Chính trị - Xã hội
Niềm tự hào mang tên "186 - Đà Nẵng"
Sáng ngày 28-2-2017, tại căn cứ Cam Ranh, quân chủng Hải quân tổ chức trọng thể lễ thượng cờ quốc gia cho tàu ngầm mang tên “186 - Đà Nẵng” và tàu ngầm “187 - Bà Rịa Vũng Tàu”. Đây là 2 trong số 6 tàu ngầm Kilo 636 được đóng mới tại nhà máy Admiralty Very ở St. Petersburg theo đơn đặt hàng mà phía Việt Nam đã ký với Nga từ tháng 12-2009.
Quốc kỳ Việt Nam tung bay trên tàu ngầm HQ 186 - Đà Nẵng sáng 28-2. Ảnh: VIỆT DŨNG |
“Hố đen đại dương”
Tàu ngầm Kilo 636 lớp Varshavyanka dài 74 mét, rộng 10 mét, có lượng giãn nước từ 3.000 đến 3.950 tấn, thủy thủ đoàn 52 người. Các tàu ngầm lớp này có thể lặn sâu tới tối đa 300 mét và di chuyển với tốc độ lên đến 20 hải lý/giờ, tương đương 37 km/giờ, hành trình liên tục 45 ngày, với phạm trình tối đa khoảng 9.600km.
Nếu so với các loại tàu ngầm khác, tiếng ồn của tàu Varshavyanka phát ra rất thấp, giảm phản xạ sonar, giúp cho chúng khó bị phát hiện hơn. Chúng có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách lớn hơn 3 đến 4 lần bản thân chúng có thể bị đối phương phát hiện.
Bởi vậy, tàu ngầm lớp Varshvyanka được mệnh danh là “hố đen đại dương”. Điểm lợi hại vượt trội của Tàu ngầm Kilo 636 là chúng có khả năng tấn công toàn diện bằng tên lửa và ngư lôi vào mục tiêu trên không, trên đất, trên biển và có khả năng thả cả thủy lôi.
So với tàu mặt nước, tàu ngầm ở độ sâu từ 50 mét trở xuống là không thể bị phát hiện bằng các phương tiện quan sát bằng dụng cụ quang học. Do đó, các tàu ngầm là phương tiện tác chiến “tàng hình” tối quan trọng, giúp lực lượng hải quân thực hiện được nhiều nhiệm vụ mà các tàu mặt nước không thể đảm đương nổi.
Việc sở hữu tới 6 tàu ngầm hiện đại đã giúp Hải quân Việt Nam có trong tay một vũ khí lợi hại, với những đòn tấn công ngầm dưới đáy biển rất khó đối phó, tạo nên sức mạnh mới để Hải quân Việt Nam bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và lợi ích kinh tế biển của quốc gia.
Bất kỳ quốc gia ven biển nào cũng sẽ phải đối mặt với những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng, nếu không có hạm đội tàu ngầm. Bởi vậy, sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình hiện đại hóa quân chủng Hải quân, nâng cao sức mạnh chiến đấu, nâng tầm uy lực của Quân đội ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí (thứ nhất và hai, từ trái sang) trao đổi với thuyền trưởng tàu ngầm HQ 186-Đà Nẵng Nguyễn Thành Vinh. |
“186 - Đà Nẵng”
Tàu “186 - Đà Nẵng” là tàu thứ 5 trong số 6 chiếc được đóng xong và hạ thủy ngày 28-12-2014. Sau một thời gian tiếp tục hoàn thiện và phục vụ huấn luyện tại cầu cảng nhà máy, tàu ngầm 186 đã được tàu vận tải hạng nặng Rolldock Star (Hà Lan) vận chuyển về đến cảng Cam Ranh ngày 2-2-2016.
Tại căn cứ này, nơi đã có một trung tâm đào tạo thủy thủ tàu ngầm hiện đại, với đầy đủ các trang thiết bị và chương trình mô phỏng hầu hết các tình huống mà tàu ngầm phải đối mặt, bao gồm cả trường hợp khẩn cấp, công tác huấn luyện tiếp tục được triển khai với thủy thủ đoàn.
Tất cả thủy thủ trên tàu đều trẻ, khỏe, phần lớn quê quán ở các tỉnh ven biển, làm quen với môi trường nước từ trong bụng mẹ. Cả sĩ quan và chiến sĩ gắn bó với nhau như anh em một nhà, khuôn mặt rám nắng nhưng lộ rõ niềm hân hoan, phấn khởi trong ngày lễ thượng cờ. Tất cả mới trải qua một chương trình học tập, thao luyện khắc nghiệt nhất, với những tình huống sát thực để thành thục cách xử trí những sự cố có thể xảy ra trong thời gian hoạt động liên tục dưới đáy biển một tháng rưỡi, kể cả những chuyến viễn hành dài ngày nhất.
Khi nhắc đến những gian khó phải trải qua, Thiếu tá Nguyễn Thành Vinh, thuyền trưởng tàu ngầm nói nhỏ nhẹ như chuyện thường ngày: “Đổ nhiều mồ hôi trên thao trường thì sẽ hạn chế được đổ máu trên chiến trường, các bác ạ. Tổn thất, nếu xảy ra với tàu ngầm thì sẽ rất nặng nề, không giống như ô-tô hay máy bay đâu, nên chúng em phải rèn luyện để chuẩn xác từng thao tác, nắm chắc các tính năng kỹ thuật, chiến thuật để phát huy tối đa tác dụng của tàu ngầm”.
Nhìn những người lính trẻ tự tin điều hành con tàu, vốn là một khối thiết bị cực kỳ hiện đại, sẽ thấy thiếu sót nếu không nói đến những thuỷ thủ trên tàu. Các thủy thủ, ngoài sức khỏe và trí tuệ, cần phải có khả năng chịu áp lực tâm lý cực kỳ lớn. Chỉ có những con người có thần kinh thép này mới làm nên sức mạnh thực sự của tàu ngầm Kilo 636 Việt Nam.
Với những nỗ lực vượt bậc, sau 1 năm tích cực huấn luyện, đến nay thuỷ thủ đoàn đã làm chủ hoàn toàn tính năng kỹ, chiến thuật và cơ chế hoạt động của tàu, thậm chí hiệu quả sử dụng các thiết bị vượt qua những thiết kế ban đầu. Chuyên gia Nga đã bàn giao toàn bộ tàu và thuỷ thủ đoàn cho phía Việt Nam tiếp nhận và khai thác.
Sau lễ thượng cờ, tàu “186 - Đà Nẵng” chính thức được gia nhập vào Lữ đoàn tàu ngầm 189 của Hải quân Việt Nam. Với sự góp mặt của tàu “186 - Đà Nẵng” và tàu “187 - Bà Rịa Vũng Tàu”, Hải quân Việt Nam đã có 6 tàu ngầm hiện đại, đủ để phiên chế thành 2 biên đội tác chiến ngầm dưới đáy biển.
Đây là một lợi thế lớn, bởi vì tại cùng một thời điểm có thể tung ra hoạt động tuần tiễu 2 hoặc 3 tàu ngầm, mỗi chiếc lại có thể vận hành độc lập, lặng lẽ giấu mình dưới lòng biển một tháng rưỡi, bảo vệ một cách hiệu quả hơn lãnh hải, vùng kinh tế biển, hải đảo và lợi ích quốc gia trên biển.
Tại lễ thượng cờ, các đại biểu rưng rưng niềm cảm xúc khi nghe vị Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam nói với các Trưởng tàu: “Các đồng chí phải lấy máu của mình để bảo vệ lá cờ Tổ quốc và tô đậm truyền thống anh hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam”.
Niềm tự hào được mang tên
Việc mang tên Đà Nẵng, tàu 186 đã gắn bó với thành phố, đồng hành cùng công cuộc xây dựng thành phố. Ngược lại, thành phố cũng đồng hành và luôn dõi theo mỗi bước phát triển của tàu. Sau lễ thượng cờ, lãnh đạo thành phố đã xuống thăm tàu, tìm hiểu sinh hoạt, huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ trên tàu.
Lãnh đạo thành phố mong muốn cán bộ, chiến sĩ tàu ngầm 186 - Đà Nẵng ra sức học tập, rèn luyện, xây dựng đơn vị trong sạch vững mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, làm chủ tàu ngầm, vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại; thuần thục mọi phương án tác chiến; sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trước mọi kẻ thù, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, quyền chủ quyền thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
“186 - Đà Nẵng” trở thành hiện thân của Đà Nẵng trong cuộc chiến chống các thế lực đen tối, muốn dùng cường quyền để biến vùng biển quê hương của ta thành ao nhà của chúng. Bởi vậy, “186 - Đà Nẵng” là sức mạnh, niềm tin, niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân thành phố.
Đà Nẵng lâu nay được biết đến là thành phố trẻ, năng động, luôn đồng hành cùng với công cuộc đổi mới của đất nước. Nay, với việc tàu ngầm 186 mang tên Đà Nẵng, thành phố có thêm một biểu tượng của niềm tin, ý chí và sức mạnh trong đấu tranh bảo vệ biển, đảo, chủ quyền quốc gia trên biển, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.
VÕ CÔNG TRÍ