.

Đà Nẵng - từ "5 không, 3 có" đến "4 an"

.

Thương hiệu “Đà Nẵng” được kiên trì gầy dựng với quyết tâm chính trị rất cao trong cả quá trình dài suốt mấy chục năm, gom góp tích tụ biết bao công sức của các thế hệ người Đà Nẵng - từ những người lãnh đạo thành phố có tầm nhìn sâu vào quá khứ và tầm nhìn xa về tương lai, cho đến những thường dân lam lũ làm ăn hai sương một nắng.

Đây cũng là kết quả của sức mạnh đoàn kết trong bản thân hệ thống chính trị ở địa phương và quan trọng hơn là kết quả nhãn tiền của sức mạnh đồng thuận giữa người dân với Đảng bộ và chính quyền thành phố.

Không phải nơi nào cũng có thực tế đầy thuyết phục như Đà Nẵng để có thể tổng kết được một nhận định thấm đẫm sức mạnh này: “Đảng nói - dân tin, Mặt trận đoàn thể vận động - dân theo, Chính quyền làm - dân ủng hộ”. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà khi yêu cầu Đà Nẵng xem xét lại chủ trương đầu tư xây dựng công trình hầm qua sông Hàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc nhở rằng cần “phải tạo sự đồng tình của nhân dân”...

Nhờ sức mạnh đoàn kết nội bộ và sức mạnh đồng thuận của lòng dân mà Đà Nẵng có được một diện mạo đô thị ngày càng hiện đại và ngày càng có ký ức, có bản sắc riêng, không trở thành một đô thị “nhân bản vô tính”.

Nhờ sức mạnh đoàn kết nội bộ và sức mạnh đồng thuận của lòng dân mà Đà Nẵng được vinh danh là thành phố của những cây cầu, là địa phương nhiều năm dẫn đầu chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin- truyền thông... Nhờ sức mạnh đoàn kết nội bộ và sức mạnh đồng thuận của lòng dân mà Đà Nẵng khởi xướng và thực hiện có kết quả đáng kể một số chương trình an dân như “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có” và mới đây là “Thành phố 4 an” - cách người Đà Nẵng tự giới hạn phạm vi của một mục tiêu mang tính chiến lược và toàn diện hơn nhiều là “Thành phố an bình” vào 4 lĩnh vực cụ thể: an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội.

Có thể dễ dàng nhận ra sự kết nối liền mạch giữa các chương trình an dân này. Chẳng hạn khi đề ra cái “An” thứ nhất trong chương trình “Thành phố 4 an” là an ninh trật tự, người Đà Nẵng đã kế thừa mục tiêu “Không có giết người để cướp của” trong chương trình “Thành phố 5 không” khởi sự từ năm cuối cùng của thế kỷ XX.

Chắc chắn trong khi thực hiện cái “An” thứ nhất, người Đà Nẵng vẫn phải tiếp tục thực hiện nội dung “Không có giết người để cướp của”. Ai cũng biết đảm bảo cho được một xã hội an ninh trật tự có rất nhiều nội dung, nhưng có lẽ gây bất an nhất, tạo trở lực lớn nhất trên hành trình đến với mục tiêu “Thành phố an bình” là tình trạng cướp của và giết người.

Tuy nhiên ở thời điểm đề ra mục tiêu “Thành phố 5 không”, người Đà Nẵng chỉ đủ sức đề ra nội dung Không có giết người để cướp của, nghĩa là hồi đó vẫn đành chấp nhận khả năng có thể xảy ra cướp của - mà không giết người và cả khả năng có thể xảy ra giết người - mà không vì mục đích cướp của.

Cho nên mục tiêu an ninh trật tự trong tầm nhìn của chương trình “Thành phố 4 an” không thể chỉ dừng lại ở yêu cầu đảm bảo “Không có giết người để cướp của” - dẫu được như thế đã rất tuyệt vời - mà còn phải phấn đấu đảm bảo tối thiểu hai yêu cầu nữa: Không có cướp của và Không có giết người.

Đương nhiên đây là mục tiêu không dễ đạt được trong thời gian ngắn và có thể phải đầu tư nhiều công sức, nhiều trí tuệ, nhiều tâm huyết hơn nữa để làm tốt một số việc, từ việc giáo dục thúc đẩy các hành vi hướng thiện, từ việc hạn chế những hành vi bất lương bất chính, cho đến việc trang bị những công cụ phòng chống tội phạm hữu hiệu - bao gồm cả nỗ lực điều chỉnh bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành...

Hoặc khi đề ra cái “An” thứ tư là an sinh xã hội - lĩnh vực từng làm cho thương hiệu Đà Nẵng tỏa sáng trong cả nước, người Đà Nẵng đã kế thừa hai mục tiêu “Không có người lang thang xin ăn” và “Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng” trong chương trình “Thành phố 5 không”, đồng thời kế thừa hai mục tiêu “Có nhà ở” và “Có việc làm” trong chương trình “Thành phố 3 có”.

Ngay cả 3 mục tiêu An ninh trật tự, An toàn giao thông và An toàn vệ sinh thực phẩm trong chương trình “Thành phố 4 an” cũng đều hướng đến cái “An” thứ tư này. Tuy nhiên trong tầm nhìn của chương trình “Thành phố 4 an”, theo tôi Đà Nẵng có thể đề thêm mục tiêu “Không để nguồn nước sinh hoạt của cư dân thành phố không đủ dùng và nhiễm mặn”.

Hiện nay Đà Nẵng đang chịu nhiều tác động tiêu cực trên mặt trận an ninh phi truyền thống, chẳng hạn như an ninh mạng, nhưng nghiêm trọng nhất và có thể cảm nhận rõ nhất là an ninh nguồn nước. Nhiều năm qua, việc các nhà máy thủy điện ở khu vực thượng nguồn hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn chặn dòng, không trả nguồn nước về hạ du liên tục tái diễn khiến Đà Nẵng không chỉ thiếu nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt mà nguồn nước còn bị nhiễm mặn. Nhà máy nước Cầu Đỏ - nơi sản xuất nước sạch phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của thành phố Đà Nẵng liên tục gặp khó khăn, nhiễm mặn với mức độ năm sau cao hơn năm trước...

Nhân đây cũng xin nói thêm rằng nếu không tính toán thật sự khoa học và hết sức đồng bộ thì một khi sông Cổ Cò được khơi thông như mong đợi, không chừng khả năng thiếu nước và nhiễm mặn ở thành phố này sẽ lớn hơn, bởi lúc đó nguồn nước chảy về Đà Nẵng cùng lúc vừa đổ ra cửa Hàn vừa đổ ra... cửa Đại!

Chấp nhận vừa tiếp tục thực hiện các mục tiêu đầy tính nhân văn trong hai chương trình an dân trước đây - “Thành phố 5 không” và “Thành phố 3 có”, vừa phấn đấu đề ra một số mục tiêu mới mang tính nâng cao qua chương trình “Thành phố 4 an”, Đà Nẵng đã tỏ rõ bản lĩnh dám đối mặt đương đầu với những thách thức của sự phát triển.

Đương nhiên để có thể đương đầu đối mặt với những thách thức của sự phát triển, Đà Nẵng cần phải nắm chắc động lực cốt lõi đã làm nên kết quả của hàng chục năm thực hiện hai chương trình “Thành phố 5 không” và “Thành phố 3 có”: sức mạnh đoàn kết trong bản thân hệ thống chính trị ở địa phương và sức mạnh đồng thuận giữa người dân với Đảng bộ và chính quyền thành phố.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.