9 ngọn đèn biển ở quần đảo Trường Sa, anh đã đi canh giữ đến 8 ngọn đèn với thời gian trọn vẹn 20 năm. Anh là Đặng Văn Thanh (SN 1971, quê Hải Phòng), Trưởng trạm đèn biển Sơn Ca.
Đèn biển Sơn Ca. |
Trường Sa - một phần máu thịt của dải đất hình chữ S mà trong đời ai cũng muốn ra thăm, hoặc công tác một lần. Với Đặng Văn Thanh cũng không ngoại lệ. Ước mơ đến với Trường Sa khi anh còn ngồi trên ghế nhà trường, vì vậy anh quyết tâm khi tốt nghiệp THPT sẽ thi vào ngành hải quân hoặc hàng hải. May mắn và hạnh phúc khi anh đỗ vào Trường Trung cấp Hàng hải Việt Nam. Ra trường, anh xin ra công tác tại quần đảo Trường Sa và làm nhiệm vụ tại các ngọn đèn biển để dẫn dắt tàu thuyền qua lại trong khu vực.
Năm 1997, anh ra nhận công tác tại ngọn đèn biển đảo Đá Tây. Ở hòn đảo chìm này, quanh năm chỉ làm bạn với sóng nước và chim biển nên anh cũng như các đồng nghiệp không khỏi bỡ ngỡ; đặc biệt là sự thiếu thốn nước sinh hoạt, rau xanh cũng như thông tin liên lạc về đất liền. Tuy nhiên, vượt qua tất cả sự vất vả đó, Đặng Văn Thanh cũng như các đồng nghiệp luôn giữ cho ngọn đèn biển Đá Tây sáng mãi trong đêm. Suốt một năm công tác ở ngọn đèn biển Đá Tây, anh đã giúp hàng nghìn lượt tàu thuyền qua lại an toàn cũng như trợ giúp hàng chục lượt ngư dân bị nạn. Sau đó, anh tiếp tục công tác tại các ngọn đèn biển như Song Tử Tây, Tiên Nữ, Trường Sa, Đá Lát... Đến năm 2016, anh đến công tác tại ngọn đèn biển Sơn Ca và giữ chức Trưởng trạm.
20 năm qua, anh Đặng Văn Thanh đã canh giữ 8/9 ngọn đèn biển thuộc quần đảo Trường Sa. |
Ngọn đèn hiện đại, cao 27m được đầu tư, xây dựng vào năm 2011. Cứ tầm 17 giờ 30, đèn biển Sơn Ca bắt đầu bật lên và quét. Khi biển cả bao trùm bóng đêm, cứ 10 giây, đèn biển Sơn Ca quét những vệt ánh sáng lớn, phát tầm nhìn cho tàu biển gần 20 hải lý. Nhờ có ngọn đèn biển Sơn Ca cũng như nhiều ngọn đèn khác ở quần đảo Trường Sa mà tàu thuyền nhận diện được vị trí để đi lại vào ban đêm. Hơn nữa, với ngư dân của Việt Nam, khi nhìn thấy ngọn hải đăng, họ càng thêm tự tin hơn vì đang ở gần đảo, có những người lính hải quân đang bảo vệ.
Để ngọn đèn duy trì ánh sáng hằng đêm, Đặng Văn Thanh phân công các cán bộ, nhân viên để bảo trì, bảo dưỡng hằng ngày. “Không chỉ giúp tàu qua lại an toàn, ngọn hải đăng Sơn Ca còn là nơi cho ngư dân khi gặp nạn vào trú tránh. Mỗi lần giúp ngư dân khi tàu hỏng hóc hoặc ốm đau, những cán bộ canh giữ đèn biển cảm thấy hạnh phúc lắm”, Đặng Văn Thanh chia sẻ.
20 năm ở Trường Sa là khoảng thời gian như vô bờ bến của mỗi cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ canh giữ ngọn đèn biển. Bởi lẽ, mỗi người bình thường khi ra đảo ở vài hôm hoặc vài tháng đã cảm thấy buồn, nhưng với Đặng Văn Thanh lại khác. Anh cho rằng, Tổ quốc cần là mình đi và cảm thấy rất vui vẻ. Mỗi năm anh được về phép thăm gia đình vài tháng rồi trở lại Trường Sa. Ở đảo đôi lúc cũng buồn, nhớ vợ, con, nhưng khi về đất liền vài tháng thì lại nhớ đảo, nhớ đồng nghiệp, nhớ ngọn hải đăng da diết và lại muốn ra. “Khi cưới vợ, tôi nói thẳng với vợ là chồng thường xuyên đi công tác ở đảo, nếu em chấp nhận được thì lấy anh, còn không thì mình sẽ không đến được với nhau. Vợ tôi đồng ý và luôn hứa sẽ trở thành một hậu phương vững chắc cho mình”, anh Thanh nhớ lại.
Chồng ở đảo, vợ anh ở nhà chăm sóc hai đứa con. Trước đây, khi điều kiện thông tin còn khó khăn, thỉnh thoảng anh mới có bộ đàm gọi về nhà. Nhưng khi có sóng điện thoại, anh chị thường xuyên trao đổi với nhau; chồng động viên vợ, con; vợ động viên chồng hoàn thành tốt nhiệm vụ Tổ quốc giao phó. “Tháng 3 sắp tới, tôi được nghỉ phép về thăm gia đình, vợ con. Đến tháng 7 sẽ tiếp tục ra đảo Sơn Ca để công tác, canh giữ ngọn đèn biển. Còn một ngọn đèn biển nữa trên quần đảo Trường Sa tôi chưa đến. Thời gian đến, nếu được tiếp tục phân công công tác ở Trường Sa, tôi hy vọng sẽ đến ngọn đèn còn lại. Tôi sẽ nỗ lực hết mình để những ngọn đèn biển nơi tôi canh giữ sẽ mãi sáng, cho những con tàu qua lại được an toàn”, anh Thanh tâm sự.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ