Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 3/3 Liên hợp quốc đã kỷ niệm Ngày Thế giới Bảo vệ Động vật Hoang dã bằng lời kêu gọi khai thác sức mạnh từ tiếng nói của thế hệ trẻ trong những nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga. (Nguồn: TTXVN) |
Chủ đề của Ngày Thế giới Bảo vệ Động vật Hoang dã năm nay là "Hãy lắng nghe tiếng nói của thế hệ trẻ" nhằm nhấn mạnh rằng số phận của đời sống hoang dã sẽ sớm nằm trong tay thế hệ tiếp theo.
Trong thông điệp nhân ngày này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres nêu rõ nạn săn bắn và buôn lậu bất hợp pháp đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với đời sống hoang dã, nhất là một số loài có tính biểu tượng và đang có nhiều nguy cơ bị diệt chủng nhất trên thế giới. Việc thực thi nghiêm luật pháp có ý nghĩa quan trọng, song việc nâng cao nhận thức còn quan trọng hơn.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi thanh niên bảo vệ "tài sản thừa kế" của mình bằng cách tham gia bảo vệ những động thực vật hoang dã đang đứng trước nguy cơ tiệt chủng.
Trong một thông điệp khác, bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), nhấn mạnh rằng thế hệ trẻ đóng vai trò đặc biệt vừa là người tạo ra sự thay đổi vừa là những người canh giữ tương lai.
Bà nhấn mạnh những thế hệ đi trước cần phải lắng nghe họ và khuyến khích sự can dự của họ để tạo ra những hình thái hành động mới nhằm bảo tồn và bảo vệ đời sống hoang dã dựa trên cơ sở đoàn kết.
Nằm trong các hoạt động kỷ niệm Ngày Thế giới Bảo vệ Động vật Hoang dã, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã cùng với Phái đoàn các nước Anh, Botswana, Thái Lan, Đức, Gabon phối hợp với tổ chức Xã hội bảo tồn đời sống hoang dã (WCS), Cơ quan chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) và Ban thư ký Công ước CITES đồng tổ chức sự kiện bên lề để hưởng ứng các nỗ lực của Liên hợp quốc trong việc bảo tồn đời sống hoang dã và chống buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ động thực vật hoang dã.
Phát biểu tại sự kiện bên lề, Đại sứ Trưởng phái đoàn bà Nguyễn Phương Nga đã trình bày những đề xuất để các quốc gia thành viên Liên hợp quốc có thể cùng nhau giải quyết vấn nạn buôn bán động thực vật hoang dã, và đặc biệt là xóa bỏ thị trường dành cho các sản phẩm phi pháp này.
Theo Đại sứ, thị trường là sự kết hợp giữa cung và cầu, do đó để xóa sổ thị trường buôn bán các sản phẩm hoang dã, cần tiến hành 5 biện pháp sau:
Thứ nhất, phát triển và thực thi những chiến lược giảm cầu để người tiêu dùng không muốn và không thể mua các sản phẩm hoang dã.
Thứ hai, cần tiến hành những chiến dịch nâng cao nhận thực để gây ảnh hưởng tới hành vi của người tiêu dùng đồng thời để người dân có nhận thức hơn nữa về những hậu quả và tác động của việc sắn bắt và buôn lậu động thực vật hoang dã.
Thứ ba, cải tiến luật pháp và tăng cường việc thực thi luật pháp để người tiêu dùng không thể mua những sản phẩm hoang dã.
Thứ năm, cần phải củng cố mối quan hệ đối tác ở mọi cấp, quốc gia, khu vực và quốc tế, giữa chính phủ và các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân trong nỗ lực bảo vệ đời sống hoang dã.
Theo Liên hợp quốc, hoạt động buôn bán các sản phẩm hoang giã là loại tội phạm "sinh lời" nhiều thứ tư trên thế giới, sau nạn buôn bán ma túy, người và vũ khí.
Ước tính hàng năm thế giới thất thoát 48-153 tỷ USD do nạn buôn bán các sản phẩm hoang dã, gần tương đương với mức viện trợ phát triển chính thức trên toàn cầu hàng năm (135 tỷ USD).
Theo Vietnam+