chia sẻ.
Hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền vào dịp đầu năm 2017, Duy Anh mong muốn tiếp tục được đứng trong hàng ngũ quân đội nhân dân Việt Nam nên nỗ lực ôn luyện để thi sĩ quan. “Em muốn trở thành chiến sĩ hải quân, canh giữ biển, đảo quê hương.
Giờ đây, để thực hiện ước mơ ấy, khi trở về đất liền, em sẽ nỗ lực học tập, nâng cao kiến thức”, Duy Anh tâm sự. Trên hành trình về quân cảng Cam Ranh, Duy Anh chấp hành tốt mệnh lệnh chỉ huy của tàu: “Lời bố dặn dò em luôn nhớ kỹ. Là người lính hải quân canh giữ biển, đảo tiền tiêu Tổ quốc thì phải làm sao để xứng với những gì bố và gia đình, quê hương mong đợi”.
Cùng một tâm nguyện như Vũ Duy Anh, chiến sĩ Nguyễn Thành Công (con trai Trung tá Nguyễn Trọng Đường) cũng thề nguyện theo binh nghiệp của cha. Tuy không cùng công tác với bố trên một hòn đảo nhưng với Công, được ra giữ đảo tiền tiêu như bố là niềm tự hào lớn. Học xong chương trình THPT, Công tình nguyện đi nghĩa vụ và được làm lính hải quân.
“Bố em là lính đảo. Những ngày về phép, bố kể về những đồng chí, đồng đội đang chắc tay súng để bảo vệ biển, đảo quê hương, em thấy vinh dự và tự hào. Vì vậy, em đã tình nguyện viết đơn và được trở thành lính hải quân như bố”, Thành Công tâm sự.
Là chiến sĩ báo vụ trên đảo Nam Yết, hằng ngày, Công luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài thời gian công tác, Công cùng các chiến sĩ tích cực tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống cho bộ đội. “Tuy còn khó khăn, vất vả, nhưng mỗi CBCS công tác trên đảo Nam Yết đều rất tự hào bởi mình đã góp phần nhỏ để bảo vệ biển, đảo thiêng liêng mà Đảng và Nhà nước giao phó”, Công chia sẻ. Công sẽ tiếp tục thi sĩ quan để có cơ hội giữ quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ