Nhiều thanh niên với quyết tâm và sự cần cù, bền bỉ đã làm giàu trên chính quê hương Hòa Vang. Tuy nhiên, Huyện Đoàn Hòa Vang đánh giá 50 mô hình làm kinh tế hiệu quả của thanh niên vẫn còn quá ít so với số lượng thanh niên trên địa bàn.
Giám đốc HTX nấm Nhơn Phước Nguyễn Văn Nhi kiểm tra những bịch nấm sắp cho ra thành phẩm. |
Sau khi học qua các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ cây trồng, con vật nuôi, giữa tháng 8-2015, anh Nguyễn Văn Nhi, thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang quyết định xây dựng Hợp tác xã (HTX) nấm Nhơn Phước với 8 thành viên. Bằng phương pháp huy động nguồn vốn đầu tư khoảng 100 triệu đồng từ các xã viên, HTX đầu tư các trang thiết bị ban đầu phục vụ quy trình sản xuất nấm như nguồn giống, nhà trồng nấm, nhà đóng gói bao bì...
Theo anh Nguyễn Văn Nhi, so với trồng lúa và các loại hoa màu, trồng nấm có thu nhập cao hơn hẳn. Làm nấm không khó về kỹ thuật, chỉ cần áp dụng đúng quy trình và chịu khó chọn nguyên liệu là có thể thành công. Với 6.000 bịch nấm, mỗi ngày anh Nhi bán ra thị trường 50 - 60kg nấm rơm, giá 40.000 - 50.000 đồng/kg.
Đặc biệt, vào các ngày lễ, ngày rằm, giá nấm tăng 70.000 - 100.000 đồng/kg. Đối với nấm linh chi, giá bán cao hơn, khoảng 1,2 triệu đồng/kg. Ngoài 8 thành viên của HTX, hằng tháng, anh Nhi còn huy động một số lao động thời vụ, đặc biệt ưu tiên những đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã.
Sau khi trừ các khoản chi phí, thu nhập bình quân hằng tháng của hội viên 5 - 6 triệu đồng/người, lãi suất hằng năm HTX thu về khoảng 450 triệu đồng. Bên cạnh đó, HTX nấm Nhơn Phước còn tạo điều kiện để thanh niên trên địa bàn đến học tập mô hình và học nghề khi có nhu cầu.
Nhìn thấy nỗ lực vươn lên làm giàu của chàng trai trẻ, Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đà Nẵng, UBND huyện Hòa Vang lần lượt hỗ trợ 1 lò hấp, 1 máy sấy nấm linh chi, 1 dây chuyền phun sương tự động trị giá hơn 100 triệu đồng giúp HTX nấm Nhơn Phước hiện đại hóa dây chuyền sản xuất. Hiện nay, ngoài thị trường chính là chợ đầu mối Hòa Cường, HTX cung cấp nguyên liệu cho một số nhà hàng, quán ăn tại Đà Nẵng và đang hướng đến những thị trường xa hơn.
Cũng với mơ ước làm giàu chính đáng, Vũ Thành Đạt (25 tuổi) đang phát triển đàn gà Đông Tảo gần 1.000 con trên mảnh rừng rộng 7ha của gia đình tại thôn Quan Nam 3 (xã Hòa Liên). Những ngày đầu tập tành nuôi gà Đông Tảo, Đạt đối mặt với khó khăn khi đàn gà gần 300 con lần lượt chết vì dịch bệnh.
Nhìn bao vốn liếng và công sức bỏ ra, chàng trai trẻ quyết tâm gầy dựng đàn gà mới, học hỏi thêm kinh nghiệm phòng bệnh dịch cho vật nuôi trên các diễn đàn mạng. Lứa gà mới lớn lên, Đạt chưa kịp mừng thì phát sinh khó khăn mới: Gà “lười” ấp trứng, vô số trứng gà không chịu nở, ung thối phải mang đi đổ. Anh chia sẻ: “Trứng gà Đông Tảo khá nhỏ, trong khi gà mái lại thưa lông nên khi ấp không bảo đảm nhiệt độ cho trứng nở, do đó, việc gầy đàn diễn ra rất khó khăn. Có khi vài con gà mái ấp hàng chục trứng nhưng chẳng nở trứng nào”.
Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng sức hấp dẫn của giá gà Đông Tảo trên thị trường khiến Đạt quyết tâm vượt qua. Cụ thể, trứng gà giống có giá 70.000 đồng/quả, gà mới nở 120.000 đồng/con, gà thương phẩm 300.000 đồng/kg, gà trống loại 1 (bề ngang chân 6 cm) trên 5 triệu đồng/con...
Đến nay, nhờ cải thiện chuồng trại, bảo đảm nhiệt độ, mỗi tháng trang trại của anh xuất ra thị trường gần 300 con. Ngoài chăm sóc đàn gà, Đạt còn trồng hoa lan cung cấp cho cửa hàng hoa, nuôi thêm nai, bò lấy thịt... Sau khi trừ chi phí, mỗi năm Đạt thu lãi khoảng 300 triệu đồng.
Theo thống kê, huyện Hòa Vang có tháp dân số trẻ, trong đó thanh niên chiếm gần 30% tổng dân số toàn huyện. Đây là nguồn nhân lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là góp phần thực hiện thắng lợi chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.
Tuy nhiên, Bí thư Huyện Đoàn Hòa Vang Nguyễn Bá Duân cho biết, hiện có chưa đến 50 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ phát huy hiệu quả, đa phần còn lại vẫn mang dáng dấp nhỏ lẻ, manh mún và thiếu tính bền vững.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình kinh tế của thanh niên đối diện với khó khăn về vốn, đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Ngay cả những ông chủ thế hệ 8X khá nổi tiếng trên địa bàn huyện hiện cũng gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng, phát triển chuồng trại, đầu tư con giống. Theo anh Nguyễn Bá Duân, rất cần có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa để thanh niên có thể làm giàu bền vững trên chính mảnh đất quê hương mình.
Bài và ảnh: TIỂU YẾN