.

Nghị quyết Đảng phải phù hợp thực tiễn

.

Thước đo sự thành công của nghị quyết là sau khi ban hành có tạo được sự đồng thuận của xã hội, làm chuyển biến, giải quyết được những vấn đề còn tồn đọng hay không. Xây dựng và ban hành nghị quyết của Đảng phải bảo đảm tính khoa học, phù hợp với thực tiễn cuộc sống và lợi ích chính đáng của nhân dân. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Bí thư Quận ủy Thanh Khê Nguyễn Thanh Quang trao đổi với Báo Đà Nẵng về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng qua việc xây dựng và ban hành nghị quyết Đảng.

Sự đồng thuận từ thực hiện các nghị quyết của Đảng tạo nên vóc dáng mới cho đô thị Đà Nẵng
Sự đồng thuận từ thực hiện các nghị quyết của Đảng tạo nên vóc dáng mới cho đô thị Đà Nẵng

* Mới đây, tại Hội nghị tổng kết về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của thành phố, trong phần hạn chế, Ban Thường vụ Thành ủy đã nêu: Nghị quyết, chỉ thị của một số cấp ủy Đảng ở cơ sở còn “rập khuôn”, ít vận dụng sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế ở đơn vị, địa phương. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

- Thời gian qua, việc ban hành nghị quyết của Thành ủy và các cấp ủy Đảng thuộc thành phố đã được đầu tư nghiên cứu trên cơ sở dự báo đúng và trúng tình hình; bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; thừa kế, phát huy những thành tựu và bài học kinh nghiệm trong các nhiệm kỳ qua. Trên hết là nghị quyết xuất phát từ lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của người dân, mang lại hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên, trên thực tế, chất lượng ban hành nghị quyết của một số cấp ủy Đảng, nhất là ở cấp cơ sở chưa được đổi mới, chưa chú trọng nhiều trong khâu nội dung, chưa chọn những vấn đề nóng, những vấn đề bức xúc của địa phương, đơn vị để xây dựng nghị quyết.

Có quá nhiều nghị quyết ban hành trong một nhiệm kỳ, một năm. Nghị quyết này chưa quán triệt xong, nghị quyết khác lại ra đời. Sau khi tổ chức sơ kết, tổng kết, lại ban hành nghị quyết, làm giảm sút chất lượng, hiệu quả của việc triển khai thực hiện nghị quyết.

Quy trình tiến hành các bước xây dựng nghị quyết chưa bảo đảm. Nhiều nơi, cấp trên có nghị quyết, chủ trương gì, cấp dưới cũng có nghị quyết, chủ trương đó, nội dung sao chép lại, thậm chí sao chép một số nội dung của đơn vị khác không phù hợp với địa phương, đơn vị mình.

* Việc xây dựng và ban hành nghị quyết “sao chép”, “rập khuôn”, không xuất phát từ thực tiễn yêu cầu của địa phương, đơn vị ảnh hưởng như thế nào đến công tác lãnh đạo của tổ chức Đảng, thưa ông?

- Thước đo sự thành công của một nghị quyết là sau khi ban hành có tạo được sự đồng thuận của xã hội, làm chuyển biến, giải quyết được những vấn đề còn tồn đọng hay không. Rõ ràng những nghị quyết không xuất phát từ thực tiễn, yêu cầu của cuộc sống sẽ không thể đi vào cuộc sống.

Điều đó dẫn đến những hạn chế, yếu kém trong đời sống xã hội chậm được khắc phục, tạo thành lực cản của sự phát triển của xã hội, gây giảm sút lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Nghị quyết không sát với cuộc sống làm cho vai trò lãnh đạo của Đảng, của cấp ủy bị lu mờ, không đáp ứng được tình hình ở địa phương, đơn vị đang đặt ra.

Hệ lụy của nghị quyết thiếu tính khả thi là tạo ra hiện tượng “nhờn” nghị quyết, thực hiện nghị quyết vì trách nhiệm chứ không phải bằng nhiệt huyết từ bên trong. Nghị quyết na ná nội dung dẫn đến tình hình ngại học nghị quyết trong cán bộ, đảng viên.

* Thưa ông, cần giải pháp gì để nghị quyết Đảng phải xuất từ thực tiễn cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của tổ chức Đảng?

- Từ những hạn chế nêu trên, tôi đề xuất một số nội dung cần chú ý thực hiện trong việc ban hành nghị quyết của cấp ủy, như sau:

Một là, phát huy hơn nữa vai trò đứng đầu của bí thư và cấp ủy trong khâu chuẩn bị ra nghị quyết. Yêu cầu cơ bản, cốt lõi nhất của mỗi nghị quyết là phải đánh giá thật chính xác tình hình (bối cảnh, thành tựu, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm hoặc những kết luận cần rút ra). Trên cơ sở đó, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện.

Vì vậy, vai trò, trách nhiệm của bí thư và cấp ủy là rất quan trọng. Họ là người có nhãn quan chính trị sắc bén, am hiểu sâu rộng về các lĩnh vực, nhất là tri thức lý luận chính trị, xã hội, có kinh nghiệm thực tiễn, khả năng tư duy, phân tích, biết lắng nghe, tổng hợp tất cả các ý kiến, tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân; nhận diện rõ, đúng các vấn đề xuất phát từ thực tiễn của toàn xã hội trước yêu cầu mới... để đưa vào nghị quyết.

Ở đâu bí thư và cấp ủy có tâm huyết, có năng lực thì chắc chắn ở địa phương, đơn vị đó việc lãnh đạo ban hành nghị quyết sẽ có chất lượng và triển khai thực hiện có hiệu quả.

Hai là, cần phát huy tính dân chủ và tổ chức tốt công tác phản biện trong tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết; lấy ý kiến đảng viên, nhân dân, các tổ chức quần chúng, chuyên gia ở các lĩnh vực liên quan để dự thảo nghị quyết sát tình hình thực tiễn.

Phát huy năng lực trí tuệ, vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong Ban Chấp hành Đảng bộ, các chi ủy viên, cán bộ chủ chốt phụ trách các ban, ngành. Trên cơ sở các ý kiến thu thập, người đứng đầu cấp ủy phải chỉ đạo tiến hành điều tra, phân tích, đánh giá khách quan, khoa học để thấy rõ những nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm, xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn cho các quan điểm chỉ đạo; có phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ một cách rõ ràng; dự kiến các nhiệm vụ đột xuất và những vấn đề do thực tiễn đặt ra nhằm xây dựng hệ thống các giải pháp để tổ chức thực hiện và lãnh đạo cụ thể, hiệu quả, tạo sự thống nhất cao khi ban hành và triển khai thực hiện nghị quyết.

Ba là, chỉ ban hành nghị quyết khi cần thiết và cần đổi mới theo hướng ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện.

Bốn là, nội dung nghị quyết tránh việc sao chép “rập khuôn” theo nghị quyết cấp trên, chú trọng vận dụng sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế ở đơn vị, địa phương. Đặc biệt, phải xác định rõ được các nhiệm vụ trọng yếu cần tập trung lãnh đạo, cũng như những hạn chế, khuyết điểm nổi cộm, vấn đề bức xúc tồn tại ở địa phương, đơn vị cần tập trung giải quyết.

Cuối cùng, phải bảo đảm sự gắn kết giữa xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện nghị quyết. Sau khi ban hành nghị quyết, cần chú trọng việc thường xuyên giám sát, kiểm tra thực hiện nghị quyết, nhất là việc tự kiểm tra của cấp ủy.

* Cảm ơn ông!

SƠN TRUNG thực hiện

;
.
.
.
.
.