.

Sớm di dời làng nghề đá chẻ Hòa Sơn

.

Dự án di dời làng nghề đá chẻ Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng từ năm 2013. Song, đến thời điểm hiện nay, việc di dời các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư (KDC) vẫn chưa thực hiện. Trong khi đó, người dân suốt ngày bị tiếng ồn và bụi đá “tra tấn”.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề đá chẻ Hòa Sơn diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề đá chẻ Hòa Sơn diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Môi trường ô nhiễm nặng nề

Đến khu vực làng đá chẻ Hòa Sơn, hình ảnh đầu tiên dễ dàng bắt gặp là bụi bay mù mịt kèm theo tiếng ồn chát chúa đến đinh tai, nhức óc từ các cơ sở sản xuất đá. Nước thải rửa đá trong các cơ sở này cũng chảy tràn ra đường và xuống đồng ruộng.

Chị C., một người dân sống ở thôn Phú Thượng (xã Hòa Sơn) lắc đầu ngao ngán: Suốt mấy năm qua, bà con chúng tôi phải sống trong cảnh môi trường ô nhiễm nặng nề như thế này. Trời nắng, bụi đá bay mù mịt, còn mưa thì mặt đường lớp nhớp rất dơ bẩn. Bà con kiến nghị lên các cấp yêu cầu di dời các hộ sản xuất đá ra khỏi KDC nhiều lần rồi nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn cứ diễn ra như vậy.

Không chỉ người dân sống trong khu vực làng nghề đá chẻ Hòa Sơn kêu trời, ngay cả chủ các cơ sở sản xuất đá cũng lo ngại về tình trạng này. Chủ một cơ sở sản xuất đá lo lắng: Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn hình thành tự phát hơn chục năm nay. Nhiều người có thu nhập khá lên cũng nhờ làm nghề này. Tuy nhiên, do tình trạng mạnh ai nấy làm nên môi trường ở đây bị ô nhiễm nặng. Trước đây, các hộ sản xuất được chính quyền địa phương thông báo di dời vào thôn Xuân Phú (xã Hòa Sơn), nhưng chờ mãi chưa thấy động tĩnh gì.

Theo thống kê của UBND xã Hòa Sơn, làng nghề đá chẻ Hòa Sơn có hơn 80 hộ sản xuất lớn, nhỏ đang hoạt động tại các thôn Phú Thượng, Phú Hạ, Xuân Phú và một số điểm ở địa bàn xã Hòa Nhơn. Ông Phạm Đình Phi, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn xác nhận, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, bụi đá ở làng nghề đá chẻ Hòa Sơn diễn ra lâu nay. Nguyên nhân do các hộ sản xuất hoạt động ngay tại KDC, không có hệ thống thu gom nước thải, quá trình chẻ gọt đá gây ô nhiễm, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân.

Cũng theo ông Phạm Đình Phi, cách đây mấy năm, UBND thành phố và UBND huyện Hòa Vang có quyết định di dời làng nghề đá chẻ Hòa Sơn đến vùng đồi núi ở thôn Xuân Phú. Nhưng đến nay, dự án mới chỉ xong phần mặt bằng. Dự kiến trong quý 3-2017 sẽ di dời trước khoảng 20-30 hộ sản xuất vào khu mới.

Bao giờ di dời?

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực đồi núi ở thôn Xuân Phú (nơi dự kiến di dời làng nghề đá chẻ Hòa Sơn vào) nằm tách biệt với KDC. Cả một vùng đất lớn đã được cày xới, tạo thành mặt bằng khá rộng nhưng chưa có đường sá, hệ thống điện, cống thoát nước…

Ông Nguyễn Tấn Khoa, Chánh Văn phòng HĐND – UBND huyện Hòa Vang cho hay, theo quyết định UBND thành phố phê duyệt, khu vực di dời làng nghề đá chẻ Hòa Sơn có diện tích 7,6ha, bố trí cho 173 lô để người dân vào sản xuất. Hầu hết người dân đều đồng ý với chủ trương di dời làng nghề đá chẻ Hòa Sơn đến nơi mới.

Đến thời điểm hiện nay, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và giai đoạn 2. “Với tinh thần đẩy nhanh tiến độ dự án, chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề cũ, Nghị quyết kỳ họp HĐND huyện Hòa Vang mới đây cũng đề ra mục tiêu trong quý 2-2017 sẽ hoàn thiện hạ tầng, trước mắt bố trí khoảng 30 hộ vào sản xuất tại đây”, ông Khoa cho biết thêm.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án làng nghề đá chẻ Hòa Sơn, ngày 6-1-2017, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư Trần Văn Sơn ký Công văn số 29 báo cáo UBND thành phố về chủ trương đầu tư dự án làng nghề đá chẻ Hòa Sơn giai đoạn 3, dự kiến kinh phí 8,4 tỷ đồng.

Theo đó, giai đoạn 3 của dự án sẽ đầu tư xây dựng các hạng mục hệ thống thoát nước, bể xử lý nước thải, hệ thống cấp điện sản xuất, trồng cây xanh đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Ngoài ra, Sở Kế hoạch-Đầu tư cũng kiến nghị UBND thành phố giao UBND huyện Hòa Vang làm chủ đầu tư, thực hiện quản lý dự án làng nghề đá chẻ Hòa Sơn giai đoạn 3.

PHƯƠNG CHI – CẨM DUYÊN

;
.
.
.
.
.