.

Cửa ngõ Hòa Phước chuyển mình

Xã Hòa Phước là cửa ngõ phía nam của thành phố và là nơi đón đoàn quân về giải phóng thành phố Đà Nẵng ngày 29-3-1975. Với truyền thống cách mạng kiên cường và quyết tâm xây dựng nông thôn mới, xã Hòa Phước đã chuyển mình phát triển đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển.

Sau ngày quê hương giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hòa Phước đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn thử thách khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Đến nay, xã Hòa Phước đã cán đích xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Theo đó, cuối năm 2014, xã Hòa Phước được thành phố và huyện Hòa Vang công nhận xã đạt 19/19 tiêu chí NTM, diện mạo nông thôn thay đổi. Trước đây, sản xuất nông nghiệp của Hòa Phước còn nhỏ lẻ, manh mún, chỉ đơn thuần cây lúa, cây đậu các loại..., năng suất thấp, hiệu quả không cao, nông dân tất bật, vất vả, thu nhập chẳng được bao. Thế nhưng, nhờ chủ trương của Đảng, sự đồng thuận của người dân, Hòa Phước đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với quy mô lớn, hiệu quả cao trên cơ sở tiềm năng đất đai và thế mạnh của địa phương. Những vùng chuyên sản xuất nông nghiệp trù phú với nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, bền vững…

Những thôn ven quốc lộ 1 như Miếu Bông, Quá Giáng, Giáng Nam… chuyển biến mạnh mẽ theo đà phát triển của đô thị, tập trung sản xuất, thương mại-dịch vụ, kéo theo các thôn sản xuất nông nghiệp thuần nông cũng có sự bứt phá đi lên. Trà Kiểm, Nhơn Thọ trở thành những khu dân cư kiểu mẫu trong phát triển NTM và là hình mẫu của huyện Hòa Vang.

Trà Kiểm là ngọn cờ đầu của huyện về thực hiện chương trình bê-tông hóa đường giao thông nông thôn với bề rộng đường làng 7,5m làm cho giao thông đi lại thuận tiện. Sức dân được khơi dậy với nhà nhà, người người tự nguyện hiến đất mở đường; các gia đình đều tình nguyện hiến đất, vật kiến trúc, nhà ít cũng đến 30m2, nhiều khoảng 500m2. Hơn 30 hộ dân trong thôn tự nguyện phá dỡ hàng rào kiên cố tốn phí hàng chục triệu đồng, chặt phá hàng trăm cây ăn quả có giá trị mà không đòi hỏi một quyền lợi nào.

Với thôn Nhơn Thọ, vùng đất nghèo, sau khi chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi với các mô hình sản xuất hiện đại được quy hoạch, có đầy đủ hệ thống hạ tầng như đường giao thông, cấp điện, cấp nước phục vụ sản xuất, ngày nay trở thành xứ sở của các loài hoa tươi có giá trị cao như phong lan, ly ly, đồng tiền, lan mocara…, đem lại việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.

Đến Hòa Phước hôm nay, trải ra trước mắt chúng tôi là những mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình trồng hoa tập trung, chăn nuôi theo hướng hàng hóa phục vụ đô thị với 2 chợ đầu mối Miếu Bông, Ba Xã rộng thoáng, những cửa hàng, đại lý kinh doanh dịch vụ san sát dọc tuyến quốc lộ 1A. Trên các nẻo đường quê, những ngôi nhà cao tầng khang trang, bề thế như phố thị, những con đường bê-tông nối dài tít tắp ra tận ruộng đồng. Công trình đường Vành đai phía Nam thành phố đi qua xã Hòa Phước mở ra sự thông thương, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương. Với vị trí cửa ngõ và hạ tầng giao thông thuận lợi, Hòa Phước là điểm kết nối giao thông nội thị, trung tâm thương mại nông sản với vai trò là chợ đầu mối cung cấp lương thực-thực phẩm cho thành phố.

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phước, ông Võ Trần Minh Long cho biết: “Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và các ngành phát triển sản xuất, chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất xuất nông nghiệp tại các vùng chuyên canh hoa, rau, nâng cao chất lượng nông sản gắn với tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm và liên kết trong đầu tư, tiêu thụ nông sản sạch, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”. Xã Hòa Phước cũng thực hiện cải cách hành chính có hiệu quả, nâng cao mức độ hài lòng của công dân, tổ chức khi thực hiện dịch vụ hành chính tại xã, đẩy mạnh nêu gương cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ; phát huy có hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Xã thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội, năm 2017 tập trung các giải pháp giảm nghèo bền vững, phấn đấu giảm ít nhất 70 hộ nghèo, xóa 100% hộ nghèo chính sách. thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống gia đình chính sách…

“Ghi nhận những thành tích của quân và dân xã Hòa Phước trong hai cuộc kháng chiến, ngày 28-3-2004, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang đã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do Nhà nước phong tặng. Đây là dấu mốc lịch sử của địa phương. Trong hai cuộc kháng chiến, quân và dân Hòa Phước đã chiến đấu gần 300 trận, tiêu diệt và bắt sống 3.000 tên địch, thu và phá hủy 45 xe quân sự, hàng chục tấn đạn dược các loại. Quân và dân trong xã còn ủng hộ cách mạng hàng trăm tấn lương thực, đóng góp hàng trăm triệu đồng, 32 lượng vàng, xây dựng gần 100 căn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ đội”.

(Nguồn: Báo cáo thành tích xét trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của UBND xã Hòa Phước)

Triệu Tùng

;
.
.
.
.
.