Gần 300 người tiến bộ khi tham gia cai nghiện ma túy tại gia đình-cộng đồng là một con số ấn tượng, và đằng sau đó là sự nỗ lực không mệt mỏi của biết bao người trên hành trình “trở về”.
Chính quyền và các hội, đoàn thể góp phần quan trọng vào công tác cai nghiện tại gia đình-cộng đồng. (ảnh minh họa) |
Nhận 15 em nghiện ma túy từ tháng 7-2015 để cùng gia đình hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng, anh Nguyễn Nam Thắng, cán bộ phụ trách công tác phòng, chống tệ nạn xã hội phường Tam Thuận (quận Thanh Khê) rất lo lắng. Giúp người đang nghiện là chuyện không hề dễ dàng, trong khi anh chỉ có... tấm lòng vận động gia đình cùng giúp sức.
Đầu tiên, anh xây dựng bộ tờ rơi tuyên truyền cai nghiện tại gia đình-cộng đồng để chuyển xuống từng tổ dân phố giúp mọi người có cái nhìn cởi mở, giảm kỳ thị đối với người nghiện. Anh Thắng còn cùng gia đình người nghiện đưa các em đi cắt cơn tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng và Trung tâm Y tế quận Thanh Khê; tiếp sau đó là lên kế hoạch chi tiết giúp đỡ các em.
Tiếp cận với đối tượng nghiện không dễ, anh Thắng phải tham gia mạng xã hội như Zalo, Viber, Facebook để trò chuyện, tâm sự, đồng thời gặp gỡ các em tại quán cà-phê để chia sẻ như một người anh trai chân thành. Anh còn tổ chức những chuyến đi từ thiện tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng và các trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố để các em cùng tham gia.
“100.000 đồng đóng góp của mỗi em giúp mang lại 8 suất ăn cho bệnh nhân, trẻ em nghèo. Từ đó các em thấy quý đồng tiền, thấy mình đã phí hoài tiền bạc, thời gian và tuổi trẻ như thế nào”, anh Thắng bộc bạch. Trong những chuyến đi từ thiện ở bệnh viện, các em còn có cơ hội tiếp xúc những người đã sử dụng ma túy đá và bị bệnh để tận mắt nhìn thấy hậu quả nếu tiếp tục sử dụng. Nhờ đó, đã có 9 em tiến bộ, chưa tái nghiện.
Xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang cũng là một trong những địa phương có nhiều cách làm tích cực trong công tác giúp đỡ đối tượng cai nghiện tại gia đình-cộng đồng. Địa phương tổ chức tuyên truyền dưới hình thức sân khấu hóa khá sinh động.
Các cán bộ phụ trách công tác xã hội địa phương phối hợp với Hội Nông dân, Cựu chiến binh, Phụ nữ đưa 3 em lên Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang cắt cơn, cũng như thường xuyên đến nhà nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hỗ trợ các em học nghề, việc làm để tránh xa ma túy.
Theo thống kê của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng, sau hơn 1 năm đẩy mạnh công tác cai nghiện ma túy tại gia đình-cộng đồng, Đà Nẵng có 309 người nghiện tham gia; trong đó hiện chỉ còn 21 người đang cai, trong diện quản lý.
Số còn lại không tái nghiện và đã hòa nhập cộng đồng. Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng cho biết, có được kết quả trên là nhờ hầu hết các địa phương đều tổ chức tốt việc lập hồ sơ, điều trị, cắt cơn, giải độc và quản lý chặt chẽ, có phân công theo dõi, kèm cặp, kiểm danh, kiểm diện, đánh giá định kỳ.
“Cai nghiện tại gia đình-cộng đồng mang tính nhân văn sâu sắc bởi không gây mặc cảm, tự ti cho người nghiện. Ngoài ra, chi phí cai nghiện theo hình thức này thường thấp hơn rất nhiều so với việc đưa người nghiện lên cai tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng.
Đối với những trường hợp mới nghiện ở mức độ nhẹ, nếu đưa lên cơ sở cũng chưa phù hợp”, ông Hùng cho biết. Tuy nhiên, theo ông Hùng, quá trình tổ chức cai nghiện tại gia đình-cộng đồng cũng còn gặp một số khó khăn như: Một số địa phương chưa nắm vững các quy định nên không lập hồ sơ đối với các trường hợp bị áp dụng biện pháp quản lý, giáo dục tại xã, phường do nghiện ma túy nên số người cai nghiện tại gia đình-cộng đồng còn ít.
Bên cạnh đó, người nghiện chưa tự giác đăng ký cai nghiện nên phần lớn các địa phương đều áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc. Việc quản lý, kèm cặp, giúp đỡ người nghiện ma túy tại gia đình-cộng đồng trong thời gian cắt cơn, giải độc tại các trung tâm y tế hiện vẫn chưa chặt chẽ...
Bài và ảnh: KIM NGÂN