.

Tấm lòng bác sĩ ở Trường Sa

.

Trong thời gian 12 - 18 tháng công tác ở Trường Sa, các chiến sĩ quân y đã nỗ lực không ngừng để chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, nhân dân và ngư dân bị ốm đau, tai nạn trên biển.

Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa trao giấy khen cho cán bộ quân y Bệnh xá đảo Nam Yết.
Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa trao giấy khen cho cán bộ quân y Bệnh xá đảo Nam Yết.

Đầu tháng 1-2017, ngư dân Phạm Hà (quê Quảng Ngãi), thuyền viên tàu QNg 95927, bị cá chình biển cắn vào cổ tay gây thương tích nặng khi anh đang lặn bắt cá tại biển Trường Sa. Nhận được thông tin, kíp bác sĩ của Bệnh xá đảo Nam Yết cùng cán bộ hải quân của đảo nhanh chóng ra biển để đưa thuyền viên vào bờ cấp cứu.

Khi tiếp cận ngư dân cách đảo khoảng 3 hải lý, thuyền viên Hà được đưa sang xuồng CQ; tổ quân y do Trung tá Nguyễn Đình Thành, Bệnh xá trưởng đảo Nam Yết nhanh chóng sơ cứu, sau đó đưa vào đảo để cấp cứu. Gần một giờ sau, kíp cấp cứu đã cứu được bàn tay sắp hoại tử của anh Hà.

Bệnh xá đảo Nam Yết gồm 7 cán bộ, trong đó có 2 bác sĩ và 5 điều dưỡng thuộc Bệnh viện Quân y 103, Bộ Quốc phòng. Bệnh xá được trang bị 1 máy gây mê nội khí quản, 1 máy siêu âm, máy hút sau mổ cùng nhiều trang thiết bị khác và nhiều cơ số thuốc phục vụ thăm khám bộ đội hải quân, ngư dân.

Bác sĩ Nguyễn Đình Thành cho biết, bệnh xá hoạt động độc lập, vừa là tuyến đầu tiên, vừa là tuyến cuối, không có sự hỗ trợ nào. Điều kiện công tác của quân và dân trên đảo luôn tiềm ẩn rủi ro, bệnh tật, trong khi trang thiết bị, phương tiện thiếu so với đất liền.

Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, các y, bác sĩ của Bệnh xá đảo Nam Yết đã thăm khám, chăm sóc tốt sức khỏe cho bộ đội hải quân cũng như ngư dân. Riêng trong năm 2016, các y, bác sĩ đã thăm, khám cho gần 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ của đảo và hơn 100 lượt ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ.

Cũng như Bệnh xá đảo Nam Yết, các bệnh xá đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca... mỗi năm thăm, khám hàng nghìn lượt bệnh nhân là bộ đội hải quân, ngư dân và nhân dân trên đảo. Bệnh xá đảo Sinh Tồn còn có hệ thống trực tuyến để nhận sự hỗ trợ từ đất liền khi đảo gặp những ca phẫu thuật phức tạp.

“Xác định trách nhiệm của người quân y trên đảo là chăm lo sức khỏe cho bộ đội và nhân dân nên chúng tôi luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, xử lý mọi tình huống trong điều kiện có thể. Những trường hợp nào quá nặng mới đưa về đất liền để cấp cứu”, Đại úy Nguyễn Văn Ban, Bệnh xá trưởng đảo Sinh Tồn cho biết.

Thời gian công tác của lực lượng quân y từ 12-18 tháng tùy thuộc vào đơn vị được phân công ra đảo. Bác sĩ từ Bệnh viện Quân y 103 sẽ phục vụ 1 năm rồi trở về đất liền; còn bác sĩ Viện Y học Hải quân sẽ kéo dài 18 tháng.

Bác sĩ Nguyễn Đình Thành, Bệnh xá trưởng đảo Nam Yết cho biết, xác định công tác chăm sóc sức khỏe của bộ đội, nhân dân trên đảo là nhiệm vụ cao cả nên tập thể bệnh xá luôn nỗ lực. “Ở đảo, chúng tôi nhận thấy tinh thần, trách nhiệm của các chiến sĩ hải quân rất lớn; họ không ngại khó, ngại khổ để ngày đêm canh giữ biển, đảo của Tổ quốc. Nhiều cán bộ hải quân còn xung phong ở lại nhiều năm để canh giữ đảo. Vì vậy, những khó khăn mà chúng tôi gặp phải không đáng gì so với các anh”, bác sĩ Thành chia sẻ.

Trung tá Phạm Đình Ngân (Bệnh xá đảo Sinh Tồn) có thâm niên 27 năm công tác chăm sóc sức khỏe cho quân và dân tại quần đảo Trường Sa. Là bác sĩ gây mê, hằng năm anh được chọn đi công tác tại các đảo. Các y sĩ trẻ như Trung úy Lương Xuân Thọ, Nguyễn Khắc Tuyến, Nguyễn Đức Việt (Bệnh xá đảo Nam Yết) nhận thấy ra đảo cống hiến là vinh dự rất lớn nên trong gần nửa năm ra đảo, các anh gạt nỗi buồn, nhớ nhà để chăm sóc sức khỏe cho quân và dân.

Bất kể ngày hay đêm, chỉ cần một cán bộ, chiến sĩ sốt nhẹ, hay ngư dân bị tai nạn trên biển, dù cách mấy hải lý nhưng các anh cũng đến nơi để chăm sóc. Tinh thần các anh luôn được lãnh đạo đảo cũng như nhân dân huyện đảo Trường Sa ghi nhận và đánh giá cao.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.