.

Phát huy tính tự quản, dân chủ của tổ dân phố

Tổ dân phố (TDP) là một tổ chức tự quản trong cộng đồng, không phải là một cấp hành chính. Sắp xếp lại TDP đừng nặng về quy mô số hộ dân, quan trọng là phải nâng cao được hiệu quả hoạt động tự quản, phát huy dân chủ trực tiếp của cộng đồng dân cư, đồng thời đúng quy định pháp luật. Đây là quan điểm chung tại cuộc tọa đàm về sắp xếp TDP, do Thường trực HĐND thành phố vừa tổ chức.

TDP (thôn) không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một phường (xã), nơi thực hiện dân chủ trực tiếp để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao. Năm 2012, thành phố đã tiến hành sắp xếp lại TDP ở 46 phường với quy mô 30-40 hộ/TDP trước khi Bộ Nội vụ có Thông tư số 04/2012/TT-BNV hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, TDP. “Mô hình TDP nhỏ gọn trước đây là do chúng ta đặt nặng vấn đề quản lý Nhà nước cho TDP. Đây là điều khác biệt so với quy định của Trung ương. Nay chúng ta cần nhận thức lại và trả TDP về đúng với vai trò là một tổ chức tự quản của cộng đồng, phát huy dân chủ theo tinh thần Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11”, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Trần Văn Dư nói.

Theo đánh giá của Sở Nội vụ, quy mô TDP từ 30-40 hộ có thuận lợi trong việc thực hiện 4 nhiệm vụ của TDP và công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, TDP quy mô nhỏ cũng nảy sinh nhiều bất cập. Theo ông Huỳnh Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), khó nhất là tìm nhân sự tổ trưởng vì không ai chịu làm. Nếu có người là do chi bộ Đảng khu dân cư phân công đảng viên phải làm. Mặt khác, vì quá nhiều TDP nên nhiều tổ trưởng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Do không có tổ phó nên mỗi lần họp giao ban TDP, phường không bao giờ huy động đủ 100% tổ trưởng dẫn đến khó trong công tác triển khai các chủ trương, chính sách. Chưa kể, nhiều TDP không chỉ gây tốn kém ngân sách chi trả phụ cấp mà phường cũng phải tốn kinh phí từ 10 đến 12 triệu đồng cho một lần tổ chức họp giao ban, mỗi năm họp ít nhất 4 lần. Nhiều TDP cũng gây nên áp lực về nhu cầu nhà họp TDP.

Theo Phó ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Viết Hùng, quy mô TDP hiện tại cũng gây khó khăn cho công tác lãnh đạo của chi bộ Đảng khu dân cư vì có nhiều chi bộ lãnh đạo nhiều TDP, có 503/1.245 chi bộ Đảng khu dân cư lãnh đạo từ 5 đến 20 TDP. Ngoài ra, hiện nay có 1.152 TDP “trắng” đảng viên. Việc sắp xếp lại TDP phải phấn đấu làm sao bảo đảm 1 chi bộ Đảng lãnh đạo 1 TDP.

Việc sắp xếp lại TDP đã được Thành ủy và HĐND thành phố thông qua chủ trương thực hiện trong giai đoạn 2016-2017. Đến nay, Sở Nội vụ thành phố đã tham mưu UBND thành phố tiến hành các cuộc khảo sát, hội thảo và xây dựng dự thảo Đề án sắp xếp lại TDP, dự kiến sẽ trình kỳ họp thứ 4 của HĐND thành phố vào tháng 7-2017. Để bảo đảm sắp xếp lại TDP theo quy mô linh hoạt, đúng tinh thần Thông tư số 04/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ, nhiều ý kiến đề xuất thành phố nên vận dụng học tập kinh nghiệm của các thành phố lớn đã triển khai thực hiện Thông tư số 04/2012/TT-BNV. Theo đó, cần linh hoạt trong phân loại quy mô số hộ dân của mỗi TDP chứ không cứng nhắc trong khoảng 60-80 hộ/TDP theo dự thảo Đề án sắp xếp lại TDP của Sở Nội vụ. Việc sắp xếp vừa linh hoạt về quy mô số hộ dân/TDP, phù hợp với đặc thù của thành phố, vừa phải bảo đảm tính liên cư, liên địa một cách hợp lý. Điều hành mỗi TDP có tổ trưởng và 1 tổ phó.

Ngoài ra, việc sắp xếp lại TDP phải trên tinh thần đề cao tính hiệu quả của hoạt động tự quản của cộng đồng và phải đi đôi với kiện toàn các tổ chức khác, như: Chi bộ Đảng khu dân cư, Ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể. Việc sắp xếp cần hoàn thành trước khi diễn ra đại hội chi bộ Đảng ở KDC. “Tốt nhất là mỗi TDP có một chi bộ Đảng, 1 Ban công tác Mặt trận, 1 chi hội đoàn thể…”, Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Anh đề xuất.

Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung, việc sắp xếp TDP cần bảo đảm các nguyên tắc: Vận dụng đúng quy định; bảo đảm tính hiệu quả, bền vững, lâu dài, tính đặc thù của thành phố; phát huy tính tự quản và tính dân chủ trực tiếp của cộng đồng nhưng không thoát ly vai trò quản lý của chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận.

SƠN TRUNG

;
.
.
.
.
.