.

Bất cập khai thác khoáng sản

.

Đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 37 giấy phép khai thác khoáng sản tập trung tại các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang. Thời gian qua, việc khai thác khoáng sản diễn ra rầm rộ, nhưng công tác thanh tra, kiểm tra còn nhiều hạn chế dẫn đến những bất cập trong quá trình khai thác và lãng phí nguồn tài nguyên.

Nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản vượt ranh giới quy định, do quá trình thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng còn hạn chế.
Nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản vượt ranh giới quy định, do quá trình thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng còn hạn chế.

Nhiều doanh nghiệp vi phạm

Vừa qua, dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động khai thác khoáng sản của 17 mỏ, qua đó phát hiện nhiều bất cập, thiếu sót. Trong đó, riêng việc đo đạc ranh giới đã phát hiện 9 mỏ vi phạm. Cụ thể, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 – Công ty CP khai thác mỏ đất đồi thôn An Tân, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang khai thác ra ngoài giấy phép diện tích 0,42ha, khối lượng 15.817m3, khai thác thấp hơn cos cho phép trên diện tích 0,65ha, khối lượng 20.295m3. Tại mỏ đất đồi Phú Hạ, Công ty CP Khai thác khoáng sản Hòa Vang khai thác ra ngoài diện tích quy định 0,52ha, khối lượng 36.720m3, diện tích vượt cos 2,17ha, khối lượng 95.766m3. Ở mỏ đất đồi Thạch Nham Đông do Công ty TNHH Phúc Đặng khai thác, diện tích vượt ra ngoài 2,1ha, khối lượng 303.314m3. Công ty CP Tập đoàn Nguyễn Phan Chánh khai thác mỏ đất đồi Thuận Phước vượt mốc ranh giới 1ha, khối lượng 196.774m3...

Ngoài ra, Sở TN&MT kiểm tra 5 đơn vị và phát hiện Công ty Khai thác khoáng sản Thanh Hòa khai thác đất sét Bàu Tràm tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang giai đoạn 2 vượt độ sâu 1,52ha, khối lượng 9.505m3, thi công ra ngoài ranh giới 0,39ha, khối lượng 169m3. Công ty CP Quang – HT khai thác ngoài ranh giới mỏ đá Suối Mơ II tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang với diện tích 0,27ha, khối lượng 10.280m3. Công ty CP Khoáng sản và đầu tư VISACO khai thác thấp hơn cos cho phép +60m, diện tích 0,65ha, khối lượng 19.475m3. Doanh nghiệp Huỳnh Đức May khai thác mỏ đá Hố Sâu ra ngoài diện tích cấp phép 0,52ha, khối lượng 44.691m3, khai thác thấp hơn cos cho phép 0,55ha, khối lượng 2.200m3. Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Sơn Hải khai thác mỏ đá thôn Thạch Nham Đông tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang ra ngoài diện tích 0,81ha, khối lượng 2.396m3

Bên cạnh khai thác vượt ranh giới cấp phép, ngành chức năng còn phát hiện một số đơn vị chưa thực hiện cắt tầng khai thác, bạt mái taluy theo thiết kế mỏ, đề án/phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được duyệt, mặt bằng còn nham nhở, một số mỏ có nguy cơ sạt lở, mất an toàn khi có mưa lớn. Điển hình như Công ty Khoáng sản và đầu tư VISACO (mỏ đá Sơn Phước tại xã Hòa Ninh) chưa thực hiện đúng thiết kế mỏ, chưa cắt tầng khai thác bảo đảm an toàn. Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 – CTCP (mỏ đất đồi thôn An Tân, xã Hòa Phong), khu vực khai thác còn nham nhở, nhiều vị trí cao chưa được hạ thấp cao trình để bảo đảm an toàn. Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Sơn Hải (mỏ đá Lưỡi Mèo 1, mỏ đá Thạch Nham Đông) chưa cắt tầng phủ… Ngoài ra, một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước, trong đó có doanh nghiệp nợ tiền ký quỹ phục hồi môi trường, phí bảo vệ môi trường, thuế đất…

Do còn hạn chế trong công tác quản lý môi trường nên nhiều doanh nghiệp đã khai thác vượt phạm vi cho phép. Ảnh: NGỌC PHÚ
Do còn hạn chế trong công tác quản lý môi trường nên nhiều doanh nghiệp đã khai thác vượt phạm vi cho phép. Ảnh: NGỌC PHÚ

Còn nhiều hạn chế về quản lý Nhà nước

Để xảy ra tình trạng trên, theo đánh giá của Sở TN&MT, công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản trong thời gian qua còn nhiều thiếu sót, hạn chế. Cụ thể chưa thường xuyên kiểm tra lại mốc giới khu vực được cấp phép khai thác để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hành vi khai thác ngoài diện tích giấy phép được cấp; khi thẩm định hồ sơ môi trường chưa xem xét kỹ lưỡng đến tính thực tế, khả thi của các giải pháp xử lý môi trường do các đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đưa ra, dẫn đến khó thực hiện trong thực tế. Ngoài ra, khi cấp phép mới, gia hạn giấy phép chưa kịp thời yêu cầu các chủ mỏ hoàn thành thủ tục về đất đai trước khi đưa vào khai thác; chưa có giải pháp kiểm soát khối lượng khoáng sản khai thác theo từng năm, của từng mỏ để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm khai thác vượt công suất.

Đặc biệt, công tác hậu kiểm sau khi cấp phép thiếu thường xuyên, chưa thực sự hiệu quả để bảo đảm các đơn vị tuân thủ đúng quy định pháp luật trong hoạt động khai thác. Một số trường hợp được cấp phép có vi phạm nhưng chưa phát hiện kịp thời, xử lý dứt điểm như Công ty CP Tập đoàn Nguyễn Phan Chánh, Công ty TNHH Phúc Đặng, Công ty TNHH Đầu tư và khai thác khoáng sản Hòa Vang. Trong lúc đó, khi xử lý chỉ áp dụng với mức phạt thấp. Sự phối hợp giữa các ngành chưa hiệu quả, chồng chéo trong thanh, kiểm tra, giám sát giữa Sở TN&MT, UBND các quận, huyện và lực lượng Cảnh sát môi trường…

Trước thực trạng vi phạm về khai thác vượt ranh giới, Sở TN&MT thành phố đã đề xuất UBND thành phố xử phạt 6 đơn vị. Cụ thể, đề xuất xử phạt Công ty CP Khai thác khoáng sản Hòa Vang khung phạt từ 100 đến 140 triệu đồng, Công ty TNHH Phúc Đặng khung phạt từ 140 đến 200 triệu đồng, Công ty CP Khai thác khoáng sản Thanh Hoài từ 100-140 triệu đồng, Công ty CP Quang – HT khung phạt từ 500-600 triệu đồng, Tổng Công ty Công trình xây dựng giao thông 5 – CTCP khung phạt từ 100-140 triệu đồng và Công ty CP Khoáng sản và đầu tư VISACO từ 60-80 triệu đồng...

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.