.

Sớm đưa ngành đường sắt thoát tình trạng lạc hậu, yếu kém

.

Sáng 15-3, tại Hà Nội, thảo luận về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chính sách phát triển đường sắt.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. 						                         Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu cho rằng, dự thảo luật cần quy định rõ ràng, đầy đủ hơn và mang tính chất đột phá đối với chính sách phát triển ngành đường sắt, nhất là về đầu tư để đưa đường sắt sớm thoát khỏi tình trạng lạc hậu, yếu kém như hiện nay; phát triển từng loại hình đường sắt trong hệ thống giao thông vận tải (GTVT) nhằm kiến tạo một hệ thống GTVT đường sắt đồng bộ, bền vững, an toàn, hiệu quả, ít tác động tiêu cực tới môi trường, bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, Điều 5 của dự thảo luật đã được chỉnh sửa, quy định Nhà nước ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị theo quy hoạch phát triển GTVT đường sắt được phê duyệt; quy định Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư, kinh doanh đường sắt; phát triển hệ thống đường sắt chuyên dùng có kết nối với đường sắt quốc gia; đã bổ sung quy định Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp đường sắt, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển đường sắt hiện đại...

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đánh giá Điều 5 dự thảo quy định về chính sách phát triển đường sắt còn chung chung, sử dụng nhiều từ “tập trung, khuyến khích, ưu tiên” - là những cụm từ được xuất hiện trong nhiều văn bản, mang tính chung chung trong khi đó mong muốn có những chính sách mang tính đột phá, khắc phục được tình trạng yếu kém của ngành đường sắt so với các loại hình vận tải trong nước và khu vực. Đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung để làm rõ hơn chính sách đột phá để phát triển ngành đường sắt. Nêu con số năm 2015, đầu tư cho đường sắt chỉ 1,6% nhưng đường bộ hơn 92%, đường thủy nội địa 1,9%, đường hàng hải 3,3% và đường không có 0,3%. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, phải tiến tới sự cân đối trong đầu tư, tạo sự hài hòa, kết nối đầy đủ, toàn diện cả 4 hệ thống đường giao thông.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị luật này phải giải quyết những bất cập, hạn chế của ngành đường sắt, tạo bước đột phá mới về mặt chính sách pháp luật để đường sắt trong 5, 10 năm tới dần trở thành một trong những lĩnh vực chủ đạo. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Luật phải giải quyết được những bất cập và mở ra các chính sách đột phá để đưa đường sắt trở thành định hướng phát triển chủ lực, khai thác được lợi thế đặc điểm của Việt Nam, đất nước trải dài từ Bắc vào Nam.

Một trong những vấn đề được quan tâm là an toàn cho đường ngang dân sinh. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu có hơn 4.000 đường ngang dân sinh trái phép mặc dù trong dự thảo luật có cấm nhưng nếu không gắn với trách nhiệm và chế tài xử phạt thật nghiêm thì không thực hiện được đúng pháp luật về đường sắt. Chủ tịch Quốc hội đề nghị luật phải có các quy định gắn trách nhiệm không chỉ của ngành GTVT, ngành đường sắt mà còn có trách nhiệm của các địa phương có đường sắt đi qua...

Về giá/phí trong kinh doanh đường sắt, nhiều ý kiến thống nhất với phương án Chính phủ trình cho rằng, quy định cơ chế phí như hiện nay không phù hợp với cơ chế thị trường, không khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh đường sắt. Để thực hiện chủ trương của Nhà nước về xã hội hóa đầu tư, kinh doanh đường sắt, trong tương lai sẽ có nhiều đơn vị tham gia đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt. Do đó, cần áp dụng cơ chế giá cho linh hoạt và thuận lợi trong việc lựa chọn được đơn vị có khả năng sử dụng hiệu quả nhất kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư.

TTXVN

 

;
.
.
.
.
.