.

Những "cánh tay nối dài" của ngành Dân số

.

Cộng tác viên (CTV) Dân số - Sức khỏe cộng đồng là những người giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động truyền thông, vận động dân số, sức khỏe cộng đồng và thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Họ chủ yếu phải làm ngoài giờ, ban đêm, đến từng tổ dân phố để tuyên truyền các chính sách về dân số, chăm sóc sức khỏe.

Cộng tác viên quận Hải Châu tham dự Hội thi tuyên truyền viên.
Cộng tác viên quận Hải Châu tham dự Hội thi tuyên truyền viên.

Mạng lưới này đã giúp chính quyền các cấp có những số liệu tin cậy cập nhật về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng và phòng chống dịch bệnh… CTV là lực lượng “nằm vùng”, sát dân nhất nên có điều kiện kiên trì tuyên truyền, vận động người dân từ chỗ chưa hiểu biết đến hiểu biết, từ đó có thái độ tích cực và chuyển đổi hành vi có lợi để bảo vệ sức khỏe. Do đó, đội ngũ CTV được coi là lực lượng nòng cốt, được ví như “cánh tay nối dài” của ngành. Các chương trình, mục tiêu về dân số sẽ khó đạt được kết quả như những năm qua nếu không có sự nỗ lực truyền thông, vận động trực tiếp tới từng gia đình và chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại cơ sở của những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này.

Với thâm niên gần 15 năm gắn bó với công tác dân số, chị Phan Thị Màu, CTV tiêu biểu tại thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang chia sẻ, khoảng thời gian gắn bó với công việc dân số đã để lại trong chị nhiều niềm vui và nỗi buồn. Lúc mới nhận nhiệm vụ, chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn về sức khỏe sinh sản, chị gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động. Lúc bấy giờ, bà con ở địa phương cũng chưa nhiệt tình hưởng ứng thực hiện nên hầu như lúc nào chị cũng phải xuống tận nhà để tuyên truyền, vận động từng người thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Thôn Phước Hưng có 1.500 hộ, đời sống đã phát triển, trình độ dân trí được nâng cao, tuy nhiên việc thực hiện sinh đẻ có kế hoạch còn một số hạn chế. Với sự nhiệt tình của mình, chị đã góp phần giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng, các báo cáo, cập nhật thông tin dân số cũng rất kịp thời. Ngoài ra, chị Màu còn làm Trưởng ban nữ công thôn và khéo léo huy động các ban, ngành địa phương cùng chung tay thực hiện công tác dân số. Cũng theo chị Màu, để truyền thông có hiệu quả, ngoài việc nắm kiến thức tốt còn phụ thuộc vào năng khiếu của từng người, tuyên truyền phải linh hoạt tạo không khí vui vẻ để kiến thức dễ “ngấm” hơn, thu hút mọi người hơn.

Chị Mạc Đình Thị Thủy, người dân tộc Cơtu là CTV của thôn Tà Lang - Giàn Bí chia sẻ: “Tôi luôn tuyên truyền đến các ông chồng người Cơtu rằng, nếu phụ nữ phải sinh nhiều con và sinh liên tục sẽ nhanh xấu và già đi, như vậy mọi người sẽ bảo các ông chồng không biết cách chăm vợ, đồng  nghĩa với việc chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Vời cách tiếp cận như vậy, chị Thủy thuyết được các gia đình người dân tộc ủng hộ và thực hiện khá tốt việc sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại để không mang thai ngoài ý muốn. Mô hình gia đình ít con dần dần thực hiện hiệu quả tại các bản làng người dân tộc Cơtu.

Bài và ảnh: MAI HOA

;
.
.
.
.
.