.

B1-Hồng Phước: Dấu ấn khó quên

.

Trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Khu căn cứ cách mạng B1-Hồng Phước, Khu 1 cánh Bắc Hòa Vang nằm ngay trong lòng địch, sát nách Căn cứ liên hợp quân sự Mỹ tại Đà Nẵng mà không hề bị lộ. 64 gia đình ở Hồng Phước đều là cơ sở cách mạng đã đào 46 căn hầm bí mật trong nhà, ngoài vườn để nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích, cơ sở, hoặc chăm sóc thương binh. Đây là nơi xuất phát nhiều trận đánh của lực lượng vũ trang ta vào hậu phương của địch tại Đà Nẵng. Tiêu biểu là các trận đánh:

Các nhân chứng và lãnh đạo quận Liên Chiểu tham gia góp ý trưng bày hiện vật tại Nhà truyền thống di tích lịch sử căn cứ cách mạng B1-Hồng Phước.
Các nhân chứng và lãnh đạo quận Liên Chiểu tham gia góp ý trưng bày hiện vật tại Nhà truyền thống di tích lịch sử căn cứ cách mạng B1-Hồng Phước.

- Trận đánh vào trận địa pháo Thanh Vinh của Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ ngày 17-4-1965, loại khỏi vòng chiến đấu 176 tên lính Mỹ, phá hủy 17 khẩu pháo, 10 xe kéo pháo và nhiều trang bị kỹ thuật khác, lực lượng ta thu được 5 súng đại liên và một số quân trang, quân dụng.

- Tháng 10-1967, trận đánh tiểu đoàn xe tăng Mỹ tại Hố Chùa, Đa Phước phá hủy 60 xe tăng, tiêu diệt 50 tên lính Mỹ;

Nhà truyền thống di tích lịch sử căn cứ cách mạng B1-Hồng Phước.
Nhà truyền thống di tích lịch sử căn cứ cách mạng B1-Hồng Phước.

- Ngày 17-5-1968, trận đánh vào Tổng kho hậu cần Bàu Mạc của quân Mỹ loại khỏi vòng chiến đấu 31 lính Mỹ, trong đó có 1 thiếu tá công binh, phá hủy 2 xe GMC, 1 máy phát điện;

- Ngày 12-5-1972, trận tập kích căn cứ Hoa Lư (Hòa Mỹ) đánh vào cơ quan tham mưu Tổng hành dinh Sư đoàn 3 ngụy và tiểu đoàn vận tải thuộc Sư đoàn 3, tiêu diệt 150 sĩ quan và binh lính, phá hủy 200 xe các loại và 1 kho vũ khí, quân nhu.

- Ngày 22-8-1972, trận tập kích Tỉnh đường Quảng Trị lưu vong và 1 đại đội công binh ở Bàu Tràm loại khỏi vòng chiến đấu 200 tên địch, thu 4 trung liên và một số vũ khí khác.

- Tháng 3-1973, tập kích tiêu hủy kho gạo Hòa Khánh, diệt một trung đội địa phương quân bảo vệ kho gạo, đốt cháy hàng ngàn tấn gạo.

- Tháng 4-1972, do bị địch phát hiện, Đoàn Tổng hội sinh viên Huế trong đó có Chủ tịch Tổng hội sinh viên Huế Nguyễn Thanh Minh và Chủ nhiệm Báo Giữ đất của Huế chạy vào Đà Nẵng được lực lượng ta đón tiếp đưa về nuôi giấu ở Hồng Phước 7 ngày sau đó lên căn cứ.

Mô hình hầm bí mật được tái hiện tại Nhà truyền thống di tích lịch sử căn cứ cách mạng B1-Hồng Phước.
Mô hình hầm bí mật được tái hiện tại Nhà truyền thống di tích lịch sử căn cứ cách mạng B1-Hồng Phước.

- Trong kháng chiến chống Mỹ, hàng trăm tấn gạo, muối, thuốc men, vũ khí được đưa về chôn giấu ở đây để phục vụ cho bộ đội đánh giặc. Căn cứ B1-Hồng Phước không chỉ là nơi đứng chân mà còn là bàn đạp tiến công vào hậu phương của địch, đồng thời là nơi lui quân về trước khi lên căn cứ. Những căn hầm bí mật ở B1-Hồng Phước đã trở thành nơi ở, hội họp an toàn cho cán bô, chiến sỹ, giao liên của ta.

- Trong các trận đánh địch, nhiều cán bộ, chiến sĩ ta đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này, tiêu biểu như: Đồng chí Lê Thị Tính, Đặc khu ủy viên, Huyện đội phó Điện Bàn được tăng cường ra làm Bí thư Quận Nhì, Đà Nẵng, được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; đồng chí Đặng Đình Vân, nguyên Đặc khu ủy viên Quảng Đà, Bí thư Quận ủy, Quận đội trưởng Quận Nhì được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; đồng chí Trần Thị Vấn, trung đội trưởng du kích B1 - Hồng Phước; các đồng chí Phan Văn Bảy, Lê Văn Khi, Phạm Phú Long… Hiện nay, Hồng Phước có 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 23 liệt sĩ, 129 đối tượng chính sách.

S.TRUNG

(Tổng hợp từ tài liệu Hội thảo khoa học “Vị trí, vai trò của căn cứ lõm cách mạng B1 - Hồng Phước trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, ngày 12-8-2016)

;
.
.
.
.
.