.
Phát triển nghề công tác xã hội ở Đà Nẵng

Từ góc nhìn của đơn vị cung cấp dịch vụ

.

Thực hiện Đề án 32 của Thủ tướng Chỉnh phủ về định hướng phát triển nghề Công tác xã hội (CTXH) ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch 4979 triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố. Thông qua các hoạt động truyền thông, hội thảo, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, nhận thức của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng về nghề CTXH cũng đã được nâng cao. Đội ngũ cán bộ xã hội, cộng tác viên từng bước được chuyên nghiệp hóa nghề CTXH để có thể cung cấp dịch vụ tư vấn, tham vấn, kết nối, chuyển tuyến, qua đó giúp người dân tiếp cận tốt hơn các dịch vụ, được hỗ trợ nâng cao năng lực cá nhân, chất lượng cuộc sống của gia đình và cộng đồng. Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ có sự kết nối, phối hợp và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Nhiều mô hình hay, hiệu quả được nghiên cứu áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả.

Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội cùng các chuyên gia tâm lý trao đổi về cách giúp trẻ tự kỷ.
Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội cùng các chuyên gia tâm lý trao đổi về cách giúp trẻ tự kỷ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nghề CTXH ở Việt Nam nói chung, trong đó có thành phố Đà Nẵng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Hành lang pháp lý cho việc phát triển nghề CTXH ở các cấp vẫn còn thiếu và nhiều bất cập. Văn bản cao nhất định hướng cho việc phát triển nghề CTXH cũng chỉ là văn bản cá biệt (Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ), nên hiệu lực pháp lý chưa cao, chưa huy động được sự vào cuộc của các ngành liên quan (công an, tư pháp...) bởi CTXH là một hoạt động mang tính đa ngành và liên ngành phối kết hợp. Mặt khác, đến nay, Trung ương vẫn chưa có những văn bản cụ thể về vị trí việc làm cần đến nghiệp vụ chuyên môn CTXH, dẫn đến nhiều lãnh đạo và địa phương chưa hiểu nhân viên CTXH là ai, làm gì và làm ở đâu; vai trò và vị thế của họ trong hệ thống an sinh xã hội như thế nào. Vì vậy không ít nơi chưa thật sự quan tâm đầu tư cho công tác phát triển nguồn nhân lực này. Từ đó dẫn đến đội ngũ nhân viên xã hội đa phần được bố trí kiêm nhiệm và thường xuyên biến động do phân công và điều động của tổ chức... Điều đó đã ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ nghề CTXH cũng như tâm lý và thói quen sử dụng dịch vụ xã hội của người dân trong cộng đồng. Bên cạnh mặt tích cực của các chính sách bảo trợ và các hoạt động từ thiện mang lại, thì việc tạo ra tâm lý bị động, trông chờ ỷ lại của người dân cũng là một rào cản lớn trên hành trình tiến đến sự chuyên nghiệp hóa nghề CTXH.

Dưới góc nhìn từ một đơn vị cung cấp dịch vụ, để có thể tạo điều kiện cho nghề CTXH ở thành phố phát triển, cần khắc phục những mặt tồn tại hạn chế nêu trên, với những bước đi và cách làm phù hợp điều kiện thực tiễn. Trước tiên, để bảo đảm việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý nghề CTXH, trong giai đoạn hiện nay, với chức năng và vai trò của mình, các cơ sở cung cấp dịch vụ công lập cần nghiên cứu và đề xuất thực hiện thí điểm các mô hình cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản của các nhóm đối tượng phục vụ. Qua hoạt động thực tiễn, kết hợp với kiến thức khoa học, các cơ sở cung cấp dịch vụ cần tổng kết và đề xuất ban hành các chính sách liên quan. Tuy nhiên, các chính sách cũng phải bảo đảm cho việc cung cấp một dịch vụ chuyên nghiệp là dịch vụ được thực hiện liên tục, toàn diện và đồng bộ ở các ngành và cả cộng đồng. Thứ hai, cần phải có đội ngũ nhân viên CTXH chuyên nghiệp. Các cơ sở cung cấp dịch vụ phải có cán bộ chuyên trách được đào tạo cơ bản về nghề CTXH. Bên cạnh đó, các cơ sở có thể sử dụng cộng tác viên, tình nguyện viên hay hợp tác với các nhà chuyên môn như bác sĩ, luật sư... nhằm tăng năng lực cung ứng dịch vụ, nhưng người phụ trách chính với mỗi trường hợp phải được đào tạo về CTXH chuyên nghiệp, họ phải có kỹ năng thực hành tốt. Tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động mà cơ sở cung cấp dịch vụ lựa chọn đội ngũ được đào tạo các lĩnh vực chuyên sâu về CTXH phù hợp. Ví dụ: Nhân viên CTXH làm trong bệnh viện tâm thần phải có thêm các kiến thức về bệnh tâm thần... Thứ ba, thành phố sớm ban hành khung giá dịch vụ CTXH theo Quyết định 1508 của Chính phủ, qua đó tạo điều kiện phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH công lập, có thể tự chủ nguồn lực như Nghị định 16 đề ra; tạo điều kiện cho việc xã hội hóa và hình thành các vệ tinh là cơ sở cung cấp dịch vụ ngoài công lập để góp phần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, cung cấp và hỗ trợ cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau.

Th.S CTXH Trương Thị Như Hoa

;
.
.
.
.
.