Thời gian qua, “hành trình về nguồn” được Hội Cựu chiến binh và các cơ sở Đoàn thường xuyên phối hợp tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau, trở thành hoạt động ý nghĩa trong việc tuyên truyền, giáo dục thanh - thiếu niên về lịch sử dân tộc.
Hành trình về nguồn của Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên xã Hòa Khương năm 2016 tại Bia di tích Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ - Chi bộ tiền thân của Đảng bộ huyện Hòa Vang. |
Huyện Hòa Vang được xem là cái nôi cách mạng khi có 10/11 xã được công nhận xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hầu như địa phương nào tại đây cũng là vùng căn cứ cách mạng. Đơn cử, trên địa bàn xã Hòa Khương hiện có hơn 700 liệt sĩ, 94 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và hàng trăm người đang hưởng chế độ thương - bệnh binh. Bí thư Đảng ủy xã Đinh Ngọc Thiên khẳng định, Hòa Khương xưa là cái nôi cách mạng, nơi ghi dấu nhiều trận đánh lịch sử của quân và dân ta. Vùng đất và con người Hòa Khương còn ghi lại dấu ấn lịch sử qua Bia di tích Văn chỉ La Châu, là quê hương của danh nhân Đỗ Thúc Tịnh, người được vua Tự Đức khen ngợi có nghĩa khí, từng cải trang bí mật vào hàng ngũ tướng sĩ để động viên họ chiến đấu, vận động nhân dân tham gia kháng chiến chống Pháp, tuyển mộ nghĩa binh, thu gom lương thực, gây dựng phong trào giết giặc, cứu nước sôi nổi giữa cuối thế kỷ 19.
Khơi dậy truyền thống cách mạng ấy, nhiều năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Hòa Khương triển khai nhiều chương trình phối hợp, giao lưu, nói chuyện truyền thống với đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Ông Đặng Văn Quang, Chủ tịch Hội CCB xã tâm sự, trong mỗi cuộc “hành quân về nguồn”, điều ông ấm lòng nhất là nhìn thấy lớp trẻ biết lắng nghe, chia sẻ và có ý thức tìm hiểu về lịch sử cách mạng. Trong không khí đó, những câu chuyện lịch sử được kể ra đầy xúc động và mang nhiều yêu thương, gửi gắm. Theo lời ông Quang, năm 2016, cuộc hành quân về nguồn của hơn 150 cán bộ, ĐVTN diễn ra tại Bia di tích Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ - Chi bộ tiền thân của Đảng bộ huyện Hòa Vang diễn ra khá thành công. Tại đây, các thành viên được nghe cán bộ Tuyên giáo xã Nguyễn Dũng chia sẻ lịch sử ra đời và phát triển của Chi bộ Đảng những ngày còn trong trứng nước. Trải qua các giai đoạn lịch sử đấu tranh cách mạng, Chi bộ ngày càng phát triển về số lượng đảng viên, trở thành nhân tố quan trọng trong việc tuyên truyền, định hướng các hoạt động cách mạng. Cũng trong chương trình hành quân về nguồn này, đoàn còn đến thắp hương và đặt vòng hoa tưởng nhớ ông Nguyễn Bá Thanh tại xã Hòa Tiến, thăm Khu tượng đài Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng trên đỉnh núi Cấm ở TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam)…
Trung bình mỗi năm, Đoàn xã Hòa Khương tổ chức từ 2 đến 3 chương trình về nguồn, qua nhiều địa chỉ khác nhau, kết hợp với những cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ địa phương. Nhắc lại những hành trình ấy, anh Đặng Văn Quang, Đoàn xã Hòa Khương nói, anh và hàng chục ĐVTN xã đã có những chuyến đi thật sự ý nghĩa, hun đúc thêm tình yêu và niềm tự hào dân tộc để từ đó phấn đấu thi đua lập thân, lập nghiệp, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nằm trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Khu căn cứ B1-Hồng Phước là cơ sở cách mạng bí mật trong lòng địch. Từ năm 1961 đến năm 1975, Hồng Phước trở thành chiếc nôi cách mạng ở cánh bắc Hòa Vang với mật danh B1. Khoảng thời gian ấy, xóm Hồng Phước có 64 nóc nhà, tất cả đều là cơ sở cách mạng. Điều đặc biệt, suốt từ khi thành lập khu căn cứ cho đến ngày giải phóng quê hương, cơ sở này chưa một lần bị lộ dù địch nhiều lần lùng sục, bắt bớ, tra tấn người dân. Để bảo vệ cán bộ, chiến sĩ cách mạng, các gia đình ở Hồng Phước đã đào 64 căn hầm bí mật nằm sâu trong lòng cát, cung cấp lương thực để họ đủ sức chiến đấu và giành thắng lợi trong các chiến dịch lớn trên địa bàn bắc Hòa Vang. Ngày nay, Hồng Phước có 3 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 23 liệt sĩ, 129 thương – bệnh binh…
Bí thư Quận Đoàn Liên Chiểu Phan Công Bằng cho biết, Hồng Phước luôn là “địa chỉ đỏ” được Quận Đoàn ưu tiên tổ chức hoạt động về nguồn. Tại đó, những kỷ vật chiến tranh như vũ khí, nắp hầm, chiếc đèn dầu, giày dép, áo, mũ… gợi nhớ biết bao câu chuyện lịch sử về “ngọn đèn đứng gác” Hồng Phước trong những năm tháng chống Mỹ. Hiểu lịch sử để hun đúc niềm tin vào Đảng, trang bị cho mình những kiến thức cơ bản, không ngại khó khăn để tiếp tục cống hiến, xây dựng quê hương.
Quá khứ đẹp, hào hùng được tái hiện qua những câu chuyện kể, qua những hành trình về nguồn góp phần xây dựng lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, có lý tưởng cách mạng, có lối sống đẹp, có bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn cũng thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị với chủ đề “Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng”, “Nhớ về Bác - Lòng ta trong sáng hơn”, các diễn đàn “Đảng với thanh niên, thanh niên với Đảng”... Điều này góp phần tạo nên phong trào thi đua, yêu nước, tinh thần lập thân, lập nghiệp, giúp thế hệ trẻ sống xứng đáng với truyền thống cách mạng của cha ông.
Bài và ảnh: TIỂU YẾN