Là một trong những người tham gia kiểm soát xe quá tải từ ngày đầu tiên, ông Đặng Văn Chung, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) thở dài nói rằng, “cuộc chiến” chống xe quá tải đang có dấu hiệu chùng xuống khi mà nhiều địa phương đã dừng và giải tán trạm cân xe sau khi liên Bộ Giao thông Vận tải và Công an tổng kết và kết thúc Kế hoạch 12593 về kiểm soát tải trọng phương tiện.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra trọng tải xe. (Ảnh: Thế Lập/TTXVN) |
Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ, sau gần 3 năm vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương, xe quá tải đã giảm đến 80%-90%. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng một số địa phương, bộ ngành "buông" xe quá tải dẫn đến tình trạng phương tiện quá tải trọng chạy đường dài và không bị xử phạt, đặc biệt trên Quốc lộ 1 bởi các trạm cân kiểm soát tải trọng lưu động dọc tuyến đường này đã rút gần hết, chỉ còn lại một số ít địa phương vẫn duy trì như Ninh Bình, Nghệ An, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa.
Lý giải cho thực tế này, ông Chung chỉ ra cả nguyên nhân là khi kết thúc chương trình phối hợp 12593 giữa liên Bộ Giao thông Vận tải và Công an để bố trí, sắp xếp lại lực lượng và một số bộ cân lưu động đang đưa đi kiểm định; lái xe, chủ xe cố tình trốn tránh, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Cũng vì thế, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ, hiện tượng xe quá tải, quá khổ tham gia giao thông tiếp tục xuất hiện trên một số tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 qua khu vực Tây Nguyên, các tuyến đường tỉnh, tuyến đường gần khu vực tập kết hàng hóa, kho, cảng, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu… gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp, làm mất an toàn giao thông và hư hỏng kết cấu hạ tầng đường bộ.
“Một số địa phương không hiểu hoặc hiểu sai và nghĩ rằng dừng toàn bộ sự phối hợp giữa Công an và ngành giao thông trong việc chống xe quá tải. Tổng cục cũng nhận được phản ánh có địa phương không muốn làm, không chống xe quá tải vì mục tiêu phát triển kinh tế. Thậm chí, lãnh đạo một số địa phương còn có suy nghĩ rằng, xe to như vậy không cho chở đầy thì… lãng phí,” vị Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông ngao ngán nói.
Đề cập về trách nhiệm chống xe quá tải, Tổng cục Đường bộ đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải tham mưu cho Chính phủ ban hành Chỉ thị 32 ngày 25/11/2016 về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, trong đó Thủ tướng Chính phủ giao cụ thể trách nhiệm lãnh đạo địa phương trong việc kiểm soát tải trọng xe.
“Nếu địa phương nào cũng làm chặt, quan tâm đến chống xe quá tải thì có trạm cân lưu động hay không vẫn dẹp được xe quá tải, yếu tố cốt lõi vẫn nằm ở con người,” ông Chung nhấn mạnh.
Để tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp chống xe quá tải, trong tháng Ba này, Tổng cục Đường bộ đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở Giao thông Vận tải tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; khẩn trương sắp xếp, bố trí lại lực lượng, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, chủ trì hoặc phối hợp với các lực lượng Công an đưa các trạm cân lưu động hoạt động trở lại.
Trong trường hợp không có lực lượng Cảnh sát giao thông và lực lượng Cảnh sát khác, Tổng cục Đường bộ chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông Vận tải chủ động thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ tại trạm cân đồng thời sử dụng cân xách tay để cân xe trên các hệ thống đường bộ thuộc địa bàn của địa phương (Quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng)…
Theo Vietnam+