.
KỶ NIỆM 42 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG (29-3-1975 - 29-3-2017)

Đồng thuận vì sự phát triển mới

.

“Với quyết tâm chính trị của các cấp, sự đồng thuận của nhân dân, sự quan tâm ủng hộ của Trung ương, sự hợp tác của các địa phương bạn và nhất là với tình yêu vô bờ bến dành cho thành phố, chúng ta hoàn toàn tự tin Đà Nẵng thân yêu sẽ có một tương lai tươi sáng”.

Đà Nẵng đã bứt phá mạnh mẽ, không ngừng sáng tạo, đổi mới để trở thành một đô thị hiện đại, phát triển bậc nhất ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Đà Nẵng đã bứt phá mạnh mẽ, không ngừng sáng tạo, đổi mới để trở thành một đô thị hiện đại, phát triển bậc nhất ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Lời khẳng định đầy tâm huyết của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh tại lễ kỷ niệm 20 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương diễn ra cuối năm 2016 cũng chính là bài học rút ra trong quá trình xây dựng và phát triển Đà Nẵng từ ngày giải phóng thành phố (29-3-1975) đến nay.

Đồng thuận làm nên thành công

Đà Nẵng của 42 năm trước là thành phố bị tổn thương bởi bom đạn chiến tranh, là nơi biết bao con người ngày đêm nỗ lực không ngừng để vực dậy một đô thị bị bủa vây trong cái nghèo, cái khốn khó của thời kỳ đầu đất nước thống nhất.

Giờ đây, Đà Nẵng của 42 năm sau ngày giải phóng đang trở thành tâm điểm chú ý khi vượt lên trên muôn vàn khó khăn, thách thức, bứt phá mạnh mẽ, không ngừng sáng tạo, đổi mới để trở thành một đô thị hiện đại, phát triển bậc nhất ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Có thể khẳng định, rất khó để Đà Nẵng đạt được thành tựu như ngày hôm nay nếu thiếu sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, trong cả hệ thống chính trị từ thành phố đến phường, xã.

42 năm qua, nhất là sau giai đoạn Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (từ năm 1997 đến nay), chính sự đồng thuận xã hội đã tạo thuận lợi để chính quyền thành phố thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, cải tạo diện mạo đô thị, triển khai các chính sách an sinh xã hội, nâng tầm vị thế Đà Nẵng so với các địa phương khác trong nước.

Giờ đây, xóm nhà chồ lụp xụp, nhếch nhác bên bờ đông sông Hàn với những mảnh đời vất vả đã lùi vào quá khứ; những con đường chật hẹp, sình lầy được thay thế bằng những tuyến đường hiện đại, rộng mở thênh thang.

Những cây cầu với dáng vóc độc đáo bắc qua sông Hàn, tạo nên dấu ấn đặc biệt cho thành phố “đầu biển cuối sông”. Nhiều khu phố chật chội nay trở thành khu dân cư mới với những ngôi nhà kiên cố, những con đường xanh-sạch-đẹp.

Nhiều công trình bệnh viện, trường học, thiết chế văn hóa, thể thao khang trang, hiện đại được xây mới, mang đến cho người dân thành phố những tiện ích tốt hơn để học tập, làm việc, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí…

Đội ngũ cán bộ thành phố ngày càng được chuẩn hóa với chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tăng cường gắn với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân.

Với sự đồng thuận, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, Đà Nẵng luôn giữ đà tăng trưởng kinh tế khá hằng năm, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Năm 2016, tổng sản phẩm xã hội thành phố đạt 54.000 tỷ đồng, gấp 6 lần so với năm 1997; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút 5,6 triệu lượt du khách; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 19.000 tỷ đồng và đặc biệt, nguồn thu của thành phố đang tiến dần theo hướng bền vững, hạn chế sự phụ thuộc vào đất.

Tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 70 triệu đồng. Song song đó, việc Đà Nẵng liên tục 4 năm liền dẫn đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), liên tiếp 8 năm liền đứng vị trí đầu tiên về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông (Vietnam ICT Index) chứng minh thành phố đã nỗ lực rất nhiều để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tăng cường các giải pháp cải cách thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực nhằm mang lại sự hài lòng tối đa cho tổ chức, công dân.

Đi qua hết một chặng đường gian lao khi đối mặt với muôn vàn khó khăn, trở ngại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã tìm ra hướng phát triển đúng đắn, vượt qua nhiều rào cản trong tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với mục đích cuối cùng là tạo dựng một đô thị văn minh, hiện đại, an bình, khẳng định vị thế bằng những thứ hạng cao, những danh hiệu mang tầm quốc tế.

Và, để làm được điều đó, theo lời khẳng định của Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh: “Người dân và cả hệ thống chính trị đều được cuốn vào guồng máy chuyển động mạnh mẽ và thực sự trở thành chủ thể của thành phố đổi mới từng ngày”.

Vượt qua chính mình

42 năm sau ngày giải phóng, người dân Đà Nẵng mang trong mình một niềm tự hào lớn lao về thành phố thân yêu, về những thành quả mà phải tốn bao công sức mới định hình được một Đà Nẵng có vóc dáng trưởng thành mạnh mẽ như hôm nay.

Nhưng trước mắt và về lâu dài, thành phố đang đối diện rất nhiều thách thức mà nếu cứ bằng lòng với thực tại, không thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm, hạn chế, Đà Nẵng sẽ tụt hậu so với các địa phương khác trong cả nước.

Đà Nẵng đang có một nền công nghiệp phát triển chưa bền vững dù đã được định hướng chú trọng vào công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ từng nhận định tại kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố khóa IX rằng: “Thành phố dựa vào công nghệ cao thì không biết bao giờ chúng ta mới có nhiều doanh nghiệp; công nghệ thông tin dù có dấu hiệu tốt nhưng chưa phải là tất cả”.

Cùng với đó, thu hút đầu tư FDI chưa có nhiều khởi sắc, quỹ đất dành cho công nghiệp phụ trợ chưa đáp ứng yêu cầu; một số dự án chậm triển khai đã được gia hạn nhưng triển khai chưa đúng tiến độ gia hạn. Tình trạng xây dựng trái phép vẫn còn diễn ra ở một số khu vực; quản lý đất đai, tài nguyên, quản lý chất lượng công trình còn để xảy ra sai phạm.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển chưa toàn diện; một số tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp...

Đáng nói, Đà Nẵng đang phải đối mặt với việc cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, làm sao vừa bảo đảm tăng trưởng trong sản xuất, kinh doanh nhưng không gây ô nhiễm và tác động xấu đến môi trường thiên nhiên.

Trong khi đó, một thách thức không nhỏ đối với thành phố là việc phải điều tiết vốn ngân sách về Trung ương lên đến 32% (tăng 17%). Nếu không có các giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, chống thất thu, thành phố sẽ khó có thể hoàn thành được chỉ tiêu Trung ương giao.

42 năm nhìn lại, vẫn còn đó nhiều nỗi lo lắng, trăn trở khiến những người yêu mến thành phố này bâng khuâng. Làm thế nào duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức khá, giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo môi trường sống thật sự an bình cho người dân?...

Trước mắt, câu trả lời ở chính sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương khi thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”; ở sự công khai, minh bạch, liêm chính khi vận hành một hệ thống chính trị hoạt động vì dân; ở quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng cùng 3 đột phá phát triển kinh tế-xã hội mà Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố đề ra…

Trên hết, điều cần nhất vẫn là sự đồng thuận, chung tay góp sức của nhân dân thành phố trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành thành phố động lực của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

HÀ AN

;
.
.
.
.
.