Có thể ai đó sẽ khe khẽ hát lại “Về với Quảng Nam” của nhạc sĩ Đoàn Ngọc Bính khi quay lại Quảng Nam dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh. Như cách mà họ đã từng hát, cách đây chẵn 2 thập niên. Đúng là thời gian thoi đưa...
Sau 20 năm tái lập, tỉnh Quảng Nam có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Ảnh: quangnam.gov.vn |
Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách ngày 1-1-1997. Ngày 31-12-2016 vừa qua, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm trực thuộc Trung ương, và nay đến lượt Quảng Nam. Tách cùng một ngày, sao lại “lệch” nhau về thời điểm kỷ niệm tái lập? Tại cuộc họp báo cuối năm 2016, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, lý giải rằng có nhiều yếu tố tác động, như đợt mưa lũ kép kéo dài trước Tết Nguyên đán. Chưa kể, trên thực tế dù chia tách ngày 1-1-1997 nhưng đến ngày 21-2-1997 bộ máy quản lý mới chính thức “di chuyển” và đi vào hoạt động tại thị xã tỉnh lỵ Tam Kỳ.
Lẽ dĩ nhiên, độ lùi 20 năm đủ để một địa phương thay da đổi thịt, và bao lớp người cũ đã rời nhiệm sở. Câu chuyện còn lại là mức độ thay đổi đến đâu, và ký ức ngày “chia mà không tách” Quảng Nam - Đà Nẵng sâu đậm thế nào…
Thành phố Đà Nẵng đã công bố số liệu mang tính so sánh rất ấn tượng giữa 2 cột mốc 2017 và 1997: tổng sản phẩm xã hội địa phương đạt 54.000 tỷ đồng (gấp 6 lần), tổng thu ngân sách Nhà nước đạt gần 19.000 tỷ đồng, tăng 16 lần. Nhưng với Quảng Nam, phải dùng từ “kỳ diệu” khi nói về sự thay đổi: tổng thu ngân sách 20.226 tỷ đồng, tăng 128,8 lần! Cũng là lần đầu tiên, Quảng Nam tự cân đối ngân sách và có điều tiết về Trung ương.
Hãy nhớ lại những nấc thang mà Quảng Nam đã bước qua. Năm 2006, rụt rè gia nhập “câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng”. Năm 2012, đĩnh đạc bước vào “câu lạc bộ 6.000 tỷ đồng”. Và nay, một ngưỡng mới đã thiết lập: trên 20.000 tỷ đồng… Nhiều người vẫn nhớ chi tiết “ấn tượng” này: Kỳ họp đầu tiên của HĐND tỉnh Quảng Nam sau ngày tái lập, các vị đại biểu đã phải rất đắn đo khi biểu quyết thông qua 2 chỉ tiêu rất đối nghịch: tổng thu ngân sách chỉ 135 tỷ đồng nhưng tổng chi lên đến 523 tỷ đồng.
20 năm trước ở Quảng Nam người ta hay hát “Về với Quảng Nam”. Có nhập cuộc ở thời điểm chia tách đó, có trải qua những ngày tháng ăn ngủ tập thể… mới thấm thía hết ca từ cứ thủ thỉ như một lời động viên trong ca khúc của nhạc sĩ Đoàn Ngọc Bính: “Những con suối đều chảy về sông/ Trăm con sông đều xuôi về biển/ Biển cả dạt dào mang hình bóng sông/ Như ta yêu nhau những tháng ngày gió lộng/ Như ta về đây, quê mẹ Quảng Nam...”. Ngày đó, có người vợ từ Đà Nẵng vào thị xã tỉnh lỵ Quảng Nam thăm chồng đã bật khóc. Nhưng 20 năm sau, vẫn có cán bộ cần mẫn đi - về mỗi ngày giữa 2 thành phố. Ngoài kia, Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ “đặt hàng” phải trở thành thành phố độc nhất vô nhị. Trong này, Quảng Nam đang vươn mình mạnh mẽ…
Nhà thơ liệt sĩ Nguyễn Mỹ gửi lại cho đời tác phẩm “Cuộc chia ly màu đỏ”, được chọn vào top 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX, kết thúc bởi các câu “...Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi/ Như không hề có cuộc chia ly”. Chúng tôi chưa có dịp hỏi chuyện nhạc sĩ Đoàn Ngọc Bính xem ông có chút “ảnh hưởng” nào không khi kết thúc ca khúc của mình cũng bởi ca từ ấy, rất gần gũi và thân thuộc. Và thân thuộc hơn, như một tiền định, nhà thơ liệt sĩ quê gốc Phú Yên ấy đã gửi thân xác lại vùng đất Bắc Trà My thời kháng chiến chống Mỹ. Câu thơ tài hoa mà ông để lại cho hậu thế cũng được Đài Truyền hình Việt Nam chọn làm tiêu đề cho chương trình đoàn tụ thấm đẫm nước mắt.
Ít ai ngờ có ngày câu thơ “Như không hề có cuộc chia ly” lại được khép vào giai điệu để trở thành câu hát cuối trong bài “Về với Quảng Nam”: “Về với Quảng Nam/ như không hề có cuộc chia ly”. Thật da diết. Những người đã “về” rồi đã “đi”, giờ quay lại ắt hẳn còn xao xuyến hơn. “Chia” mà không “tách”, chia ly mà vẫn “như không hề có”… Giờ đây, dường như câu hát về chia ly đã đi hết số phận của nó, bởi thời gian đã trôi qua ngót 20 năm, và trong tâm tưởng của người xứ Quảng luôn hiển hiện cảm xúc đoàn tụ.
HỨA XUYÊN HUỲNH