Với quyết tâm không để dịch cúm gia cầm phát sinh trên địa bàn Đà Nẵng, Chi cục Thú y thành phố triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống.
Phun thuốc tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch cúm gia cầm. |
Ngay khi dịch cúm gia cầm chủng A/H5N6 phát sinh tại Quảng Ngãi, Chi cục Thú y thành phố Đà Nẵng đã triển khai quyết liệt các giải pháp: tăng cường kiểm soát, kiểm dịch gia cầm, sản phẩm gia cầm vận chuyển từ địa phương khác vào Đà Nẵng; tiêm phòng vắc-xin cúm cho đàn gia cầm hiện có, tiến hành tiêu độc, khử trùng chuồng trại…
Có mặt tại Trạm Kiểm dịch Hòa Phước sáng 23-2, chúng tôi ghi nhận việc kiểm dịch động vật nơi đây khá chặt chẽ. Các xe vận chuyển động vật qua trạm đều phải dừng và trình hồ sơ; cán bộ, nhân viên thú y kiểm tra kỹ lưỡng, phun hóa chất tiêu độc khử trùng chu đáo. Ông Thiều Sáu, Trạm trưởng cho biết: “Gia cầm tiêu thụ trên địa bàn Đà Nẵng chủ yếu chở từ phía nam ra, trong đó nhiều nhất là Quảng Ngãi. Mấy ngày gần đây, ngày nào trạm cũng kiểm dịch hơn 5.000 con gà, vịt. Gia cầm xuất xứ từ vùng dịch buộc quay trở về nơi xuất phát”.
Cùng với cơ quan thú y, các cơ sở nuôi gia cầm quy mô lớn đã tích cực triển khai phòng, chống dịch cúm gia cầm. Đến một số cơ sở nuôi gà quy mô lớn tại quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang, chúng tôi nhận thấy việc phòng, chống dịch được triển khai triệt để. Tại trại nuôi hơn 5.000 con gà của ông Nguyễn Văn Liễu (tổ 19A, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ), người lạ không được vào. Biết chúng tôi đến tìm hiểu công tác chống dịch, trại yêu cầu chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt quy định về tiêu độc, khử trùng.
Nói về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại Đà Nẵng, ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho rằng: “Phải tích cực, chủ động phòng ngừa từ xa. Đà Nẵng là địa phương có hoạt động chăn nuôi gia cầm không lớn; tại thời điểm này chỉ gần 381.000 con gà, vịt, ngan, ngỗng. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, ngày nào thành phố cũng nhập hàng chục nghìn con gia cầm từ các địa phương khác. Nguy cơ dịch cúm từ địa phương khác xâm nhập vào địa bàn thành phố rất lớn”.
Chi cục Thú y cũng đã tiến hành tiêm phòng vắc-xin cúm A/H5N1 chủng RE-6 cho toàn bộ gia cầm hiện có. Đến nay, 200.000 con gia cầm đã được tiêm phòng; đã cấp 1.200 lít Bencocix cho các địa phương, trang trại.
Tuy vậy, qua theo dõi của chúng tôi, vẫn còn những hạn chế trong công tác phòng, chống dịch. Người buôn bán gia cầm sống, người tiêu dùng vẫn thờ ơ với dịch, trong khi vi-rút cúm độc lực cao có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng con người. Không ít điểm kinh doanh mua bán gia cầm sống trên địa bàn thành phố, việc kiểm dịch đầu vào đang bỏ ngỏ, không tiêu độc, khử trùng. Tình trạng giết mổ gia cầm nhỏ lẻ sát các điểm mua bán gia cầm luôn diễn ra sôi động, không có sự kiểm soát của nhân viên thú y.
Góc chợ Hòa Khánh, bên đường Vũ Ngọc Phan luôn là điểm nóng về kinh doanh, giết mổ gia cầm sai quy định. Mỗi ngày số gia cầm tiêu thụ, giết mổ tại đây ước hàng trăm con nhưng không hề được kiểm dịch đầu vào và kiểm soát giết mổ. An toàn vệ sinh thực phẩm không bảo đảm, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Nói về điểm nóng kinh doanh giết mổ gia cầm tại góc chợ Hòa Khánh, ông Cao Xuân Thái cho rằng, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Từ lâu đã có phương án chuyển việc kinh doanh giết mổ gia cầm tại đây lên chợ Thành Vinh, song không hiểu lý do gì đến nay vẫn chưa triển khai.
Dịch cúm gia cầm đã phát sinh tại một số địa phương trên cả nước. Trong đó, tại Quảng Ngãi, nơi thường xuyên cung cấp lượng lớn gia cầm sống cho thành phố Đà Nẵng, dịch bùng phát cách đây hơn 10 ngày, ít nhất gần 20.000 con gia cầm đã bị tiêu hủy. |
Quảng Nam ngăn chặn cúm gia cầm Để chủ động ngăn ngừa sự xâm nhiễm vi-rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm độc lực cao khác (A/H5N2, A/H5N9) vào địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp. Trước đó theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước có 6 tỉnh có ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày, trong đó có 1 ổ dịch cúm A/H5N6 tại tỉnh Quảng Ngãi (giáp ranh với Quảng Nam). Theo công điện, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện, thị, thành phố khẩn trương củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp để chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm. Nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; đặc biệt lưu ý đối với gia cầm nhập từ các tỉnh có biên giới với Trung Quốc (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh) vào địa bàn tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm. Khi có gia cầm mắc bệnh chết không rõ nguyên nhân phải báo ngay cho cơ quan thú y để tiến hành lấy mẫu gửi xét nghiệm; xử lý gia cầm mắc bệnh và thực hiện công bố dịch bệnh cúm gia cầm theo quy định. Tổ chức tuyên truyền để nhân dân giám sát phát hiện, đấu tranh, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, các sản phẩm gia cầm không có nguồn gốc rõ ràng vào tiêu thụ trên địa bàn. Vận động người chăn nuôi chỉ mua gia cầm giống từ các cơ sở có uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y; tuyên truyền cho người tiêu dùng chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm soát thú y để sử dụng làm thực phẩm, không ăn tiết canh, không ăn thịt gia cầm và sản phẩm gia cầm làm thực phẩm chưa nấu chín… Công điện cũng nêu rõ sẽ xử lý nghiêm, công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Được biết Quảng Nam hiện có tổng đàn gia cầm khá lớn, chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh cúm, chăn nuôi phân tán, nhỏ lẽ trong hộ gia đình; công tác phòng chống dịch tại nhiều hộ chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức… nên tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và lây nhiễm dịch bệnh. Cạnh đó, hoạt động giết mổ gia cầm, vận chuyển gia cầm qua địa bàn tỉnh chưa được kiểm soát triệt để góp phần làm tăng nguy cơ xảy ra dịch bệnh trong thời gian đến. Báo Quảng Nam |
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU