Sáng 21-3, Tổng thống Israel Reuven R.Rivlin và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Israel do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Đại sứ quán Israel tổ chức tại Hà Nội.
Đại diện Công ty CP Hội tụ nhân tài (TalentPool, bên phải) và đại diện Hiệp hội trung tâm phát triển cộng đồng Israel (IACC) ký hợp tác về lĩnh vực giáo dục. Ảnh: TTXVN |
Thương mại hai chiều giữa Việt Nam-Israel đã tăng 6 lần trong 6 năm qua, từ hơn 200 triệu USD (năm 2010) lên hơn 1,2 tỷ USD (năm 2016), nhưng tiềm năng vẫn còn rất nhiều và đang chờ hai bên cùng khai thác.
Phát biểu tại diễn đàn, Tổng thống Israel Reuven R.Rivlin nhận định Việt Nam có nền kinh tế thị trường đang phát triển nhanh chóng và với tốc độ ổn định, đồng thời bày tỏ Israel mong muốn trở thành một phần của sự phát triển này.
“Nếu chúng ta hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, sử dụng công nghệ của Israel thì chúng ta có thể bảo đảm an ninh lương thực cho hàng triệu người trên thế giới. Nếu hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng ta có thể kết nối được mọi người. Israel có thể thúc đẩy “giáo dục không dây”, “y tế trực tuyến” và sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam”, Tổng thống Israel nói và khẳng định mối quan hệ đối tác toàn diện là vì sự phát triển và lợi ích của hai bên.
Chào mừng Tổng thống Israel và đông đảo doanh nghiệp tới dự sự kiện ý nghĩa này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đây là biểu hiện sự quan tâm đặc biệt đến việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn bên cạnh các nhà sản xuất của Israel sang Việt Nam hợp tác, đầu tư, thì Việt Nam cũng chào đón các nhà tư vấn, tài chính, các quỹ đầu tư mạo hiểm tới tìm kiếm cơ hội làm ăn. Theo Phó Thủ tướng, đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp Israel sẽ có cơ hội tiếp cận với thị trường trên 90 triệu dân, đa phần là trẻ và có thu nhập đang tăng theo thời gian. Từ Việt Nam, Israel có thể tiếp cận thị trường hơn 600 triệu dân của ASEAN và của hàng chục quốc gia khác mà Việt Nam đã, sẽ có quan hệ thương mại tự do.
“Trồng trọt, chăn nuôi, năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh, cải tạo, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nước, thương mại điện tử, an ninh mạng, đào tạo nguồn nhân lực... tức là gần như trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, cơ hội hợp tác đều rộng mở cho cả Israel và Việt Nam”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế về kinh tế của Việt Nam hy vọng với nỗ lực tối đa của hai đoàn đàm phán, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Israel có thể hoàn tất vào năm 2018, nhân dịp hai bên kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
Chinhphu.vn